Ngọc, 35 tuổi, nhân viên văn phòng, thu nhập 15 triệu đồng một tháng, sống chung với bố mẹ chồng, chồng và hai con trai trong căn hộ hơn 80 m2, ba phòng ngủ. Cuộc sống hàng ngày thường xảy ra cãi vã do nàng dâu khắc khẩu với mẹ chồng. Ngọc tự nhận mình là người thẳng tính, "điều gì không đúng cũng bày tỏ quan điểm", từ chuyện lớn như nuôi dạy, chăm sóc con cái đến việc mua sắm. Chồng Ngọc là con trai một, sợ mẹ buồn nên rất nghe lời, khiến tình cảm vợ chồng xa cách.
Một tháng trước Tết, chồng cô hết hợp đồng lao động với một công ty bất động sản, bị cho thôi việc, không có chi phí đền bù. Mọi gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai Ngọc. Đặc biệt, chuyện sắm sửa quà cáp biếu bố mẹ, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp khiến Ngọc phải suy nghĩ, thường xuyên thức trắng đêm. Thỉnh thoảng, cô bị hụt hơi, nhức mỏi, không tập trung, hay cáu gắt với con, dễ khóc, thích ngồi một mình trong bóng tối. Tình trạng mất ngủ ngày càng tồi tệ, Ngọc đến bác sĩ tâm thần khám.
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng chẩn đoán Ngọc bị stress quá độ kèm rối loạn lo âu, dẫn đến kiệt sức, mất ngủ. Bác sĩ kê thuốc điều trị, hướng dẫn người bệnh bài tập thiền để thư giãn.
Cũng tất bật chuẩn bị quà Tết cho gia đình nội ngoại, Ánh nâng lên đặt xuống các túi quà cả chục lần vẫn chưa ưng ý. Đây là Tết đầu tiên của người phụ nữ mới lập gia đình, nên cô mong muốn mọi việc hoàn hảo, chu toàn, đáp ứng kỳ vọng của mọi người.
Trước Tết một tháng, Ánh đã lên danh sách họ hàng, tìm hiểu sở thích từng gia đình, tìm mua những đặc sản vùng miền độc lạ để biếu tặng. Ngoài ra, cô còn lo chuẩn bị cúng ông Công ông Táo, mâm cơm tất niên ở cả nhà riêng tại Hà Nội lẫn quê chồng ở Thái Nguyên, do mẹ chồng mất sớm, nhà chỉ có bố chồng và các em. Đã vậy, công việc ở cơ quan cuối năm dồn ứ, sếp luôn giục doanh số; áp lực khiến Ánh mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, tiêu cực, không còn cảm giác háo hức muốn đón xuân.
"Người ta đến Tết lo béo lên, tôi thì như bị bóc lột nên sụt vài kg", Ánh nói, thêm rằng chồng cô làm nhân viên văn phòng, mỗi tháng đưa vợ 10 triệu đồng rồi "kê cao gối ngủ, không chia sẻ với vợ chuyện gì".
Theo bác sĩ Hằng, đây là hai trong nhiều trường hợp gọi điện nhờ tư vấn hoặc khám do stress, rối loạn lo âu, trầm cảm trong thời gian gần đây. Khảo sát về Xu hướng ăn uống mùa lễ hội khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2022 của một tập đoàn dinh dưỡng toàn cầu, trên 2.200 người ở Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam, cho thấy khoảng 80% người được hỏi thừa nhận họ không ngủ đủ giấc, không duy trì lịch ngủ đều đặn cũng như chế độ ăn uống không cân bằng do căng thẳng, thiếu thời gian và sự cám dỗ từ những bữa ăn trong dịp nghỉ lễ.
Tương tự, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, cũng liên tục nhận được nhiều cuộc gọi "cầu cứu" của chị em do khủng hoảng chi tiêu và áp lực công việc những ngày cận Tết. Nhiều người stress đến mức mất ngủ, có người bị ám ảnh đến mức ngủ cũng mơ thấy Tết, cãi vã với chồng, cáu gắt con cái.
