Trên sân Forsyth Barr (thành phố Dunedin), Việt Nam lép vế trước Hà Lan. Cả trận, đội kiểm soát bóng 27%, tung ra năm dứt điểm - ít hơn gần chín lần so với đội đương kim á quân. Nếu các chân sút của Hà Lan tận dụng tốt hơn, hoặc thủ môn Trần Thị Kim Thanh cũng như người vào thế chỗ trong hiệp hai Khổng Thị Hằng không xuất sắc, lưới của Việt Nam có thể tung lên nhiều hơn. "Trình độ của Việt Nam không so sánh được với Hà Lan, thực sự là lực bất tòng tâm", ông Chung nhận xét. "Các cầu thủ đã thi đấu bằng tinh thần chiến đấu cao nhưng không khoả lấp được chuyên môn, thua cũng xứng đáng".
HLV người Hà Nội nói thêm rằng đội tuyển đã chuẩn bị hơn một năm cho hành trình World Cup, các cầu thủ cũng tiến bộ nhưng còn phải làm việc nhiều hơn nữa mới mong thu hẹp được khoảng cách với các đội tuyển hàng đầu thế giới. Ngoài ra, ông bày tỏ sự biết ơn đến người hâm mộ đã cổ vũ, dù bằng cách trực tiếp đến sân hay theo dõi qua truyền hình.
Lần đầu dự World Cup, Việt Nam rơi trúng bảng Tử thần, trong đó có ĐKVĐ Mỹ và á quân Hà Lan. Vì vậy, mục tiêu đội tuyển đặt ra chỉ là cọ xát, trải nghiệm không khí thi đấu ở đẳng cấp thế giới và hy vọng ghi được một bàn.
Trận ra quân, Việt Nam gây ấn tượng bằng lối chơi kiên cường, kỷ luật và chỉ thua Mỹ 0-3. Ở trận đấu Bồ Đào Nha, dù sớm thủng lưới, đội tuyển cố gắng cầm cự và nhận thất bại 0-2. Nhưng ở lượt cuối, đoàn quân của HLV Mai Đức Chung vỡ trận, hứng chịu trận thua có cách biệt lớn nhất từ đầu World Cup. Được hỏi về kết quả này, ông Chung nói: "Với trình độ của Việt Nam, khi đối đầu Hà Lan, thất bại như vậy là bình thường. Chúng tôi rất thoải mái, không hề lấn cấn vì đã nỗ lực hết sức. Tôi thậm chí đã lo sợ một thất bại nặng nề hơn".
Điểm sáng của Việt Nam trận này có lẽ là việc hạn chế được bàn thua trong hiệp hai, sau khi thủng lưới đến năm lần trong hiệp một. Ông Chung tiết lộ trong giờ giải lao đã nhắc nhở cầu thủ về một số vấn đề, như hàng phòng ngự chưa tích cực theo người, chưa linh hoạt trong việc đổi vị trí... đồng thời yêu cầu học trò bình tĩnh, tự tin cầm bóng và quyết tâm hơn.
Trong đội hình của Việt Nam, có hai cầu thủ không được chơi phút nào suốt giải là hậu vệ Trần Thị Thúy Nga và tiền vệ Trần Thị Thuỳ Trang. HLV Mai Đức Chung nói rằng cũng muốn tạo điều kiện cho họ trải nghiệm, nhưng không thể vì những tính toán chuyên môn. "Hồi đi họp FIFA, tôi đề xuất thay sáu người mỗi trận. Một số đội tuyển cũng mong muốn như vậy, vì điều đó thiết thực đối với bóng đá nữ, nhất là những đội tuyển có trình độ thấp như Việt Nam. Nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, chúng tôi phải tính toán, thay đổi nhân sự sao cho hợp lý. Thùy Trang rất tích cực tập luyện, khát khao, nhưng thể lực hơi yếu và lớn tuổi. Tôi phải cẩn trọng, tránh phát sinh nguy cơ mất người. Trận này tôi xếp những vị trí khoẻ mạnh thi đấu trước, sau đó là những cầu thủ dự bị vào sân như phần thưởng xứng đáng cho từng người".
Không đạt mục tiêu đề ra, nhưng thế hệ tuyển thủ nữ này được xem là có công đặt nền móng cho cấp độ đội tuyển quốc gia Việt Nam tiếp cận sân chơi World Cup. Ông Chung hy vọng các đồng nghiệp nam có thể tiếp bước, nhất là khi FIFA tăng số đội tuyển dự World Cup 2026 từ 32 lên 48. Ông cũng mong tuyển nữ truyền được cảm hứng cho các cầu thủ trẻ phấn đấu tập luyện, nâng cấp nhiều mặt như chiều cao, phong trào thi đấu từ cấp trường học đến các giải đấu chuyên nghiệp.
Nhận định về đội tuyển vô địch World Cup lần này, ông nói: "Hy vọng đó là Hà Lan hoặc Mỹ, để cho thấy chúng tôi thua những đối thủ này là xứng đáng".
Theo kế hoạch, ngày 3/8 đội tuyển về nước. Một tuần sau thầy trò ông Chung sẽ tập trung trở lại để chuẩn bị cho ASIAD diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc) cũng như vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024. Chiến lược gia 73 tuổi từ chối trả lời về kế hoạch của bản thân sau khi hợp đồng hiện tại với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hết hạn vào ngày 31/12, nhưng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ đội tuyển nếu được mời tham dự World Cup tiếp theo.
Hiếu Lương