Từ trước đến nay stress luôn bị gán tiếng xấu. Có quá nhiều bài báo, sách, cẩm nang hướng dẫn tiêu trừ stress bởi cho rằng, con người muốn sống hạnh phúc và khỏe mạnh thì phải giảm thiểu và thoát khỏi stress. Thực tế đa phần những cố gắng hạn chế stress hoặc cố gắng diệt trừ tình trạng này thường gây ra stress trầm trọng hơn.
Theo các nhà khoa học phát biểu trên trang Psychologytoday, nếu chúng ta hiểu rõ cái gì đang xảy ra trong não bộ khi gặp stress thì sẽ có một cái nhìn mới hoàn toàn về quy trình tạo ra stress. Nó thực sự không đáng sợ như chúng ta nghĩ, thậm chí còn có lợi.
Theo phân tích, cảm giác căng thẳng mệt mỏi là do amygdala - chất xám ở mỗi bán cầu não gây ra cảm giác sợ hãi và kích động, ảnh hưởng đáng kể đến học tập và ghi nhớ hình ảnh. Amygdala còn được gọi là "chuông báo động" của não bộ bởi vì chức năng chủ yếu của nó là báo hiệu mỗi khi não bộ cần được chú ý để giữ tỉnh táo và giữ giới hạn an toàn.
"Chuông báo động" này là bộ phận cố hữu bảo vệ con người chúng ta từ khi mới sinh ra. Nó cũng giống như khi bạn bắt đầu lơ mơ ngủ gà ngủ gật trong một cuộc họp, chính "chuông báo động" này làm bạn giật mình thức tỉnh đế tỉnh táo lại. Vì thế, bạn tránh được nhiều lần bị sếp nhắc nhở, khiển trách.
Bên cạnh đó, chiếc "chuông" sẽ reo lên tức khắc khi chúng ta gặp nguy hiểm sống còn. Tương tự như việc một chiếc xe bỗng đi chệch làn đường trong khi bạn không kịp dự liệu các tình huống nguy hiểm xảy ra. Đối với cơ thể khi não bộ bị quá tải, cơ thể sẽ có những phản xạ điển hình như: các cơ căng lên, tim đập nhanh. Lúc đó bạn lập tức phản ứng và cố tránh ra ngoài. Tất cả phản ứng tự vệ ấy có được đều do công của "chuông báo động".
Điều tất cả chúng ta đều không nhận ra là "chuông báo động" trong cơ thể chúng ta hoạt động liên tục. Thực tất cả mọi người luôn trải qua nhiều cấp độ của stress, khi đó chiếc "chuông báo động" này thêm vào trong máu những chất hóa học như là adrenalin (chỉ cần một lượng nhỏ khi ta ngủ gật hoặc lượng lớn để thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc).
Các nhà khoa học cho rằng, nếu chiếc "chuông báo động" ấy không hoạt động, chúng ta sẽ dành cả đời ở để ngủ trên giường hoặc luôn bê trễ và không bao giờ quan tâm đến mọi người hay bất kỳ cái gì xảy đến.
Stress chỉ khiến chúng ta suy nhược trầm trọng nếu chúng ta lờ đi những tín hiệu cầu cứu của não bộ. Trong một số trường hợp đứng trước quá nhiều lựa chọn, chúng ta rất dễ bị stress. Và nếu biết tận dụng thì "chiếc chuông báo động" này sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu giúp bạn quyết định nếu kịp thời nếu nhận ra thông điệp của nó.
Ví dụ, sau một ngày làm việc dài bạn vẫn phải hoàn thành một bài thuyết trình. Não bạn biết rằng nếu bạn ở lại lâu hơn, bạn sẽ bỏ lở trận bóng đá với con bạn. Ngay lúc đó chiếc "chuông báo động" sẽ bắn hai tin nhắn cho bạn: bạn muốn hoàn thành công việc tốt và bạn rất yêu con. Và khi nghĩ rằng "mình là một người bố tồi", tim bạn sẽ đập nhanh, mồ hôi túa ra ở tay để nhắc rằng bạn phải lựa chọn. Đó là cơ chế hoạt động của stress.
Điều chắc chắn là bạn không thể làm cả hai việc cùng một lúc. Có thể không chọn làm việc tốt nhất, nhưng bạn sẽ phải suy xét xem điều gì thật sự quan trọng đối với mình. "Chuông báo động" sẽ khiến bạn căng thẳng đến khi nào bạn tập trung vào một điều mà bạn cho là tối cần thiết. Cho đến khi bạn đã đưa ra được quyết định cuối cùng, stress sẽ từ từ hạ xuống.
Vì thế cách quản lý stress tốt nhất là chú ý nghe và nhận những tín hiệu của cơ thể và của não bộ.
Thi Trân