Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, trong những tháng qua gây chú ý và ấn tượng mạnh mẽ với những tuyên bố từ Bakhmut, nơi các tay súng dưới quyền ông giành được sau nhiều tháng giao tranh đẫm máu với quân Ukraine.
Kiểm soát Bakhmut được xem là kết quả ấn tượng nhất của Nga trong gần một năm qua, giúp Prigozhin gia tăng vị thế, nhưng cũng là yếu tố thúc đẩy trùm Wagner ngày càng đi quá xa trong phát biểu và hành động của mình.
Trong thời gian chiến đấu ở Bakhmut, Prigozhin đã nhiều lần chỉ trích giới lãnh đạo quân đội Nga, đổ lỗi cho họ về tình trạng thiếu đạn khiến nhiều lính của ông thiệt mạng. Những lời chỉ trích ngày càng gay gắt, khiến mối quan hệ giữa ông và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu thêm rạn nứt.
Thông điệp của trùm Wagner không chỉ thu hút chú ý của công chúng, mà còn nhận được sự ủng hộ của một số blogger quân sự Nga cũng như cựu quan chức quân đội. Một số tài khoản mạng xã hội Nga hồi đầu tháng 5 cho biết cựu thứ trưởng quốc phòng nước này Mikhail Mizintsev đã gia nhập tập đoàn Wagner với tư cách phó chỉ huy.
Prigozhin thậm chí còn nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov, đồng minh quan trọng của Tổng thống Vladimir Putin. "Tập đoàn Wagner có những người rất giỏi, can đảm và quan trọng", ông Kadyrov nói.
Giới quan sát cho rằng từ một người kín tiếng, Prigozhin ngày càng trở nên bốc đồng khi vai trò của Wagner được thể hiện rõ ràng hơn trên chiến trường. Ông muốn đề cao vị thế của Wagner bằng cách chỉ trích năng lực chiến đấu của quân đội chính quy Nga.
Prigozhin cho rằng tướng Sergey Surovkin, tổng chỉ huy đầu tiên của chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine, là "người duy nhất của quân đội Nga biết cách chiến đấu", trong khi chỉ trích ông Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov là "thiếu năng lực lãnh đạo".
21h ngày 23/6, Prigozhin bất ngờ thông báo đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu. Không rõ họ đã thảo luận những gì, song ông Shoigu đột ngột rời đi.
Vài giờ sau, Prigozhin đăng thông điệp lên mạng xã hội, cáo buộc ông Shoigu đã ra lệnh không kích doanh trại của Wagner ở Ukraine, khiến nhiều tay súng thiệt mạng, điều mà Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ. Video được Prigozhin công bố cho thấy một số đám khói, nhưng không có dấu vết nào cho thấy đã xảy ra thương vong lớn.
Nhưng đó là cái cớ trùm Wagner đưa ra để tuyên bố điều lực lượng chiến đấu vượt qua biên giới vào Nga và yêu cầu ông Shoigu trở lại bàn đàm phán.
Quyết định tiến hành cuộc nổi loạn dường như được đưa ra một cách bột phát, không có bất cứ sự chuẩn bị hay phương án nào, và nhiều thành viên Wagner cũng không rõ mình được triển khai tới đâu.
Sau khi kiểm soát sở chỉ huy Quân khu miền Nam Nga ở thành phố Rostov-on-Don, tỉnh Rostov, Prigozhin tiếp tục yêu cầu một nhóm khác của Wagner, với khoảng 5.000 quân, di chuyển dọc đường cao tốc M4 hướng tới thủ đô Moskva. Giới quan sát không rõ trùm Wagner tính toán điều gì với lực lượng này, khi một nhóm nhỏ như vậy có thể dễ dàng bị quân đội chính quy Nga nghiền nát.
Tổng thống Putin ngày 26/6 cho hay ông đã cố tình để lực lượng Wagner tiếp tục hành quân mà không tung lực lượng ngăn cản, nhằm tạo điều kiện cho những "cái đầu nóng" bình tĩnh trở lại, cũng như tránh đổ máu không cần thiết.
Gần trưa 24/6, khi Prigozhin cố thủ tại trụ sở Quân khu miền Nam, lãnh đạo Chechnya đã lên tiếng chỉ trích. "Những gì đang xảy ra không chỉ là tối hậu thư gửi tới Bộ Quốc phòng, mà còn là hành động thách thức nhà nước", Kadyrov lên tiếng.
Mô tả Prigozhin là "kẻ phản bội", Kadyrov cho biết ông đang điều lực lượng đặc nhiệm Chechnya đến đối phó Wagner. Mọi cánh cửa đang đóng lại trước mắt Prigozhin.
Bất kỳ suy nghĩ nào của Prigozhin rằng ông có thể lôi kéo các tướng Nga cũng biến mất. Vài giờ trước, tướng Surovkin yêu cầu ông trùm Wagner dừng lại và tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống Putin. Ông chủ Điện Kremlin cũng phát biểu trên truyền hình, cáo buộc Prigozhin "phản quốc" và "nổi loạn".
Đối mặt với tình thế bất lợi vì những hành động bốc đồng của mình, Prigozhin chấp nhận đàm phán vào chiều 24/6. Ông sau đó ra lệnh cho lực lượng Wagner rút về doanh trại để "tránh đổ máu", khi họ đang cách Moskva 200 km và tiến gần đến tuyến phòng thủ đầu tiên của quân đội Nga ở ngoại ô thủ đô.
Theo thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng với Điện Kremlin, trùm Wagner sẽ được miễn tố và rời Nga tới Belarus.
Tổng thống Putin đêm 26/6 khẳng định vụ nổi loạn của Wagner "dù sao cũng sẽ bị dập tắt", song ông chọn phương án mà mình cho là tối ưu để "tránh đổ máu nghiêm trọng".
"Các bên cần thời gian, đặc biệt để những ai phạm sai lầm có thể thức tỉnh, nhận ra hành vi của họ không được xã hội chấp nhận, hành động phiêu lưu đó chỉ chuốc lấy hậu quả thảm khốc và hủy diệt đất nước", ông Putin nói.
Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập công ty phân tích chính trị R. Politik ở Nga, nói rằng cuộc nổi loạn của ông trùm Wagner nảy sinh từ cảm giác muốn được công nhận. "Mục tiêu của Prigozhin là thu hút chú ý của Tổng thống Putin và áp đặt điều kiện đàm phán với Bộ Quốc phòng để duy trì hoạt động của Wagner", bà nói.
Bà cho rằng khi ra lệnh cho lực lượng Wagner hướng đến Moskva, Prigozhin dường như đã không lường trước câu hỏi "họ sẽ làm gì khi đến đó?". Lựa chọn duy nhất của các đơn vị Wagner khi tiến vào Moskva sẽ là hướng đến Điện Kremlin, nhưng khi đó một trận chiến dữ dội sẽ nổ ra và lực lượng của Prigozhin chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.
Nic Robertson, nhà phân tích của CNN, cho rằng Prigozhin đã tự hủy hoại mọi triển vọng chính trị của mình do sự kiêu ngạo, tham vọng và niềm tin mù quáng rằng đã đến lúc ông trở thành tâm điểm chú ý của nước Nga.
"Những công lao mà Wagner lập được ở Bakhmut dường như đã giúp Prigozhin sống sót qua cuộc khủng hoảng, nhưng ông ấy không còn bất cứ tương lai chính trị nào ở Nga", chuyên gia Stanovaya nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, WSJ)