* Trận Anh - Panama diễn ra lúc 19h Chủ nhật 24/6, theo giờ Hà Nội, trực tuyến trên VnExpress.
Con gái của tôi hơi bị… láo nháo. Mẹ tôi cảnh báo: sẽ có điều gì đó xảy ra. Tầm sáu tuổi, bọn trẻ con bắt đầu phát triển tính cách và ưa tỏ thái độ. Một ngày nọ, con bé chạy quanh nhà và hát một bài hát.
Bố của nó vừa giành chức vô địch Ngoại hạng Anh với Man City. 100 điểm, kỷ lục chứ đùa à. Theo bạn thì con tôi có quan tâm không?
Haaaaa! Nó chẳng buồn để tâm. Con bé là fan cứng của Liverpool. Thế nên hôm ấy, nó chạy quanh nhà và hát một bài… chẳng liên quan gì đến City. Thề có Chúa, tướng nó chạy y hệt bố. Ngực tấn công, mông phòng thủ, hai tay còn vỗ vỗ một chút nữa. Đúng bản sao của Raheem Sterling, con bé vừa chạy vừa hát:
Mo Salah! Mo Salah! Mo Salah!
Runnin’ down the wing!
Salahhhhh la la la la la la la!
Egyptian king!
Bạn có tin nổi không? Lạnh lùng dã man.
Con bé rất giống tôi hồi còn nhỏ. Giống lắm, tôi thề luôn. Nếu nó không biết bạn từ trước, còn lâu nó chịu mở miệng nói gì. Một tiếng cạy miệng cũng không. Để nói chuyện, nó phải tin tưởng bạn trước. Tính cách ấy dường như được hình thành trong gia đình, qua nhiều thế hệ?
Vậy tôi có thể tin bạn được không? Tôi có thể kể bạn nghe chuyện của tôi, và bạn có sẵn lòng để nghe? Có nhiều bạn nghĩ rằng chỉ cần đọc báo là đã hiểu tôi rồi. Có lẽ bạn nghĩ chuyện của tôi thì có gì mới mẻ, có gì đáng lưu tâm? Nhưng liệu bạn có thực sự hiểu tôi không?
Năm tôi lên hai tuổi, bố tôi đã bị sát hại. Biến cố ấy đã làm thay đổi cuộc đời của tôi mãi mãi. Không lâu sau cái chết của bố, mẹ quyết định để hai chị em tôi ở lại Jamaica, một mình sang Anh kiếm việc, mong chúng tôi sẽ có một cuộc đời tốt hơn. Trong nhiều năm, chúng tôi phải sống với ông bà tại Kingston. Làm sao tôi quên được cái cảm giác ghen tỵ và tủi thân khi thấy những đứa trẻ khác có mẹ. Tôi đâu có hiểu vì sao mẹ lại rời bỏ mình. Tôi chỉ biết bà ấy đã chọn ở xa chúng tôi.
Bà ngoại của chúng tôi rất tuyệt vời, nhưng đứa trẻ nào mà không mong gần mẹ. Ơn Chúa là tôi còn có bóng đá để an ủi. Những ngày trời mưa, đám trẻ chạy ra ngoài, đá bóng vào những vũng nước, để nước văng tung tóe. Đấy là những lúc vui nhất. Khi nghĩ về Jamaica, thì ký ức về những ngày mưa hiện lên trước tiên. Mưa xuống, không một đứa trẻ nào chịu ở trong nhà cả. Chúng ùa ra ngoài vui đùa.
Kỷ niệm tiếp theo tôi nhớ là khi xin bà tiền để mua kem ngũ cốc. Tin tôi đi, cả thế giới nên đưa vào sản xuất đại trà món kem này, vì nếu chưa nếm thử, bạn không biết mình đã bỏ phí điều gì đâu. Không hiểu sao, tôi chưa từng thấy kem ngũ cốc bán ở Anh. Đó là món ngon hết sảy.
Sau khi đá bóng về, chúng tôi hay đến cửa tiệm nhỏ của một anh chàng. Anh này mở tiệm ngay trước nhà, chúng tôi chạy đến đó, gỡ cửa, và lúc nào anh ta cũng thò đầu qua cửa sổ: “Ơi, mua chi đó?”
Jamaica là thế đó, bạn ạ. Người ta luôn phải mưu sinh, làm tất cả những gì có thể. Bạn có thể mua mọi thứ ở cái cửa tiệm nhỏ xíu ấy, từ gạo đến kem.
