Tôi vừa trở về Liverpool, Anh sau thời gian ở Sydney, Australia. Tôi đã phát biểu ở Lễ hội Ký giả Bóng đá, và làm nhiều công việc khác liên quan tới truyền hình và báo đài, với tư cách cựu HLV tuyển nữ Australia. Tiếc là tôi không sang New Zealand, nhưng vẫn cập nhật thông tin về tuyển nữ Việt Nam thông qua cựu đội trưởng Bùi Thị Hiền Lương. Và tôi cũng xem trọn ba trận của Việt Nam qua tivi.
Đến nay đây là kỳ World Cup nữ hay nhất tôi từng dự khán. Tôi từng đến xem ở những kỳ tổ chức tại Thụy Điển hay Mỹ, nhưng sự quan tâm của truyền thông và người hâm mộ tại Australia và phần nào là New Zealand thật tuyệt vời. Nơi nào ở Australia cũng có những bảng chỉ dẫn về giải, và các báo đài lớn đều tường thuật mọi trận đấu. Tuyển nữ Australia thường được đăng trên trang nhất những đầu báo lớn, mà ngay cả đội nam cũng không có vinh dự này.
Ấn tượng lớn nhất với tôi là những biển hiệu hay chương trình quảng cáo về các cầu thủ nữ phổ biến tại Australia. Ở Anh cũng vậy, khi các báo đài lớn cũng tường thuật những trận của đội khác. Bóng đá nữ đang thực sự bùng nổ trên nhiều quốc gia.
Việt Nam đã chơi rất tốt ở hai trận đầu tiên, khi đội tuyển thể hiện được kỷ luật và bản lĩnh dù thua. Đáng buồn là Hà Lan quá mạnh so với Việt Nam ở trận thứ ba. Giữ được kỷ luật thi đấu một cách liên tục cũng khó. Đội tuyển cũng không còn gì để mất nên cố gắng chơi tấn công hơn. Đáng buồn là ở đấu trường này, đội nào chơi tấn công trước đối thủ mạnh hơn hẳn sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Việt Nam đã gây ấn tượng với truyền thông Australia ở World Cup, đặc biệt là cách các cầu thủ nữ hát quốc gia với lòng yêu nước chân chính. Không phải đội nào cũng có tỷ lệ cầu thủ hát quốc gia tuyệt đối như Việt Nam, còn Mỹ thậm chí không hát.
Màn trình diễn trước Mỹ ở trận ra quân cũng giúp Việt Nam được thế giới biết đến. Với ngân sách và số lượng cầu thủ bóng đá nữ tại Mỹ, tôi đã nghĩ trận đấu giữa hai đội giống như xe ôm đua với Ferrari. Nhiều người đã nghĩ tới tỷ số không tưởng như khi Mỹ hạ Thái Lan 13-0 kỳ trước. Nhưng tỷ số 3-0 mà Việt Nam đem lại không quá đậm, giúp bóng đá Đông Nam Á gỡ gạc chút thể diện. Tôi tin đội tuyển đã thực sự làm người hâm mộ bóng đá Việt Nam tự hào.
Thực ra chỉ có hai cầu thủ Việt Nam gây ấn tượng với tôi, và họ có thể nhận được một hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp ở nước ngoài, đó là hậu vệ phải số 17 Trần Thị Thu Thảo và trung vệ số 4 Trần Thị Thu. Ở trận gặp Bồ Đào Nha, Thu Thảo ngăn chặn nhiều đợt tấn công, còn Trần Thị Thu bọc lót ở phía sau. Hy vọng tôi sai, vì tôi muốn có thêm nhiều cầu thủ Việt Nam kiếm sống bằng bóng đá ở nước ngoài. Dù sao tôi cũng không thể đánh giá các cầu thủ tấn công, vì đội tuyển luôn phải phòng ngự. Thủ môn Trần Thị Kim Thanh nhiều lần cứu thua đẹp mắt nhưng khó được ra nước ngoài thi đấu vì thể hình thấp.
Việt Nam có thể rút ra hai bài học sau trải nghiệm World Cup. Đầu tiên, lãnh đạo cần tăng nguồn lực tài chính cho bóng đá nữ, để đội chuẩn bị tốt hơn trước các giải đấu, và tìm kiếm thêm nhiều cầu thủ đủ năng lực. Có những cô gái có tiềm năng nhưng không chơi bóng hoặc chưa được biết đến. Hãy gửi những tuyển thủ quốc gia tới các trường học để trò chuyện hoặc dạy chơi bóng. Hãy để họ làm hình mẫu cho các cô gái trẻ. Điều này vừa quảng bá bóng đá nữ, vừa tăng thêm thu nhập cho các tuyển thủ và định hướng nghề nghiệp của họ sau khi giải nghệ.
Bài học thứ hai là VFF cần bắt đầu tìm kiếm và thu hút những cầu thủ cao lớn hơn. Các tiền vệ hay tiền đạo có thể thấp như Lionel Messi hay Diego Armando Maradona, nhưng ở đẳng cấp thế giới, hậu vệ và thủ môn phải cao to. Tôi đã gặp những VĐV nữ cao to, nhưng họ chơi bóng chuyền hay bóng rổ. VFF cần xây dựng một chương trình cụ thể để tìm và nuôi dưỡng các tài năng, chọn lọc những cô gái cao lớn từ nhỏ để định hướng trở thành cầu thủ bóng đá.
