Steve Bruce đưa cánh tay lên cao. Aston Villa vừa ghi bàn và HLV của họ không che giấu được cảm xúc. Cuộc sống là đây, ngay lúc đó, tràn ngập năng lượng, cánh tay hết đấm vào không khí rồi lại đấm vào ngực. Nhưng rất nhanh chóng, cơn suy kiệt trở lại, khiến ông gục cằm xuống ngực. Vậy mà Steve Bruce vẫn cố vỗ tay để mừng thành quả của các học trò. Trả lời phỏng vấn của tờ The Times sau đó, Bruce thừa nhận: "Nỗi đau tinh thần đôi khi sẽ kéo theo những cơn đau thể xác".
Nói đến đó, ông bật khóc.

Bruce mừng chiến thắng, nhưng nghẹn ngào khi nhắc về nỗi đau đớn tinh thần của bản thân. Ảnh: PA.
Joe, ông bố của Steve Bruce, vừa mất tuần này. Nhưng cũng như những con người trót theo nghiệp bóng đá, dù chạy trên sân hay đứng bên đường piste, cảm xúc cá nhân phải nhường chỗ khi quả bóng lăn đi. Và chiến thắng 2-0 của Aston Villa trước Birmingham City, đội bóng cũ của Bruce, đã xoa dịu nỗi đau đi một chút.
“Khi đội nhà ghi bàn, tôi thực sự không biết mình đang làm gì nữa”, Bruce nói. “Có lẽ tôi không nên vui mừng. Nhưng lúc ấy tôi thực sự mất kiểm soát. Cảm xúc cứ thế ập đến”. Thực ra, Steve Bruce cần sự bộc phát ấy, và ông cần hiện diện ở đấy. Ông nói: “Dù đã mất bố, tôi vẫn phải đến sân. Tôi là một HLV, và HLV không bỏ các cầu thủ của mình. Không những thế, chính bố cũng sẽ muốn tôi đến sân. Ông ấy sẽ nói 'Nào, làm phận sự của mình đi con trai, đừng bi lụy'. Bố tôi luôn là như thế, âm thầm làm những việc cần làm”.
Và Bruce đã làm theo như thế, hoặc trung vệ khét tiếng một thời này cố tỏ ra ông ổn, trước một đám đông đang nhìn vào mình.

Ông Joe qua đời, còn bà Sheenagh thì nguy kịch, để lại nỗi đau giằng xé cho Steve Bruce.
Nhưng, những người ở gần Steve Bruce thì biết ông đang rạn vỡ. Trong cái ngày bố qua đời, mẹ của ông – Sheenagh - phải nhập viện cấp cứu ở Newcastle vì bạo bệnh. Thật may, bà vẫn ở đó. "Đấy là một cú sốc nữa", Bruce nói. "Tôi vừa trải qua ba tuần lễ đau đớn nhất cuộc đời. Mẹ tôi trước giờ luôn độc lập, khỏe mạnh. Bà tự đi tàu điện xuống phố, mua sắm hoặc hóng mát ở Vịnh Whitley".
Cũng trong ba tuần ấy, bề ngoài lẫn nội tâm của Bruce đều thay đổi. Cứ ba ngày một tuần, ông rời nhà ở Cheshire, lái xe đến Tyneside để thăm mẹ. Chặng đường dài bảy đến tám tiếng lái xe liên tục, nhưng Bruce không cảm thấy mệt mỏi. "Sau tất cả những gì bố mẹ đã hy sinh cho tôi, những cuốc xe này có ý nghĩa gì đâu", ông nói.
Còn về nội tâm, đấy là khi ông nhận ra tất cả đều vô nghĩa, trừ nỗi khổ đau. Ông nói: "Chúng ta, những kẻ làm thể thao, đều mang tư tưởng ấy cả: cứ cho là mình bất khả chiến bại. Chúng ta cứ lầm lũi sống và tin rằng những mất mát, những nỗi đau sẽ chẳng bao giờ đến. Nhưng tai họa có thể ập đến với bất kỳ ai. Đến một tuổi nào đó, bạn sẽ nhìn cuộc sống khác đi. Tôi đã mất bố và giờ bất lực nhìn mẹ đang chiến đấu với tử thần. Tôi không làm gì được".
Bruce biết tình hình của mẹ trước khi Aston Villa hành quân đến sân Sheffield United hôm 30/1. Và xuyên suốt những chuyến đi đi về về để thăm mẹ, Bruce thật may vì có một Ban huấn luyện luôn ủng hộ tuyệt đối, sẽ thay ông điều hành sân tập những ngày ông vắng mặt. Bruce rơi vào tình thế trớ trêu. Khi về chăm gia đình, ông lo lắng cho công việc, nhưng khi trở lại công việc, ông lại nhớ về gia đình.
Ông nói: "Trước mỗi trận đấu, tôi đều nói chuyện với bố. Thứ Sáu, ông ấy luôn gọi đến và hỏi: 'Thế trận đấu ngày mai chuẩn bị tới đâu rồi, con?' Và chúng tôi cùng trò chuyện. Còn mẹ thì vẫn luôn chăm sóc tôi như thời còn bé. Bà cùng tôi đi xe buýt đến mọi nơi. Thời ấy tôi ít gặp bố, vì ông đi làm suốt. Dân Đông Bắc chính hiệu nên cũng thuộc tuýp ít nói. Nên mỗi lần bố khen một câu, tôi sướng cả mấy ngày. Bố là người trầm lặng, ghét sự ồn ào. Nếu được chọn, ông sẽ không muốn làm bố của một cầu thủ nổi tiếng. Ông rất ngại đến sân mà chỉ xem tôi thi đấu ở nhà. Phải mấy tháng một lần, trận đấu thực sự quan trọng hay các trận tranh Cup, ông mới đến xem. Rồi tôi trở thành HLV trưởng, đau đầu còn hơn khi làm cầu thủ. Thấy tôi vật vã vì những lần sa thải, hoặc sau những trận thua, ông bảo 'Thế chưa đủ nữa hả con? Có bị điên không?' Và tôi trả lời ông 'Nếu không thích hoặc thấy mệt, con đã nghỉ lâu rồi bố à".

