Sau khi ra mắt Saigon Yo! hồi cuối tháng 4, đạo diễn gốc Việt Stephane Gauger đã có mặt tại Hà Nội từ ngày 5 đến 20/5 để hướng dẫn gần 30 học viên của lớp học Dự án điện ảnh quỹ Ford thực hiện bộ phim ngắn tốt nghiệp. Anh đảm nhiệm vai trò giám đốc, chịu trách nhiệm sản xuất và cố vấn nghệ thuật cho những bạn trẻ đam mê điện ảnh nhưng hầu như chưa từng tham gia làm phim.
Đạo diễn Stephane Gauger nổi tiếng với các phim 'Cú và se sẻ', 'Saigon Yo!'. Ảnh: st. |
Với kinh phí tối đa là 2.000 USD và thời hạn 15 ngày, tất cả học viên Dự án điện ảnh phải phân thành các nhóm từ sản xuất, đạo diễn cho tới thiết kế bối cảnh, làm hậu kỳ... Họ phải chuẩn bị mọi thứ từ khâu lên ý tưởng kịch bản, tuyển diễn viên, lo tiền kỳ cho tới tìm bối cảnh, sản xuất, phát hành cho sản phẩm của mình. Tất cả đều được thực hiện theo trình tự và nghiêm túc.
Với kinh nghiệm chuyên làm phim độc lập kinh phí thấp, Stephane Gauger đã giúp các bạn trẻ yêu điện ảnh lần đầu làm phim hoàn thành đúng lịch trình với các mục tiêu đề ra. Đồng thời, anh cũng khuyến khích các nhóm chủ động, tham gia càng nhiều càng tốt và học hỏi kinh nghiệm trên trường quay. Phim ngắn Sweeten (Chiều ngọt) là thành quả đạt được của họ sau 15 ngày.
Câu chuyện của phim khá đơn giản, chỉ như một lát cắt của cuộc sống. Sweeten nói về một buổi chiều ẩn nấp tình cờ của hai cô cậu học sinh cấp 3 và sự ngọt ngào không chờ đợi. Bộ phim chỉ có vỏn vẹn 5 diễn viên và đều là những người nghiệp dư để tạo cảm giác gần gũi, tươi mới như phong cách mà những bộ phim ngắn độc lập đem lại cho người xem.
Sweeten chỉ quay tại một bối cảnh, một thời điểm và có độ dài khoảng gần 10 phút. Đạo diễn Stephane Gauger cho biết, vì đa số học viên Dự án điện ảnh đều chưa bao giờ làm phim nên anh cố gắng hướng dẫn họ hoàn thành một phim ngắn cơ bản nhất, để từ đó gần 30 thành viên trong lớp có thể thực hành và tích lũy kinh nghiệm cho những tác phẩm sau này.
Đạo diễn Stephane Gauger cùng một số thành viên của lớp K6 trên trường quay 'Chiều ngọt'. |
Lần đầu tiên sản xuất một bộ phim, lớp K6 đều bỡ ngỡ nhưng cũng đầy hào hứng và quyết tâm. Những va vấp ban đầu và khó khăn là khó tránh khỏi, như áp lực phải hoàn thành phim trong 15 ngày, kịch bản xuất phát từ ý tưởng chung của tập thể, tìm kiếm bối cảnh, khó khăn trong việc tuyển diễn viên do phim có đến ba diễn viên trung tuổi, trong khi kinh phí và tiêu chí của một bộ phim sinh viên không đủ điều kiện để mời diễn viên chuyên nghiệp.
Không những thế, nhiều sự cố bất ngờ trong ngày quay thử như chập điện, mất điện, trời đổ mưa... khiến nhiều người hoang mang. Câu hỏi mà tất cả đều đặt ra cho giáo viên hướng dẫn, đạo diễn Stephane Gauger là: "Vị trí của em làm gì? Em phải phối hợp với nhóm khác ra sao?". Sau hai ngày quay, nhóm hậu kỳ bắt đầu làm việc. Những thành viên khác thì chuẩn bị cho ngày ra mắt phim, với đầy đủ các khâu như đặt rạp, chuẩn bị tiệc và danh sách khách mời...