Với những cầu thủ thấp khi trưởng thành, chúng ta không thể ép họ cao lên, nhưng có thể giúp họ mạnh mẽ hơn. Các cầu thủ trẻ vì thế cũng cần tập tạ theo giáo án phù hợp cho một chặng đường dài. Việt Nam cần loại bỏ quan điểm cũ rằng tập tạ không tốt cho những cô gái. Một giáo án tập tạ phù hợp sẽ giúp các cầu thủ gầy hơn, nhưng mạnh và nhanh hơn.
Việt Nam vẫn đang đối mặt những hạn chế để phát triển bóng đá nữ, đầu tiên là tỷ lệ các cô gái đá bóng còn rất nhỏ. Việt Nam đông dân, nhưng không có nhiều cầu thủ nữ nếu so với Anh hay Mỹ.
Hạn chế thứ hai là số trận đấu của các cầu thủ nữ và ít, và chất lượng trang thiết bị để tập luyện cũng thấp. Việt Nam cần một giải bóng đá nữ mạnh, và các lãnh đạo có thể bắt các đội V-League phải có đội nữ riêng.
Ở Anh, những người làm bóng đá bắt đầu tổ chức các trận đấu kép (double headers). Nghĩa là lịch đấu giải bóng đá nam và nữ giống nhau, diễn ra cùng ngày, trên cùng sân và cách nhau vài tiếng. Điều này thu hút thêm khán giả cho bóng đá nữ, tăng cường độ nhận diện các cô gái chơi bóng.
VFF đã cải tiến đáng kể bóng đá nữ, nhưng muốn cạnh tranh ở đẳng cấp thế giới, đội tuyển vẫn phải có thêm tiền và chiến lược dài hạn. Điểm khác biệt dễ thấy nhất khi Việt Nam gặp các đội khác trong bảng là thể hình. Bởi đội tuyển đụng những đối thủ có văn hóa, lối sống, chế độ dinh dưỡng và chương trình phát triển thanh thiếu niên tốt hơn.
Đầu tiên cầu thủ Việt Nam cần vượt qua rào cản văn hóa, bởi có những cô gái từ bỏ bóng đá sau khi lập gia đình. Khi còn dẫn đội, tôi chỉ có một tuyển thủ đã lập gia đình. Các cô gái khác nói rằng họ phải chịu áp lực lớn từ gia đình về chuyện cưới xin và sinh con. Rào cản này khó phá vỡ, nhưng Australia hay Mỹ đều có những cầu thủ đem cả con tới thi đấu.
Bóng đá dành cho mọi người, bất kể màu da, giới tính, chủng tộc hay tôn giáo. World Cup 2023 đã cho thấy bóng đá thực sự là môn phổ biến nhất.
Việc tặng tiền cho cầu thủ dự giải để sống với bóng đá thực sự cần thiết. Sau World Cup, mỗi cầu thủ Việt Nam sẽ nhận được 30.000 USD từ FIFA, và số tiền này cần trực tiếp đến tay họ. VFF cũng sẽ nhận được một khoản tiền thưởng do đã vượt qua vòng loại.
Tiền thưởng là động lực lớn cho các tuyển thủ lẫn những cô gái trẻ đam mê bóng đá. Bộ phận marketing của VFF nên bắt đầu kiếm những hợp đồng tài trợ cầu thủ từ những nhãn hàng liên quan tới phụ nữ. Ở Australia, đội trưởng Sam Kerr là triệu phú chỉ từ những hợp đồng quảng cáo, và Leah Williamson ở Anh hay Alex Morgan tại Mỹ cũng vậy. VFF cần nhận ra rằng phụ nữ cũng tiêu tiền, còn các tuyển thủ có thể là hình mẫu và trở thành hình ảnh quảng cáo.
VFF cũng nên xây dựng một chương trình tìm kiếm tài năng từ nước ngoài. Australia, Mỹ hay châu Âu có những bộ phận người Việt khá đông, nên sẽ có nhiều cầu thủ nữ có bố hoặc mẹ gốc Việt. Thậm chí FIFA cho rằng cầu thủ chỉ cần có ông hoặc bà gốc gác từ nước nào cũng có thể đại diện cho quốc gia đó thi đấu. Thế giới đang thay đổi và Việt Nam cần thích nghi.
Với các cầu thủ bản địa, cơ hội tốt nhất sẽ là được tuyển chọn vào hệ thống giáo dục thể thao ở Mỹ. Khi đó, họ có thể học cách làm cầu thủ chuyên nghiệp, phát triển thể lực, tăng cường dinh dưỡng và học văn hóa mỗi ngày. Sau đó, họ sẽ cảm thấy bước đi tiếp theo trong sự nghiệp rất dễ.
Tuy nhiên điều quan trọng là các tuyển thủ trẻ tài năng phải bắt đầu học tiếng Anh. Bởi nếu nhận học bổng từ Mỹ, họ sẽ sinh sống và thi đấu trong một môi trường nói tiếng Anh.
Những gì tôi đề xuất ở trên hầu như cũng có thể áp dụng cho bóng đá nam.
Người Việt Nam nên tự hào về đội tuyển nữ tại World Cup, và tiếp tục ủng hộ những cô gái đá bóng. Đội tuyển cần duy trì động lực và phát triển dựa trên nền tảng này. Những lời khen ngợi có lẽ nên dành cho HLV Mai Đức Chung bởi ông đã làm xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm.
Steve Darby là HLV người Anh, có khoảng 40 năm kinh nghiệm dẫn nhiều đội tuyển và CLB quốc tế, cả nam lẫn nữ. Ông từng dẫn tuyển nữ Australia thời 1989–1991, và giúp Việt Nam đoạt HC vàng bóng đá nữ SEA Games đầu tiên năm 2001.
Steve Darby