Giải pháp lưu thông của người dân là bắc thang leo qua hầm chui. |
Với vai trò tư vấn, đơn vị này đã không tham mưu đầy đủ với chủ đầu tư về các phát sinh khiến hầm chui được thi công trong tình trạng nền đất yếu. Liên đới trách nhiệm là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (đơn vị thi công), Công ty tư vấn thiết kế giao thông phía Nam (tư vấn thiết kế). Riêng công ty Thanh niên xung phong (chủ đầu tư), với trách nhiệm quản lý toàn diện dự án, đã để các sai sót xảy ra và thiếu báo cáo với UBND TP về chất lượng công trình.
Đơn vị thi công: "Chúng tôi chỉ thiếu thông minh"
Đại diện cho đơn vị, ông Nguyễn Đức Hanh, Phó tổng giám đốc, cho biết: "UBND TP chỉ đạo phải thông xe vào tháng 12/2001 nên 4 đơn vị gồm chủ đầu tư, thiết kế, tư vấn giám sát và thi công đã thống nhất bỏ qua giai đoạn gia tải độ lún nhưng sơ suất, không làm báo cáo bằng văn bản với cấp thẩm quyền. Vì vậy, vào thời điểm đó, chúng tôi không thông minh chứ không phải vô trách nhiệm".
Công ty vừa mới bàn biện pháp khắc phục sự cố (dự kiến đến tháng 6). Trước mắt, đóng cửa hầm để sửa chữa, lát gạch và đến 30/4 sẽ cho lưu thông trở lại. Sau khi đủ thời gian độ lún sẽ mở nóc và cơi chiều cao hầm đúng quy định. Trong thời gian sửa chữa, xe cộ vẫn có thể lưu thông như bình thường. Đơn vị chủ đầu tư cho biết sẽ sử dụng phí dự phòng để khắc phục sự cố.
Chủ đầu tư: không đủ sáng suốt
Theo ông Quách Văn Điệp, Phó giám đốc ban quản lý dự án công ty Thanh niên xung phong, thời điểm này họ mới nhận ra sai sót vì lúc đó bị áp lực kinh khủng về tiến độ, do nút giao thông Hàng Xanh bị tắc. Công ty không còn tỉnh táo, đã thống nhất rút ngắn thời gian gia tải để kịp thông xe. Theo quy định về quản lý, chủ đầu tư phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính.
Ông cho biết: "Hiện chúng tôi khắc phục bằng cách nâng nóc và nền đường hầm chui. Hầm được kết cấu dạng cống hộp, có 5 đốt độc lập với nhau, dài khoảng 50 m, mỗi đốt có khe hở giữa 2 cột. Thay vì để rời, đơn vị thi công đã tô ximăng liền cho đẹp nên khi lún bị hở ra; các vết hở lung tung nên người không biết về kỹ thuật sẽ không hiểu, còn người biết thì coi đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng lún đã giảm và đến tháng 5 có thể khắc phục được phần nền và nóc hầm".
Tốt nhất là làm lại hầm chui
Theo một thạc sĩ về cầu đường, thiết kế móng hầm chui cầu Văn Thánh 2 bằng phương pháp bấc thấm và kết hợp cừ tràm trên nền đất yếu là việc làm phản khoa học. Nếu dùng phương pháp bấc thấm (tương tự như cọc cát), nghĩa là dùng áp lực ép toàn bộ lượng nước bao bọc tầng đất ra theo đường bấc thấm thì độ kết dính sẽ rất vững chắc. Do đó, lượng cừ được đóng xuống càng lớn, làm áp suất ép nước giảm xuống thì thời gian gia tải sẽ càng lớn. Thậm chí với nền đất yếu, thời gian này có thể kéo dài 1-2 hoặc 5-10 năm. Chính vì vậy, giải pháp mà các đơn vị nêu ra chỉ là giải quyết phần ngọn. Nếu không giải quyết phần móng thì hầm sẽ không thể vĩnh cửu, tốt nhất là làm lại toàn bộ hầm chui.
Hạ tải trọng cầu Văn Thánh 2 để sửa chữa
Sở GTCC TP quyết định, để đảm bảo an toàn giao thông trên cầu Văn Thánh 2 trong thời gian sửa chữa hầm chui, sẽ tạm thời hạ tải trọng cầu Văn Thánh 2 từ 30 tấn xuống còn 25 tấn. Cũng theo Sở GTCC, sự cố lún hầm chui không ảnh hưởng đến chất lượng của cầu Văn Thánh 2. Hiện đơn vị thi công đã cho tạm ngưng lưu thông qua hầm chui để sửa chữa.
(Theo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng)