Thung lũng Silicon cần một lãnh đạo tinh thần. Steve Jobs đã thắp nên tinh thần sáng tạo ấy từ 40 năm trước. Sau đó Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin... đã tiếp nhận ngọn đuốc. Nhưng Jobs và những người này không chung một nhóm. Cha đẻ iPhone là "người làm sản phẩm" thực thụ, còn những CEO công nghệ ở thung lũng Silicon thuộc về thế hệ Internet.
Đến Elon Musk thì khác. "Gã" tỷ phú gây tranh cãi nhất làng công nghệ đang thay đổi thế giới bằng những sản phẩm hữu hình như xe điện, tên lửa và vệ tinh.
Từ Steve Jobs đến Elon Musk
Khi iPhone thế hệ đầu ra đời, giới truyền thông gọi nó là "điện thoại của Chúa". Không ai gọi Falcon 9 của SpaceX là "tên lửa của các vị thần" hay thứ gì đó tương tự. Nhưng nó lại mở ra một viễn cảnh hoàn toàn mới cho thế giới loài người. Phải mất 13 năm, thế giới công nghệ mới được chứng kiến một sản phẩm mang tính bước ngoặt.
Jobs và Musk thuộc về thế giới khác hẳn phần còn lại của Thung lũng Silicon. Trong khi các công ty công nghệ đang phát triển theo đường tuyến tính từ 0 đến 10 theo một vòng lặp nhàm chán, sự xuất hiện của Jobs và Musk là con đường phi tuyến tính. Họ tìm kiếm một ngành công nghiệp tiềm năng, sau đó thiết lập lại các quy tắc truyền thống và làm một "vố ra trò" rồi leo lên đỉnh tháp danh vọng. Trong sinh học, có một thuật ngữ gọi là đột biến di truyền để miêu tả về bước nhảy vọt này.
Nếu những người như Bill Gates là nhà cải cách, Jobs và Musk là những người làm cách mạng. Cải cách luôn có thể tìm ra ước số chung lớn nhất về lợi ích, còn cách mạng là thách thức các nhóm lợi ích hiện có. Đương nhiên, cách mạng luôn là con đường khó nhọc hơn nhiều.
Jobs và Musk có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là dân nhập cư với giấc mơ Mỹ nồng cháy. Con đường của họ cũng vô cùng thú vị: đa màu sắc và nhiều trải nghiệm. Cả hai đều chọn một ngành công nghiệp truyền thống để làm "cách mạng" và thay đổi hoàn toàn thói quen cũng như hiểu biết của con người. Hơn hết, cả hai đều đạt được những thành tựu rực rỡ chưa từng có.
Luận về công tội, Steve Jobs và Elon Musk đều là những kẻ trái khoáy, lắm tài nhiều tật. Người yêu mến họ thì có vô số, nhưng người ghét bỏ, hoài nghi cũng không thiếu. Từ góc độ đổi mới, Jobs và Musk giống nhau. Nhưng từ góc nhìn thương mại, họ khác hoàn toàn.
Hai thái cực ở Thung lũng Silicon
Hãy nhìn vào Jobs. Apple II, ra mắt năm 1977, là sản phẩm đầu tiên của Apple theo đúng nghĩa, bởi Apple I ra đời trong nhà để xe và chỉ bán được vài trăm chiếc. Nó thuộc về giai đoạn của Jobs và Wozniacki. Kể từ Apple II, cấu hình hàng đầu đã trở thành triết lý sản phẩm của Steve Jobs.
Cấu hình đầu bảng cũng đồng nghĩa với giá thành cao ngất ngưởng, Jobs biết và lựa chọn con đường này. Khi ra mắt, Apple II có giá 1.300 USD. Nếu tính theo giá lạm phát năm 2020, model này hiện có giá 5.300 USD. Cùng thời với Apple có một công ty sản xuất laptop cá nhân là Commodore. Model VIC-20 họ phát hành năm 1980 có giá 299 USD, rẻ hơn 1.000 USD so với sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, bằng nhiều cách Steve Jobs vẫn thành công. Đến 1993, Apple II đã bán được hơn một triệu chiếc. Mặc dù lúc này Jobs đã rời Apple, chắc chắn nó mang lại cho ông nguồn cảm hứng mãnh liệt: Tốt nhất và đắt nhất.