Bruce luôn xem người cha là nguồn động viên lớn để ông theo đuổi sự nghiệp bóng đá, kể cả khi còn là cầu thủ lẫn lúc trở thành HLV. Ảnh: Chronicle.
Bruce lớn lên trong một gia đình gồm toàn CĐV của Newcastle United. Ông Joe dẫn Bruce đến sân St James’ Park xem trận đầu tiên vào năm 1969. Joe làm cho một công ty kỹ thuật ở Đông Bắc hơn 30 năm cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 62. Hết giờ làm việc, thỉnh thoảng ông sẽ làm vài chai bia với bạn bè hoặc về nhà. Ông Joe thích một cuộc đời bình lặng như thế.
Khi Bruce trở thành HLV của Sunderland năm 2009, ông Joe vừa vui vừa buồn. Vui vì con trai sẽ làm việc gần nhà, buồn vì Sunderland là đối thủ không đội trời chung với Newcastle. Thế nên, suốt thời gian con trai làm việc ở đây, ông chỉ đến xem đúng một trận của Sunderland.
Bruce từng mang Sunderland đến vị trí thứ 10 chung cuộc ở Ngoại hạng Anh, vị trí cao nhất của họ trong suốt một thập kỷ ở giải đấu cao nhất nước Anh. Ông giúp Birmingham thăng hạng hai lần và làm điều tương tự với Hull City, đội mà ông còn dẫn dắt vào đến chung kết Cup FA và giành vé dự Cup châu Âu.
Tháng 10/2016, Bruce nhận lời làm cho Aston Villa, trở thành HLV thứ tư của CLB này trong vòng một năm. Khi Bruce đến, CLB còn xếp thứ 19 của giải hạng Nhất. Bây giờ họ đứng thứ ba. Thật kỳ lạ khi đêm tồi tệ nhất của Bruce ngoài đời cũng là đêm tuyệt vời nhất về nghề nghiệp. Villa thắng Sheffield United với bàn ấn định thắng lợi của Robert Snodgrass ở những phút cuối cùng.

Tài năng của Bruce kết hợp với kinh nghiệm và cảm hứng từ John Terry đang giúp Aston Villa thắp sáng hy vọng trở lại Ngoại hạng Anh. Ảnh: Express & Star.
Đêm ấy Bruce đã đập tay vào không khí, để cho niềm hạnh phúc trên sân cỏ xoa dịu những mất mát trong cuộc sống cá nhân. Aston Villa chỉ thua một trong chín trận gần đây, và đang tràn trề hy vọng tái xuất tại Ngoại hạng Anh mùa tới. Bruce đã làm điều đó với một chính sách chuyển nhượng cực kỳ eo hẹp, giữa nỗi đau trần thế cứ giày vò liên tục những ngày qua.
Hoài Thương (theo The Times)