Tôi không hề nhận ra rằng: mẹ tôi cũng đang vật lộn mưu sinh ở mãi tận Anh quốc, với hy vọng khiến cho cuộc sống của mấy đứa con về sau đỡ vất vả. Lên năm tuổi, chúng tôi được mẹ đón sang London. Lúc này, cuộc sống khó khăn theo một kiểu khác vì chúng tôi phải thích nghi với một nền văn hóa mới, và trong nhà cũng không có tiền bạc gì. Mẹ luôn cố chu cấp những gì chúng tôi cần, nhưng đấy tất nhiên không phải một cuộc sống an nhàn.
Mẹ tôi làm việc dọn dẹp cho một vài khách sạn để kiếm thêm tiền. Tôi vẫn hay thức dậy lúc năm giờ sáng, phụ mẹ chùi toilet ở một khách sạn tại Stonebridge trước khi đi học. Tôi luôn tranh phần với chị: “Lần này chị phải chùi toilet, còn em sẽ lo ga trải giường”.
Điều an ủi duy nhất là mẹ sẽ cho chúng tôi chọn bất kỳ thứ gì mình thích trong máy bán hàng tự động sau khi xong việc. Bao giờ tôi cũng chọn thanh chocolate Bounty nhân dừa.
Gia đình của chúng tôi luôn phải thắt lưng buộc bụng. Chúng tôi đâu còn lựa chọn nào khác. Mọi người phải dựa vào nhau mà sống. Tính hiếu động, tôi hay làm vỡ đồ trong nhà nên thường xin mẹ ra ngoài đường chơi. Nhưng mẹ nói: “Con làm gì cũng không được rời khỏi nhà”. Mẹ tôi lúc nào cũng quản thúc tôi chặt chẽ như thế.
Tôi luôn cảm thấy tệ khi nghĩ về tuổi thơ của mình. Thế nên khi vào tiểu học, tôi trở nên rất ngỗ ngược. Tất nhiên, mẹ tôi phát điên vì điều đó. Tôi không phải là một đứa trẻ hỗn hào, nhưng tôi không muốn nghe lời người lớn. Tôi không muốn ngồi yên một chỗ nghe thầy giáo giảng bài. Ngày nay, chúng ta gọi đó là sao nhãng. Cứ ngồi vào bàn, tôi chỉ mong đến giờ ra chơi. Ăn một ít, rồi lao ra ngoài sân chơi. Chạy trong bùn, vờ như ta đây là Ronaldinho.
Nhưng vì quá ngỗ ngược, tôi đã bị nhà trường… đuổi học. Thực ra không hẳn thế. Trường không ra quyết định đuổi học mà chỉ mời mẹ tôi tới, khuyên bà nên chuyển tôi sang một ngôi trường khác, nơi tôi có thể tập trung hơn. Và thế là người ta ném tôi vào một cái phòng học bé xíu, sáu học sinh và ba giáo viên. Hết trốn!
Điều tồi tệ nhất là xe buýt. Nó đến đưa rước chúng tôi hàng ngày. Một lần nọ, tôi ngồi trên xe, nhìn qua cửa sổ, thấy đám học sinh vừa đến trường vừa trò chuyện vui vẻ. Điều ấy làm tôi thấy buồn bực, vì tôi cũng muốn được vui vẻ, tôi muốn giống như mọi người. Tôi đâu phải đứa trẻ tự kỷ, tôi chỉ không giỏi giao tiếp thôi mà. Và tôi cũng chẳng muốn nghe ai dạy bảo, ngoài mẹ mình. Đấy là vấn đề của tôi.
Nhưng vì muốn trở lại trường lớn, tôi phải cố cư xử thật tốt. Sau một năm, tôi toại nguyện. Nhưng cuộc sống của tôi chỉ thực sự thay đổi khi tôi gặp một người tên là Clive Ellington. Ông ấy hay bảo ban cho đám trẻ không có bố trong xóm tôi. Vào mỗi cuối tuần, ông hay dẫn chúng tôi lên London chơi một chuyến, mở mang tầm mắt. Thỉnh thoảng chúng tôi còn được chơi billiards. Ông ấy thực sự quan tâm đến chúng tôi.
Rồi một ngày, ông hỏi tôi: "Raheem này, con thích làm gì nhất?".
Một câu hỏi đơn giản quá, phải không? Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Tôi thích làm gì nhất ư? Lúc đó, tôi chỉ đá bóng trên đường, đạp xe vòng vòng với bạn, làm một đứa trẻ.
Nhưng tôi đã trả lời ông: "Con thích đá bóng nhất".
"Bác có một đội bóng đang chơi nghiệp dư. Sao con không đến thử chân xem sao?", Clive đề nghị.
