Trong khi các công ty Internet và hãng sản xuất ứng dụng liên tục có những sản phẩm sáng tạo, điện thoại di động chính là công cụ giúp hiện thực hóa sự bùng nổ này. Với vai trò trong việc thúc đẩy sự phổ biến của smartphone, CEO kiêm nhà sáng lập Xiaomi - Lei Jun đã được Forbes Asia bình chọn là Doanh nhân của năm.
Dù hãng mới tập trung vào thị trường Trung Quốc và chưa vươn ra Mỹ hay châu Âu, thị trường châu Á cũng đã tương đối lớn. Hãng nghiên cứu IDC dự báo năm tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sẽ đóng góp hơn nửa vào con số 1,5 tỷ smartphone bán ra trên toàn cầu.
Xiaomi đã có bước nhảy vọt lên vị trí hãng điện thoại lớn thứ 3 thế giới quý III năm nay, sau Samsung và Apple. Còn tại Trung Quốc, họ đang nắm vị trí dẫn đầu với 60 triệu điện thoại dự kiến bán ra năm nay, gấp đôi năm ngoái.
Doanh số của Xiaomi nửa đầu năm nay đạt 5,5 tỷ USD, cao hơn cả năm 2013. "Nếu 4 năm trước, ai đó nói rằng tôi sẽ làm được điều này, tôi sẽ không tin đâu", Lei cho biết trên Forbes. Bên ngoài văn phòng của ông, hàng chục kỹ sư đang vùi đầu vào máy tính, xung quanh là hàng chồng thiết bị phần cứng. Ở đây không hề có dáng vẻ của một công sở, còn nhân viên của Xiaomi cũng ăn mặc như đang đi học.
Lei cũng có phong cách rất giản dị, dù là người giàu thứ 8 Trung Quốc với 9,9 tỷ USD. Ông làm việc 100 giờ mỗi tuần, kể cả lúc ở nhà với vợ con. Dù có năng khiếu nhiếp ảnh, đam mê với công nghệ đã khiến ông theo học ngành công nghệ máy tính tại Đại học Vũ Hán. Không như CEO Alibaba - Jack Ma, Lei không thành thạo ngoại ngữ, và cũng hiếm khi ra khỏi Trung Quốc. Vì vậy, tên tuổi của Lei và cả Xiaomi đều ít được người phương Tây biết đến.
Nhưng ở Trung Quốc, ông đã trở thành một huyền thoại. Lei định vị công ty theo cách rất thông minh, bằng sản phẩm chất lượng nhưng giá hợp lý. Điện thoại của hãng có giá vài trăm USD, rẻ bằng nửa một chiếc iPhone mới tại Trung Quốc. Nhưng chúng vẫn được đánh giá cao về cấu hình so với các đại gia cùng chạy hệ điều hành Android.
Lei hạ chi phí sản phẩm nhanh hơn nhiều các hãng sản xuất khác, theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar. Họ cũng chọn cách chỉ bán hàng qua Internet, giảm trung gian, nhờ đó cắt giảm được 10% giá thành cho mỗi sản phẩm.
Niềm tin của Lei luôn được thể hiện trong mỗi lần công bố sản phẩm. Lei thường xuất hiện với phong cách khiến người ta liên tưởng đến CEO huyền thoại của Apple – Steve Jobs. "Mục tiêu của tôi là biến Xiaomi thành một thương hiệu quốc gia, ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp Trung Quốc và giúp ích cho mọi người trên thế giới", Lei cho biết.
Sản phẩm của Xiaomi được quảng cáo qua truyền thông xã hội với những đợt bán chỉ giới hạn trong thời gian rất ngắn (flash sale). Phương pháp này đã giúp họ bán được 100.000 điện thoại chỉ trong 90 giây năm ngoái. Ngày mua sắm online 11/11 năm nay, hãng đã bán được hơn một triệu chiếc.
