![]() |
Một phụ nữ Beslan quỳ bên nấm mộ người thân, thiệt mạng trong vụ bắt cóc hồi tháng 9. |
*Uỷ ban điều tra vụ Beslan sẽ không tiết lộ sự thật
* Người Beslan thề trả thù 'từng bước một'
Zaseyeva nấc lên rồi rầu rĩ: "Hãy mang con theo".
Hôm qua là ngày thứ 40 kể từ vụ thảm kịch ở Beslan. Lễ đoạn tang của người Bắc Ossetia được đánh dấu bằng lễ cầu nguyện và các bữa tiệc cho người đã khuất. Nó cũng đánh dấu một giai đoạn mới tại thành phố nhỏ đã mất hơn 330 người dân này.
Beslan chìm đắm trong nỗi đau, tình yêu thương và sự dịu dàng khi Zaseyeva và các gia đình khác khóc thương bên những nấm mộ mới đắp và mang đồ ăn đến cho người thân.
Nhưng sự dịu dàng đó xen lẫn những biểu hiện của lòng hận thù. Một số đàn ông nói về việc trả thù và trên các bức tường của trường trung học số 1 đã xuất hiện nhiều lời đe doạ.
Khu nghĩa trang yên ắng sau khi mặt trời mọc. Mỗi mấm mộ được đánh dấu bằng một thanh gỗ trên đó có nghi những cái tên như: Yelena Pavlovna Ostarny, Kazbek Romanovish Bichenov, Vladimir Grigoryevich Mokrov.
Lẽ ra Timur Vitalyevich Kozyrev tròn 9 tuổi tuần trước. Một chiếc xe Jeep bằng nhựa được đặt cạnh mảnh gỗ khắc tên bé và gần mảnh gỗ có tên mẹ của em, Alla, 34 tuổi, và chị gái Yelena, 15 tuổi.
Sương còn đọng trên những món quà được đặt trên các ngôi mộ. Những món đồ trên các nấm đất cho biết người nằm bên dưới là trẻ em nếu đó là một chú gấu bông, một con vịt xanh hay những cây kẹo.
Và sáng qua, những gia đình mất người thân trong vụ thảm kịch lại tụ tập bên trong ngôi trường dính đầy vết đạn. Người ta nhắc về những nỗi kinh hoàng.
Larisa Sokayeva, 44 tuổi, cho biết bà có mặt trong phòng thể chất và khi quả bom đầu tiên phát nổ, bà bị tê liệt còn cô con gái qua đời. Một lúc sau Sokayeva tỉnh lại, người đầy vết thương chảy máu, và thấy trần nhà đã sụp xuống trong khi cuộc đọ súng đang diễn ra. Một bé gái giục bà chạy trốn.
Những dấu tích của sự đổ vỡ xung quanh ngôi trường vẫn nguyên ở đó. Các vết máu vẫn dính trên hành lang. Những bức vẽ mới xuất hiện dày đặc dọc bức tường chi chít vết đạn.
"Ai sẽ mang trả lại những người bạn của chúng tôi", một dòng chữ viết. Một dòng khác "Hoà bình cho Beslan". Nhưng hầu hết các dòng chữ gợi đến sự thù hằn thậm chí cổ suý bạo lực. "Qua nước mắt và sự đau khổ, chúng tôi thề sẽ trả thù" là nội dung một dòng chữ trên bức tường của thính phòng.
Và sự thù hận đổ dồn về bà hiệu trưởng Lidiya Tsaliyeva. Bà cũng nằm trong số các con tin nhưng sống sót và đang ở Matxcơva.
Một dòng chữ trên tường viết "Lidiya, bà sẽ bị thiêu dưới địa ngục vì đã để bọn trẻ bị giết hại". Một dòng khác viết "Chúng tôi sẽ tóm được bà Lidiya. Hãy chết đi."
Tsaliyeva trở thành chủ đề của các cuộc bàn luận và buộc tội ở Beslan. Một số người cáo buộc bà đồng loã với nhóm bắt cóc vì cho rằng bà đã biết những tay súng có mặt trong trường hôm 1/9 nhưng lại bảo học sinh rằng đó chỉ là những kẻ lang thang, hoặc bà đã chỉ cho nhóm bắt cóc biết đâu là con cái các quan chức chính phủ.
Một số người còn cho rằng Tsaliyeva đã lơ là trách nhiệm và thuê nhóm lao động rẻ tiền và để cho những kẻ khủng bố trà trộn vào rồi đem thuốc nổ và vũ khí vào trường.
Sergei Ignatchenko, người phát ngôn Cơ quan An ninh Liên bang, nói rằng các nhà điều tra đã loại bỏ khả năng nhóm công nhân xây dựng giúp chuẩn bị vụ bắt cóc con tin. Nhiều người dân Beslan cũng cho rằng những lời cáo buộc như vậy là vô căn cứ và Tsaliyeva chẳng qua trở thành kẻ giơ đầu chịu báng.
"Chuyện đấy cũng là thông thường", Rita Kudzoyeva, người đứng đầu chính quyền quận, nói. "Khi đau khổ, bạn tức giận với cả thế giới".
Tuy nhiên, lời bào chữa trên có vẻ không mấy tác dụng. Felisa Batagova, người mất cả cháu ngoại, em gái và cháu gái hôm 3/9, tức giận vì Tsaliyeva vẫn còn sống. "Thuyền trưởng nên chết chìm cùng với con tàu", bà nói.
Batagova cho biết một nhóm phụ huynh đã hy vọng tìm ra và bóp chết Tsaliyeva trong bệnh viện nhưng bà ta đã được mang đi khỏi Beslan.
Không phải cả ngày hôm qua Beslan chìm trong sự căm giận. Khi các gia đình đến trường trung học số 1, những người đàn ông bận rộn dựng lều trong sân, vườn hoặc giết bò và cừu để dâng cho người đã khuất.
Trưa qua, việc chuẩn bị gần như đã xong. Các gia đình mang theo đồ cúng tế và đường phố chật cứng khi dòng người tiến về nơi chôn cất các nạn nhân.
Và khi chiều xuống, trở lại thành phố, những người đàn ông vẫn ngồi bên những chiếc bàn dài trong lều, mưa vẫn rơi lộp bộp xuống tấm bạt trên đầu họ. Vova Tumayev, người mất cả vợ và con gái, rót mấy ly vodka. "Chúa mang lại sự sống. Chúa cũng mang sự sống đi. Mọi thứ phụ thuộc vào Người". Ông uống cạn ly rượu và rót tiếp một ly nữa.
Ngọc Sơn (theo NYT)