Và cuộc nói chuyện ấy đã thay đổi đời tôi. Kể từ hôm ấy, mọi thứ chỉ còn là bóng đá, đá bóng và bóng đá. Tôi ám ảnh bởi bóng đá, hoàn toàn ám ảnh. Khi lên 10 hay 11, tôi đã bắt đầu được một vài CLB lớn ở London chú ý. Fulham muốn tôi, Arsenal cũng muốn. Và khi cái tên Arsenal xuất hiện, tất nhiên bạn phải suy nghĩ ngay. Đấy là CLB lớn nhất London cơ mà, nên tôi chạy đi nói với các bạn mình: "Tao chuẩn bị đi Arsenal nhen tụi bay".
Nhưng mẹ tôi biết mọi chuyên chẳng đơn giản đến thế. Mẹ đã nếm trải đủ mọi khó khăn trong đời, làm gì có thứ gì dễ dàng. Thế nên mẹ bảo: "Này, mẹ yêu mày. Nhưng mày không nên đến Arsenal đâu".
"Ơ sao thế?", tôi ngạc nhiên.
"Mày đến đó, xung quanh bét nhất cũng có 50 đứa giỏi như mày. Mày chỉ nên đến những CLB tầm tầm trước, rồi từ từ leo lên", mẹ bảo.
Và nhờ lời khuyên của mẹ, tôi đã gia nhập Queens Park Rangers. Đấy có lẽ là quyết định chính xác nhất đời tôi. Ở QPR, họ coi sóc tôi rất tốt. Nhưng mẹ không bao giờ để tôi đi tập một mình. Và vì quá bận, mẹ bảo chị phải đi cùng tôi đến Heathrow.
Ba chuyến xe buýt tổng cộng. Xe số 18 rồi chuyển sang 182, sau đó là 140. Có cảm giác như tôi đã trải qua hàng thế kỷ trên những chuyến xe ấy. Hai chị em rời nhà lúc 3:15 sáng và trở về lúc 11 giờ khuya. Ngày này qua ngày khác. Khi tôi tập luyện, chị ngồi ở một quán cà phê nhỏ ở trên và chờ đợi. Một cô gái 17 tuổi, thế mà phải tò tò đi theo cậu em. Nhưng chị chưa bao giờ từ chối nhiệm vụ của mình.
Lúc ấy, tôi đâu hiểu chị hy sinh nhiều cho mình thế nào. Chính là chị và mẹ đã giúp tôi đến được đây. Gia đình đóng một vai trò to lớn trong cuộc đời tôi. Không có họ, Raheem Sterling hãy là một kẻ vô danh.
Giấc mơ phủ bóng lên chặng đường trưởng thành của tôi, theo đúng nghĩa đen. Vì tôi chứng kiến cảnh người ta xây sân Wembley mới từ sân sau nhà mình. Quanh nhà tôi là những tòa cao ốc, to như những ngọn núi. Tôi hay chơi bóng ở khu vườn cạnh nhà, sút bóng rồi quay lưng vui mừng, mái vòm vĩ đại của Wembley ở ngay trên đầu.
Tôi có thể chơi bóng ở đó, tôi sẽ làm được.
Tất nhiên, không ai tin vào giấc mơ của tôi cả. Một người giáo viên nói với tôi, khi tôi 14 tuổi: "Raheem! Em bị gì vậy? Em nghĩ bóng đá sẽ là mục tiêu của cuộc đời em? Em có biết bao nhiêu triệu trẻ em ngoài kia cũng muốn làm cầu thủ không?".
OK. Muốn nói về tỷ lệ chọi chứ gì, tôi đã nghe điều ấy quá nhiều.
Nhưng cô giáo ấy lại hỏi tiếp: “Em có gì đặc biệt so với những người khác?”
Câu hỏi ấy đã ghim vào đầu tôi. Và tôi cứ tự lẩm bẩm: “Ồ, điều gì khiến mình đặc biệt nhỉ?"
Hai tháng sau, tôi được gọi vào đội U16 Anh. Tôi kiến tạo hai bàn trong trận đấu với Bắc Ireland. Trận đấu và highlight của nó được chiếu trên TV, và đấy là một bước tiến quan trọng.
Khi trở về trường vào thứ hai, cô giáo kia bỗng trở thành người bạn tốt nhất đời tôi.
Cuộc sống buồn cười nhỉ!
Nhưng bước ngoặt thật sự chỉ đến sau đó một năm. Liverpool muốn chiêu mộ tôi. Tôi lại ngồi xuống với mẹ và bảo mình muốn ra đi. Tôi yêu tất cả bạn bè thuở bé, họ vẫn là những người bạn tốt nhất. Nhưng vào lúc đó, quanh xóm tôi, tội phạm nhiều quá. Và tôi tin Liverpool có thể giúp tôi thoát ra khỏi tình hình phức tạp ấy để có thể toàn tâm cho bóng đá.
