Khi tôi chia sẻ sự thương tiếc của mình về sự ra đi của nhà khoa học Stephen Hawking trên Facebook, một người đã bình luận: “Ngày trước xem phim 'Thuyết vạn vật' chỉ vì Eddie Redmayne. Xem xong phim thì lại thấy Stephen Hawking thật thú vị”.
Rất nhiều độc giả của tôi đồng ý rằng họ cũng chỉ biết đến ông qua bộ phim Redmayne đóng. Tôi đã hơi sững sờ. Một phần, tôi biết ơn bộ phim đã đưa tên tuổi Stephen Hawking đến với khán giả Việt Nam. Phần khác, tôi băn khoăn không biết nên nghĩ gì về một nền giáo dục khi phần lớn người dân phải qua Hollywood mới biết đến một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của Thế kỷ XX.
Như hàng chục triệu độc giả trên khắp thế giới, tôi đã tìm đọc cuốn sách A brief history of time. Như phần lớn mọi người, tôi chưa bao giờ đọc xong nó. Không phải cuốn sách không hay, mà tôi đã nghĩ rằng mình cần nghỉ ngơi để tiêu hoá lượng kiến thức khổng lồ trong sáu chương mình vừa đọc được, nhưng rồi chưa bao giờ tìm được thời gian để cầm quyền sách lên đọc lại.
“Thời gian” là một khái niệm kỳ cục khi đặt nó bên cạnh Stephen Hawking. Hơn ai hết, ông nhìn thời gian như một tính chất, thay vì một điều tất yếu. Ông chỉ ra Chúa không thể muốn đổi ý trong tương lai, bởi như vậy có nghĩa là hình dung rằng Chúa tồn tại theo thời gian, trong khi thời gian chỉ là một tính chất của vũ trụ mà Chúa tạo ra.
Ông cũng là nhà khoa học duy nhất lấy khái niệm du hành vượt thời gian nghiêm túc, đến mức tổ chức một bữa tiệc cho những nhà du hành vượt thời gian và chỉ quảng bá thông tin về bữa tiệc sau khi bữa tiệc đã diễn ra.
Bữa tiệc không có ai cả, trừ Stephen Hawking. Những đóng góp của Stephen Hawking không chỉ to lớn trong khoa học, mà còn có thể thay đổi thế giới quan của người đọc.
Ông chứng minh rằng singularity (theo ý hiểu của tôi là hiện tượng vật chất hay thời gian ép lại thành một điểm) tồn tại, và đưa ra giả thuyết rằng vũ trụ được bắt đầu từ một singularity.
Trước ông, mọi người vẫn nghĩ rằng không gì có thể thoát ra khỏi lỗ đen, ngay cả ánh sáng. Stephen Hawking chứng minh rằng lỗ đen phát ra bức xạ, quá trình này có thể tiếp tục cho đến khi lỗ đen mất hết năng lượng và biến mất.
Phát hiện này đưa ra lời khuyên cho những người đang tuyệt vọng trong cuộc sống: “Vẫn có thứ thoát ra khỏi được lỗ đen. Nếu bạn nghĩ mình đang ở trong lỗ đen, đừng bỏ cuộc. Vẫn có đường ra”.
Có nhiều điều trong cuốn sách của Stephen Hawking làm tôi nghĩ mãi, nhưng có một điều vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Ông bàn về thuyết tương đối của Einstein dựa trên gợi ý rằng lực hấp dẫn là kết quả của việc trục không thời gian không phẳng, mà cong.
Những thực thể như trái đất di chuyển theo quỹ đạo cong không phải vì lực hấp dẫn buộc chúng phải như thế, mà bởi vì chúng cố gắng đi theo đường thẳng nhất có thể - đường ngắn nhất giữa hai điểm bất kỳ - trong một không gian bốn chiều cong. Ông giải thích việc này giống như việc một chiếc máy bay bay theo đường thẳng trên không gian ba chiều, dường như đi theo đường cong khi đổ bóng xuống mặt đất gồ ghề trong không gian hai chiều. Tôi đọc những dòng này và lần đầu tiên trong đời tự hỏi liệu cuộc sống zigzag mà mình vẫn thường nghĩ có khi nào lại là một đường thẳng tưng, hoàn toàn có thể đoán trước được trong trục không thời gian nào đó.
Tôi không muốn giả vờ hiểu những nghiên cứu của Stephen Hawking. Rất có thể, những nghiên cứu của Stephen Hawking mà tôi giải thích ở trên đây là hoàn toàn sai. Những suy nghĩ của ông vượt quá khả năng nhận thức của người bình thường dẫn đến việc một nhà báo trên tờ Atlantic đã từng viết rằng Stephen Hawking được đánh giá quá cao. Ông đã trở thành một hình tượng quá vĩ đại, đến mức thật khó để người bình thường hình dung ông có thể có đóng góp tương xứng với tên tuổi của mình.
Với tôi, Stephen Hawking hơn là một nhà khoa học. Ông là một biểu tượng cuộc sống. Mặc dù cuộc sống đã lấy đi của ông rất nhiều, ông vẫn luôn giữ được nụ cười lạc quan và vui đùa trêu chọc chủ xị chương trình tin tức hài hước John Oliver với câu nói dìm hàng đã trở thành huyền thoại: “Và có một vũ trụ nơi mà anh hài hước”.
Ông sống đúng với câu nói của chính mình: “Cho dù cuộc sống có khó khăn như thế nào đi chăng nữa, luôn có điều gì đó bạn có thể làm và làm nó thành công”. Trái Đất mất đi một bộ óc vĩ đại, nhưng vũ trụ có thêm một vì sao sáng.
Stephen Hawking là một nhà khoa học vượt qua thời gian và không gian. Ông quan sát vũ trụ từ thời điểm nó bắt đầu. Ông lang thang khắp các dải Ngân hà trên một chiếc xe lăn. Ông sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho những người không để sự khắc nghiệt của cuộc sống ngăn cản họ theo đuổi đam mê của mình.
Huyền Chip
>> Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip) hiện đang học bậc thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ). Cô cũng là tác giả của sách Xách ba lô lên và đi, Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
>> Xem thêm: 'Muốn học được Lịch sử cần phải có niềm cảm hứng'