Công thức này cũng được hãng áp dụng tại các thị trường khác ở châu Á, như Indonesia hay Ấn Độ. "Từ ngày đầu tiên thành lập Xiaomi, mục tiêu của tôi đã là một công ty toàn cầu", Lei cho biết. Để hiện thực hóa việc này, ông còn đưa về công ty rất nhiều người giàu kinh nghiệm, nổi bật nhất là Hugo Barra - một cựu phó chủ tịch Google, hiện phụ trách các thị trường ngoài Trung Quốc.
Cũng như nhiều đại gia công nghệ khác ở Trung Quốc, sự nghiệp của Lei phất lên khi đã ở tuổi trung niên. Ông từng làm việc cho hãng phần mềm Kingsoft và lên chức CEO 6 năm sau khi gia nhập. Năm 2007, ông rời công ty, trở thành một nhà đầu tư.
Với cổ phần trong mạng xã hội Trung Quốc - YY và hãng sản xuất trình duyệt UCWeb, năm 2010, Lei nghĩ tới việc mở một công ty để gia nhập ngành điện thoại đang tăng trưởng như vũ bão. Ông tìm đến một số người đang làm tại doanh nghiệp phương Tây, trong đó có đồng sáng lập Bin Lin. "Người ta nói bạn nên hợp tác với những người mình quen biết. Nhưng tôi thì cho rằng nên tìm người tốt nhất", Lei nói.
Lei sau đó nhận được vốn đầu tư từ nhiều công ty. Một trong số đó là Morningside Ventures của tỷ phú Hong Kong - Gerald Chan. Gia đình Chan đã trở thành nhà đầu tư quen thuộc của Xiaomi suốt nhiều năm sau đó.
Khi Xiaomi chạm mốc giá trị 10 tỷ USD năm ngoái, Lei lại đặt ra mục tiêu mới. "4 năm trước , tôi đã mắc một sai lầm. Khi ấy, tôi chỉ làm việc với các công ty giá trị một tỷ USD và chưa bao giờ thấy cái gì đến 100 tỷ USD cả", ông nói. Sau đó, Lei đã được Yuri Milner - sáng lập quỹ đầu tư Digital Sky Technologies khuyến khích. Số cổ phần tỷ phú Nga mua của Xiaomi năm 2012 đã khiến Lei tin rằng ông có thể làm được điều gì đó lớn hơn.
Trong một hội thảo tại Trung Quốc tháng trước, Lei cho biết mục tiêu mới của ông là dẫn đầu ngành smartphone thế giới trong 5-10 năm nữa. Tuy nhiên, ông vẫn chưa muốn thực hiện phiên chào bán có thể đẩy giá trị Xiaomi lên 100 tỷ USD, ít nhất là trong 5 năm nữa.
"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung làm việc. Nếu tôi làm IPO, tất cả mọi người sẽ giàu lên, bán cổ phiếu, mua nhà, mua ôtô, rồi di cư. Thế thì làm sao quản lý công ty được?", ông nói.
Ngoài điện thoại, Xiaomi còn sản xuất TV. Hãng đã bán được 37.000 chiếc trong ngày 11/11. Mục tiêu của họ là dẫn đầu trong mảng "căn nhà Internet" với các thiết bị gia dụng đều được kết nối với nhau. "Xiaomi sẽ không tự sản xuất tất cả. Chúng tôi sẽ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp lớn hơn, và để người khác làm việc đó", Lei cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Tom Doctoroff - CEO đại gia quảng cáo JWT, để phát triển, Xiaomi sẽ phải có thêm nhiều kênh kết nối với khách hàng. "Phương pháp bán hàng hiện tại có thành công lâu dài không sẽ là vấn đề cần xem xét", ông giải thích.
Còn Lei thì không quá để ý đến những rủi ro hiện tại. "Chúng tôi chỉ là một công ty non trẻ với vị thế chưa vững chắc, nhưng lại hoạt động trong một thị trường đang rộng mở và nhiều cơ hội", ông nói.
Hà Thu