Trong đầu, tôi đã có chủ kiến. Mẹ và chị đã hy sinh cho mình quá nhiều. Giờ mình phải tiến lên.
Suốt hai năm sau đó, tôi biến mất như một hồn ma. Khi có ngày nghỉ, tôi lên xe lửa trở lại London, nghỉ ngơi một ngày với mẹ rồi quay lại Liverpool ngay lập tức. Tôi hoàn toàn tách khỏi thế giới, trong đầu chỉ duy nhất một mục tiêu phải trở thành cầu thủ. CLB bố trí cho tôi ở nhờ một cặp vợ chồng già. Họ đã ngoài 70, và xem tôi như cháu trong nhà. Mỗi buổi sáng, tôi bước xuống nhà thì đã thấy bữa sáng với thịt xông khói chờ sẵn. Sau nhà là một ngôi vườn thật đẹp, với tất cả những cây cối, hoa trái. Cứ như một thế giới khác.
Mẹ tôi gọi đến vào mỗi buổi sáng: "Raheem! Mày đã cầu nguyện chưa đấy? Có cảm ơn Chúa đã cho mình thức dậy mỗi ngày không?".
"Mẹ! Con nhớ mà. Con còn cảm ơn vì cho con có mẹ nữa!", tôi đáp.
Đấy là thời gian quan trọng nhất đời tôi. Vì tôi toàn tâm cho một nhiệm vụ: kiếm được một bản hợp đồng kha khá để giúp mẹ và chị đỡ vất vả. Cái ngày tôi mua cho mẹ được căn nhà cũng là ngày vui nhất đời tôi.
Vì chúng tôi đã phải thay đổi chỗ ở liên tục. Trong vòng hai năm, chúng tôi đã phải chuyển hết nơi này sang nơi khác vì không đủ tiền thuê nhà. Lúc ấy, tôi đâu đã cảm thấy khổ sở gì, nhưng bây giờ tôi mới biết mẹ đã trải qua khó khăn như thế nào.
Thật buồn khi phải nói điều này, nhưng tôi đành phải nói. Trên truyền thông, người ta nói tôi là kẻ thích sự xa hoa, thích kim cương và thích làm màu. Tôi không hiểu từ đâu người ta lại nghĩ thế. Khi tôi mua cho mẹ một căn nhà, người ta cũng dựng nên những câu chuyện không biết từ đâu ra. Tôi rất buồn khi tự hỏi: sao người ta có thể ghét những thứ mà… họ không biết.
Vài năm trước, tôi mang điều này đến than với mẹ: "Mẹ, sao người ta cứ tấn công con?".
Nhưng bây giờ, tôi chẳng còn bận tâm quá nhiều nữa. Miễn mẹ chị và các con tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi sẽ hạnh phúc.
Nếu người ta cứ nhìn vào cái phòng tắm trong nhà mẹ tôi, tất cả những gì tôi cần kể ra là 15 năm trước, chúng tôi còn chùi toilet ở bathroom và ăn sáng trước cái máy bán hàng tự động. Mẹ tôi xứng đáng được hạnh phúc. Bà đến quốc gia này với hai bàn tay trắng, cố lấy một tấm bằng để vươn lên, không nề hà phải chùi bao nhiêu cái toilet, hay ủi thẳng mấy cái ga giường. Và bây giờ, bà là người điều hành một nhà dưỡng lão.
Và con trai của bà đang khoác áo đội tuyển Anh, dự World Cup.
Năm 17 tuổi, tôi khoác áo đội tuyển lần đầu. Hôm ấy chúng tôi đá trận vòng loại World Cup với Ukraine tại Wembley. Ngồi trên xe buýt đến sân, nhìn qua cửa sổ khi xe đang chạy trên đường Harrow, tôi đã tự nghĩ…
Kia là nhà bạn ta từng ở.
Kia là bãi đậu xe mà chúng tôi thường chơi.
Kia là góc đường mà chúng tôi thường bắt chuyện với đám con gái.
Kia là mảnh vườn mà tôi từng mơ ước tất cả những gì của hôm nay.
Nếu bạn lớn lên theo cách tôi lớn lên, đừng tin những gì báo lá cải nói. Họ chỉ muốn cướp đi niềm vui của bạn. Họ muốn kéo bạn xuống.
Giờ thì để tôi nói với bạn điều này…
Nước Anh vẫn là một nơi chốn tuyệt vời, để một đứa trẻ ngỗ nghịch không có gì trong tay có thể thực hiện ước mơ của nó.
Hoài Thương dịch