Từ khi thủ lĩnh huyền thoại của Apple qua đời năm 2011 có ít nhất năm phim - hai tác phẩm hư cấu và ba tài liệu - dựng lại đời ông. Phản ứng đầu tiên của nhiều khán giả khi nghe nói tới dự án phim Steve Jobs của Danny Boyle là: "Lại thêm một phim về Steve Jobs nữa?”. Câu chuyện mới của nhà làm phim từng giành Oscar cho Slumdog Millionaire đưa ra một góc nhìn khác, sống động và gai góc về Steve Jobs trên màn ảnh rộng.
Cốt truyện Steve Jobs chia thành ba hồi, mỗi hồi lấy bối cảnh là một lần ra mắt sản phẩm mới trong sự nghiệp của Jobs (Macintosh - năm 1984, NeXTcube - năm 1988 và iMac - 1998). Cứ mỗi lần chuẩn bị bước ra sân khấu, Jobs lại chạm trán nảy lửa với đồng nghiệp, tình nhân, bạn bè, con gái. Câu chuyện là hành trình nhân vật Steve Jobs vốn cực đoan ngày càng trở thành "quái vật" trong mắt xung quanh.
Mở đầu phim, Jobs tranh cãi với trưởng nhóm marketing của Apple là Joanna Hoffman và kỹ sư phần mềm Andy Hertzfeld vì chiếc máy Macintosh gặp trục trặc, không thể nói “Xin chào” dù lễ ra mắt sản phẩm sẽ bắt đầu trong một tiếng nữa. Các cộng sự ra sức khuyên can Jobs bỏ qua phần này vì không kịp thời gian để sửa máy nhưng Jobs cương quyết từ chối. Ông thậm chí còn đe dọa sẽ làm nhục Hertzfeld trước toàn thể khán phòng nếu Hertzfeld thất bại.
Jobs trở nên vô lý khi ra điều kiện rằng tất cả các bảng hiệu Exit ở lối thoát hiểm phải được tắt đèn bất chấp nguyên tắc an toàn. Đơn giản, Jobs muốn hội trường phải hoàn toàn tối đen để khán giả chỉ dành sự tập trung duy nhất lên sân khấu. Jobs cùng từng bắt Joanna Hoffman phải lập tức tìm cho ông một chiếc áo sơ mi có túi ngực để ông đựng phần mềm. Mọi yêu cầu Jobs đưa ra cho cấp dưới phải được thực hiện ngay, không cần biết bằng cách nào hay gặp khó khăn gì.
Đỉnh điểm, Steve Jobs giống như “quái vật” luôn đòi hỏi và ít khi hài lòng. Jobs độc tài, kiêu ngạo, tự cao tự đại. Ông cầu toàn, không bao giờ thỏa hiệp, không quan tâm tới việc người khác có thích mình hay không. Ông “khủng bố” tinh thần cấp dưới, gạt bỏ tình thâm, thậm chí chối bỏ con gái ruột trong nhiều năm liền. Ông đặt sức ép lên chính mình và cộng sự, đẩy sự chịu đựng đến tận cùng giới hạn và nhờ đó, làm được những điều bất khả. Dù vậy, thiên tài lập dị vẫn tỏa ra thứ năng lượng hấp dẫn của một kẻ sinh ra để dẫn đầu, vẫn có niềm tin mãnh liệt vào những điều mình làm.
Khi bộ phim kết thúc, chân dung Steve Jobs hiện lên đầy đủ như một con người bình thường với cả thành công và thất bại, tài năng lỗi lạc và những sai lầm bảo thủ. Dõi theo ba thời điểm quan trọng của cuộc đời Jobs, người xem được thấy những khoảng tối, những góc nhìn khác về kẻ thiên tài.
Kịch bản phim cuốn hút người xem từ đầu tới cuối nhờ các tình huống kịch và lời thoại sắc sảo. Cũng bởi nhấn mạnh tính kịch, tác phẩm bị chỉ trích phóng đại sai sự thật. Phu nhân của Jobs là bà Laurene thậm chí còn gọi điện cho Leonardo DiCaprio lẫn Christian Bale – những ứng viên đầu tiên cho vai nam chính – để van họ đừng hóa thân thành chồng mình. Nhà biên kịch Aaron Sorkin lập luận: “Đây chắc chắn là một tác phẩm của chủ nghĩa ấn tượng. Bộ phim là một bức tranh chứ không phải một bức ảnh”.
Dù có vẻ ngoài khác xa Steve Jobs, tài tử Michael Fassbender thuyết phục được khán giả rằng mình chính là huyền thoại của Apple bằng lối diễn chắc chắn. Dáng người dong dỏng cao, ánh mắt rực lửa, cử chỉ dứt khoát, cách nói chuyện không khoan nhượng, Fassbender đã xuất sắc khi vào vai một thiên tài đi trước thời đại nhưng cũng rất lạnh lùng, tàn nhẫn. Cùng vai Macbeth trong vở kịch cùng tên, vai Steve Jobs một lần nữa khẳng định Fassbender đang trong độ chín nhất của sự nghiệp.
Trong khi đó, Kate Winslet vào vai Joanna Hoffman - trưởng nhóm marketing của Apple, người duy nhất dám chống lại Jobs và được Jobs nể đôi phần. Giống như câu châm ngôn: “Phụ nữ tốt như rượu vang: càng để lâu càng nồng nàn”, Kate vẫn rất đẹp, mặn mà ở tuổi 40. Vai diễn của cô thể hiện sự độc lập, mạnh mẽ và cả tình yêu, sự bao dung, thấu hiểu của một “hồng nhan tri kỷ” dành cho sếp của mình.
Giữa những lời khen - chê của khán giả và giới phê bình, phim giành được hai giải Quả Cầu Vàng. Phim cũng mang về hai đề cử Oscar cho "Nam diễn viên chính xuất sắc" (Michael Fassbender) và "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" (Kate Winslet).
Trailer phim "Steve Jobs" |
|
Anh Trâm