Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76 tại nhà riêng ở Cambridge, Anh hôm nay (14/3). Ông là người đặt nền móng cho ngành vũ trụ học, cha đẻ của lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking) nổi tiếng. Sinh thời, ngoài những cống hiến cho ngành khoa học, Stephen Hawking còn được xem như một biểu tượng văn hóa đại chúng.
Sinh năm 1942 ở Oxford, Anh, Stephen Hawking sớm bộc lộ những khả năng đặc biệt từ thuở thiếu thời. Ở tuổi 13, ông thường cùng các bạn học ở trường St Albans chơi bài, làm pháo hoa, thiết kế các mô hình phi cơ và tàu thuyền, đồng thời thảo luận về Cơ đốc giáo và năng lực ngoại cảm. Ông theo học Đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Tại đây, Stephen Hawking không quá hứng thú với việc học hành. Ông dành mối quan tâm cho nhạc cổ điển, tiểu thuyết viễn tưởng và tham gia câu lạc bộ đua thuyền của trường. Nhiều bạn học của Stephen Hawking tiết lộ, ông là người hài hước, lãng mạn. Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động từ năm 21 tuổi và phải ngồi xe lăn, không có khả năng nói. Dù mắc bệnh hiểm nghèo, Hawking sớm lấy lại tinh thần. Ông giao tiếp bằng máy móc hỗ trợ ngôn ngữ.
Trong một bài phỏng vấn trên Parade tháng 9/2010, Hawking tiết lộ vào mỗi sáng chủ nhật, ông thích đọc báo, nghe nhạc. Nghệ sĩ yêu thích của ông là nhà soạn nhạc Đức - Richard Wagner. Hawking bày tỏ âm nhạc của Wagner khơi gợi nhiều cảm xúc tươi đẹp trong ông. Ngoài ra, ông thích Beethoven, Mozart, Rolf Riehm, The Beatles. Ca khúc yêu thích của ông là Non, je ne regrette rien do nữ danh ca người Pháp Édith Piaf thể hiện.
* Stephen Hawking trong phim "Star Trek"
Ông không hề ngại ngùng khi xuất hiện trên truyền hình, tham gia nhiều dự án nghệ thuật. Nhà khoa học góp mặt trong bộ phim hành động viễn tưởng Star Trek, năm 1993. Trong một phân cảnh, ông đóng vai chính mình và ngồi chơi bài với Albert Einstein và Isaac Newton. Stephen Hawking không có thoại, tuy nhiên, biểu cảm hài hước của ông khiến khán giả thích thú. Ngoài ra, ông còn đóng vai cameo trong series truyền hình The Big Bang Theory. Trong tập này, cậu sinh viên vật lý Sheldon Cooper rất bối rối khi gặp gỡ thần tượng.
* Ca khúc "Keep Talking"
Theo The Independent, số phận đặc biệt của Hawking khiến ông trở thành nguồn cảm hứng lớn cho nhiều sản phẩm văn hóa đại chúng. Trong đó có ca khúc Keep Talking của nhóm nhạc Rock người Anh - Pink Floyd. Bài hát có đoạn:
"I can't seem to speak now
You never talk to me..."
"Giờ đây anh không còn nói được
Em sẽ chẳng thể trò chuyện cùng anh"
Ông cũng là nguyên mẫu của nhiều bộ phim nổi tiếng như hoạt hình The Simpsons, A Brief History of Time (1991), Hawking (2004), The Theory of Everything (2014)...
* Stephen Hawking trong phim "The Big Bang Theory"
Ngoài nghiên cứu khoa học, Stephen Hawking còn dành thời gian viết sách.
Ông nỗ lực chuyển tiếp ý nghĩ của mình thông qua các hệ thống máy móc hỗ trợ giao tiếp. Nhiều học trò của Stephen đã hỗ trợ nhà khoa học soạn bản thảo, cho ra đời cuốn A Brief History of Time (Lược sử thời gian). Tác phẩm tổng hợp các kiến thức khoa học phổ thông, lý giải nhiều chủ đề của vũ trụ học, trong đó có lý thuyết Big Bang, Lỗ đen, Nón ánh sáng cho những độc giả không chuyên sâu. Ra đời năm 1988, A Brief History of Time từng đứng trong danh sách bán chạy của London Times Sunday trong 237 tuần. Đến nay, sách bán ra mười triệu bản trên toàn thế giới.
Sau A Brief History of Time, Stephen Hawking tiếp tục cho ra đời một loạt tác phẩm ăn khách, gồm: Black Holes and Baby Universes and Other Essays (1993), The Universe in a Nutshell (2001), On The Shoulders of Giants - The Great Works of Physics and Astronomy (2002), A Briefer History of Time - viết chung với Leonard Mlodinow (2005), God Created the Integers: The Mathematical Breakthroughs That Changed History (2005), The Grand Design - viết chung với Leonard Mlodinow (2010). Trong các tác phẩm của mình, Stephen Hawking có xu hướng giản lược các kiến thức về vật lý, vũ trụ, trình bày chúng một cách hệ thống, đơn giản, dễ hiểu.
Đến năm 2007, ông hoàn thành tâm nguyện xuất bản một cuốn truyện thiếu nhi. Nhà khoa học cùng con gái Lucy ra mắt tác phẩm George's Secret Key to the Universe (bản tiếng Việt: Chìa khóa vũ trụ của George). Cuốn sách là câu chuyện hư cấu về chàng trai trẻ George - người vô tình được chú hàng xóm Eric đưa vào cuộc khám phá không gian bao la. Trong quá trình thám hiểm, George gặp lũ người xấu và buộc phải ngăn chặn chúng sử dụng cỗ máy không gian Cosmos thông minh vào mục đích xấu xa. Tác phẩm lồng ghép nhiều kiến thức về vũ trụ. Sau đó, Stephen Hawking và con gái tiếp tục hoàn thiện hai tập sau của bộ truyện là George's Cosmic Treasure Hunt (2009) và George and the Big Bang (2011).
Năm 2010, nhà khoa học thử sức với vai trò biên kịch khi cùng kênh Discovery thực hiện series phim tài liệu Into the Universe with Stephen Hawking. Phim nói về nhiều đề tài như du hành thời gian, người ngoài hành tinh, sự tồn tại của Chúa... dưới góc nhìn của Hawking.
Stephen Hawking từng nói: "Vũ trụ sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu đó không phải nhà của những người bạn yêu thương". Câu chuyện về cuộc đời của ông là minh chứng cho trí tưởng tượng, sức sáng tạo phi thường của con người, đồng thời lan tỏa những cảm xúc tốt đẹp cho nhân loại.
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 ở Oxford, Anh. Ông được nhận vào Đại học Oxford để nghiên cứu khoa học tự nhiên năm 1959 trước khi học thạc sĩ ở Đại học Cambridge năm 1963. Cùng năm, Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh về tế bào thần kinh vận động và dự đoán chỉ có thể sống thêm hai năm. Ông nêu giả thuyết về hố đen phát ra "bức xạ Hawking" năm 1974. Câu chuyện cuộc đời ông là chủ đề của bộ phim Theory of Everything năm 2014 do Eddie Redmayne thủ vai. |
Hà Thu