Theo bà Tâm, nguyên nhân lớn nhất là thời điểm cuối năm, khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba ngày thường, kèm deadline (hạn chót) phải kết thúc trước Tết để đón năm mới khiến mọi người quá tải. Đồng thời, người phụ nữ phải lo toan thêm việc nhà, quà cáp "vuông tròn, nội ngoại" và những mối quan hệ khác dẫn đến không đủ thời gian để tái nạp năng lượng.
"Kinh tế hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến người phụ nữ chất chồng áp lực", chuyên gia nói, thêm rằng khi áp lực lớn hơn sức chịu đựng, phái yếu dễ rơi vào tình trạng stress, kiệt sức, rối loạn lo âu. Kỳ vọng về tiền thưởng không mong muốn, xung đột với bạn đời cũng góp phần gia tăng căng thẳng.
Bên cạnh đó, nhiều người chủ quan nghĩ mình còn trẻ, chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không điều độ khiến bệnh trầm trọng hơn, kéo theo nhiều hệ lụy khác như máu khó lưu thông, gan không đào thải được độc tố. Khả năng chịu áp lực của người trẻ cũng chưa tốt, dễ mất phương hướng trước áp lực.
Bác sĩ cho biết stress gây nhiều hậu quả, nhẹ nhất là mất ngủ trong thời gian ngắn. Khi giải quyết xong căn nguyên, được gia đình động viên, căng thẳng sẽ nhanh qua đi.
Trường hợp stress nhiều, không có bạn đời, gia đình động viên, căng thẳng chuyển thành lo âu, trầm cảm, giảm hiệu quả công việc. Nhiều người không muốn về quê, trốn Tết, đi du lịch để không phải đối mặt với áp lực. Có người về quê nhưng chỉ ở trong phòng hoặc lúi húi dưới bếp cho xong việc.
Stress kéo dài cộng với nhiều đêm mất ngủ sẽ biến một người khỏe mạnh, vui vẻ trở nên cáu gắt, nóng nảy, suy yếu cả về thể chất và tinh thần. Biểu hiện ra bên ngoài như hồi hộp, tay chân đập nhanh, run vã mồ hôi, run tay chân, có người tiểu rắt, đi ngoài phân lỏng.
Khi bị stress, mọi người có xu hướng ngủ nhiều hoặc ít hơn so với bình thường, mất hứng thú, dễ quên, khó tập trung, thường cảm thấy cô đơn, dễ cáu kỉnh, tức giận, tách khỏi bạn bè, thích ở một mình. Nhiều người lạm dụng rượu bia, chất kích thích, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng hơn.
Để giảm bớt căng thẳng, chuyên gia khuyên chị em nên đi khám sớm để được trị liệu tâm lý, cải thiện cảm xúc. Mỗi người cần tự mình gạt bỏ cảm xúc buồn bã, tiêu cực, hướng đến suy nghĩ lạc quan. Thay vì ở trong bếp, chị em có thể diện áo dài, đi chụp ảnh hoặc cùng cả nhà đi du xuân. Lên kế hoạch về những việc cần làm và thực hiện hợp lý, không nên quá cầu toàn. Tránh uống quá nhiều rượu bia làm trầm trọng thêm cảm giác tiêu cực.
Các thành viên trong gia đình cũng nên lắng nghe và tôn trọng mong muốn của nhau. Chị em không nên cô lập bản thân hay ở một mình, nên tìm đến người thân, bạn bè chia sẻ để được đồng cảm. Kết hợp đọc sách, nghe nhạc, thiền, yoga, tập thể dục để cải thiện tinh thần. Ăn đủ dưỡng chất, ưu tiên các dưỡng chất có lợi cho não như các vitamin C, B, D, E, chất kẽm, sắt, chất bột đường, chất béo tốt...
Trường hợp phát hiện người bệnh có dấu hiệu rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng, người nhà cần đưa đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời, tránh các hành vi tiêu cực.
Minh An
*Tên nhân vật được thay đổi