Khi trở lại Apple, Jobs gây tiếng vang với mẫu iPod đầu tiên giá 399 USD. Khi đó, giá của Sony Walkman chưa đến 100 USD. Năm 2004, lợi nhuận ròng của Apple đạt 276 triệu USD, so với trước đó là 69 triệu USD. Điều này tiếp tục khẳng định lựa chọn bán sản phẩm với giá đắt đỏ của ông là đúng.
Đến năm 2007, iPhone thế hệ đầu tiên được thương mại hoá. Với thiết kế màn hình cảm ứng đa điểm đột phá, chiếc smartphone màn hình lớn có giá 500 USD. Khi mới ra mắt, iPhone là "điện thoại di động đắt nhất thế giới". Doanh thu của iPhone chiếm một nửa thị trường di động toàn cầu.
Triết lý kinh doanh của Job là bán những thiết bị tốt nhất, trải nghiệm tuyệt vời nhất với giá đắt nhất. Con đường này không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn gây dựng nên danh tiếng bền vững cho Apple.
Nhưng Elon Musk thì ngược lại. Năm 2010, Falcon 9 của SpaceX ra mắt thành công với tổng chi phí sản xuất là 60 triệu USD, thấp hơn nhiều giá thị trường. Chìa khóa nằm ở việc tái sử dụng công nghệ, giúp chi phí phóng tên lửa giảm phân nửa so với truyền thống. Từ năm 2010 đến 2019, chi phí sản xuất tên lửa thương mại trên thị trường quốc tế đã giảm 25%, chủ yếu do SpaceX điều khiển.
Thống kê của NASA cho thấy chi phí gửi hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất của SpaceX thấp đến kinh ngạc. Cụ thể, mỗi kg hàng hóa, Musk tính phí khoảng 1.950 USD, trong khi Salsa báo giá 7.246 USD và chi phí của tàu con thoi truyền thống là 19.842 USD. Chi phí để đưa một phi hành gia bay vào không gian của SpaceX khoảng 55 triệu USD, trong khi Boeing là 90 triệu USD. NASA từng trả cho Nga 86 triệu USD để đưa một phi hành gia bay vào vũ trụ. Tính trung bình, giá của Boeing cao hơn 60% so với SpaceX.
Rẻ hơn tất cả là triết lý kinh doanh của Musk. Điều này cũng đúng với cả mẫu xe điện nhắm vào phân khúc cao cấp. Tesla Model S bản đầu tiên có giá khoảng 100.000 USD. Sau đó Model X giá dưới 100.000 USD và đến Model 3, Tesla đã giảm xuống dưới 50.000 USD. Năm 2019, Model 3 có doanh số cao hơn tổng doanh số của tất cả dòng xe cỡ nhỏ và cỡ trung của BMW cộng lại. Đồng thời, Model S và Model X vẫn nằm trong top bán chạy nhất nước Mỹ.
Con đường Musk chọn là tập trung vào một sản phẩm cao cấp để làm thương hiệu, sau đó đánh chiếm thị trường bằng những model giá rẻ. Trong khi giá của iPhone ngày càng đắt đỏ, giá xe điện Tesla lại ngày càng rẻ.
Solar City, một công ty khác của Musk cũng đi theo con đường tiết kiệm tiền cho khách hàng. Họ cung cấp cho khách hàng những giải pháp phần mềm tốt nhất để tiết kiệm điện rồi mới bán đến các tấm pin năng lượng mặt trời do mình sản xuất.
Chủ sở hữu xe Tesla nghĩ rằng họ đã bước vào một lối sống mới và gia đình họ sẽ chuyển sang dùng năng lượng mặt trời bằng cách sử dụng các tấm pin năng lượng của Solar City.
Cả Steve Jobs và Elon Musk đều làm sản phẩm, bán lối sống. Nhưng họ chọn hai con đường trái ngược nhau và đạt được những thành công chưa từng có.
Khương Nha