Chưa đầy 24 giờ sau khi tên lửa rơi xuống làng Przewodow, miền đông Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 6,4 km về phía tây chiều 15/11, cả NATO và Ba Lan đều cho biết có khả năng đó là đạn phòng không của Ukraine được khai hỏa khi đánh chặn tên lửa Nga.
"Hãy để tôi nói rõ rằng đây không phải lỗi của Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói tại trụ sở ở Brussels, viện dẫn nhu cầu tự vệ của Ukraine. "Nga là bên chịu trách nhiệm cuối cùng".
Nhà Trắng nhanh chóng đồng ý với kết luận này, nói Mỹ không phản đối đánh giá của Ba Lan rằng sự cố có thể là do tên lửa phòng không của Ukraine. Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ "vẫn tiêp tục thu thập thông tin", nhưng đồng tình về khả năng tên lửa có nguồn gốc từ Ukraine.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào cuộc điều tra của chính phủ Ba Lan về vụ nổ", ông nói.
Tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cũng tìm cách hướng trách nhiệm về phía Nga. "Thảm kịch này sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có cuộc chiến vô nghĩa của Nga ở Ukraine", bà nói.
Tuy nhiên, Ukraine có quan điểm khác. Ngay sau khi tên lửa rơi xuống làng Przewodow, Tổng thống Volodymyz Zelensky đã lập tức cáo buộc "tên lửa của lực lượng Nga tập kích Ba Lan", cho rằng đây là hành vi "tấn công lãnh thổ NATO và cam kết an ninh tập thể" của khối.
Bất chấp những nhận định ban đầu của Mỹ và đồng minh về nguồn gốc tên lửa, Tổng thống Zelensky ngày 16/11 vẫn khẳng định đó "không phải là tên lửa của chúng tôi".
"Tôi tin rằng vụ nổ ở Ba Lan gây ra bởi tên lửa Nga, dựa trên những báo cáo đáng tin cậy của quân đội", ông nói.
Song ngay khi từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia trở về Nhà Trắng ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden phản bác tuyên bố của ông Zelensky, nói rằng lập luận của Tổng thống Ukraine "không phải là bằng chứng".
Giới quan sát cho rằng đây là động thái bất hòa công khai hiếm hoi và có thể xem là rạn nứt đáng kể nhất giữa Kiev và những nước ủng hộ ở phương Tây, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.
Evelyn Farkas, cựu quan chức hàng đầu về Nga của Lầu Năm Goc, nói với NBC News rằng bà lo ngại mối bất đồng công khai này sẽ làm phân tâm liên minh giữa Ukraine và phương Tây vào thời điểm quan trọng. Farkas nói trọng tâm hiện tại nên là tiếp tục ủng hộ Ukraine và ngăn nguy cơ Moskva xâm phạm bất kỳ lãnh thổ nào của NATO.
"Bất kỳ tranh cãi nào giữa Ukraine và phương Tây về những gì đã xảy ra nên được thảo luận một cách kín đáo. Tranh cãi công khai về sự cố tên lửa chỉ mang lại lợi ích cho Nga và khiến phương Tây thể hiện hình ảnh thiếu gắn kết chính trị và ý chí đối phó Moskva", bà nói.
Theo Farkas, trong suốt cuộc chiến, Nga đã nỗ lực gây chia rẽ giữa Ukraine với đồng minh, hy vọng làm giảm hỗ trợ của phương Tây, vốn được chứng minh là rất quan trọng đối với thành công trên chiến trường của Kiev.
Một bài viết trên BBC ngày 16/11 cho rằng những lời bình luận của ông Zelenksy "bắt đầu làm cạn kiên nhẫn của các nhà ngoại giao phương Tây". Một bài viết trên CNN sau đó nhận định ông Zelensky đang tìm cách "kịch tính hóa sự kiện".
"Các nhà ngoại giao phương Tây lo ngại rằng giọng điệu và đòi hỏi lợi ích tối đa mà Kiev thỉnh thoảng đưa ra sẽ làm tăng hội chứng 'mệt mỏi với Ukraine' giữa các đồng minh", bài viết trên BBC có đoạn.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng sự cố cũng cho thấy thay đổi rõ rệt trong giọng điệu của Mỹ và các nước châu Âu với Nga so với trước đây, khi họ góp phần bác bỏ những cáo buộc nhắm vào Moskva.
"Phương Tây do Mỹ dẫn đầu không muốn thổi bùng thêm ngọn lửa đến mức họ phải đối đầu quân sự với Nga. Họ không muốn bị lôi kéo nhiều hơn vào xung đột", Cui Heng, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc, nói.
Trước phản ứng của Mỹ và các đồng minh phương Tây, Ukraine dường như đã giảm bớt giọng điệu quyết liệt của mình. "Tôi không biết điều gì đã xảy ra, nhưng tôi chắc rằng đó là tên lửa Nga, tôi cũng biết rằng hệ thống phòng không của Ukraine đã khai hỏa. Nhưng không thể nói cụ thể điều gì hôm nay", ông Zelensky nói ngày 17/11.
Andrew S. Weiss, chuyên gia tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment ở Washington, cho rằng những bất đồng lần này giữa Ukraine và phương Tây đã bộc lộ, nhưng sẽ sớm được các bên khắc phục và Nga sẽ không hưởng lợi nhiều từ đó.
"Chiến tranh vốn rất khó lường và dễ biến động, những điều tồi tệ vẫn thường xuyên xảy ra, ai cũng hiểu điều đó", Weiss nói. "Tôi không cho rằng rạn nứt từ sự cố tên lửa lần này sẽ trở thành bất đồng sâu sắc giữa Ukraine với phương Tây".
Thanh Tâm (Theo NBC News, Global Times)