Đặng Hải Quang, 26 tuổi, thuộc nhóm sản xuất của phim Chiều ngọt, chia sẻ: "Lúc đang trong không khí căng thẳng, vội vã của ngày quay thứ hai, tôi mới biết rằng từ trước tới giờ mình chưa từng xin lỗi ai trong lớp. Tôi chợt nhận ra công việc của nhà sản xuất thực chất là gì, đó là giải quyết mâu thuẫn giữa những người khác, và tạo mâu thuẫn với mình" (cười).
Poster bộ phim ngắn 'Sweeten' (Chiều ngọt), thành quả sau 15 ngày của các học viên K6 Dự án điện ảnh dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Stephane Gauger. Ảnh: Ly Mai Phạm. |
Từ năm 2005, với mong muốn đào tạo và phát triển những tài năng viết trẻ ở lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và báo chí tại VN trong khoảng thời gian ngắn nhất, Dự án Điện ảnh (The Film Studies Program) do quỹ Ford kết hợp với Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn mở một khóa học 10 tháng phi lợi nhuận hàng năm dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng trên toàn quốc có niềm đam mê điện ảnh, truyền hình và báo chí.
Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được chứng chỉ một trong hai chuyên ngành: Biên kịch hoặc Lý luận phê bình điện ảnh. Trong sáu tháng học lý thuyết tại Dự án, chuyên đề làm phim ngắn (Shooting Script Workshop) này là thời gian mà các sinh viên háo hức mong đợi nhất, khi cả lớp chung tay thực hiện một bộ phim ngắn dưới sự hướng dẫn của một đạo diễn nổi tiếng, với một khoản kinh phí được giới hạn.
Mục đích của Chuyên đề làm phim này là giúp những sinh viên chuyên ngành viết về điện ảnh và truyền thông có được kinh nghiệm trong tất cả giai đoạn của sản xuất và chiếu phim, từ xây dựng ý tưởng kịch bản, làm tiền kỳ, quay phim, hậu kỳ và ra mắt. Thời hạn hơn 10 ngày cũng nhằm mục đích để những người lần đầu làm phim phải làm việc trong áp lực, và học được cách cùng hợp tác để tiến tới một mục tiêu chung.
Khóa 6 là khóa cuối cùng của Dự án Điện ảnh. Các đạo diễn Đặng Nhật Minh (phim Đừng đốt), Phan Đăng Di (phim Bi, đừng sợ), Phạm Nhuệ Giang (phim Thung lũng hoang vắng), nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn (phim Ngõ đàn bà), tiến sĩ Phạm Xuân Thạch và tiến sĩ người Mỹ Dean Wilson là những giáo viên của khóa học này.
Đạo diễn người Thái Lan Apichatpong (giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm ngoái), từng tới Dự án điện ảnh quỹ Ford giảng dạy sinh viên Khóa 2 vào năm 2006 với tư cách khách mời. Ảnh: Cannes. |
Bên cạnh đó, hàng năm lớp học Dự án điện ảnh còn có các giảng viên khách mời là những giáo sư, nhà sản xuất, biên kịch nổi tiếng trong và ngoài nước như Vincent Ngô (biên kịch phim Hancock), Charlie Nguyễn (đạo diễn Để Mai tính), Victor Vũ (đạo diễn Cô dâu đại chiến), Lê Thanh Sơn (đạo diễn Bẫy rồng), đạo diễn Thái Lan Apichatpong (từng được giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2010 với phim Uncle Boomee Who Can Recalls His Past Lives)...
Nguyễn Hoàng Quý Hà và Nguyễn Thái Hà - hai sinh viên Khóa 1 của Dự án điện ảnh - sau khi kết thúc khóa học từ năm 2006 đã nhận được học bổng của quỹ Ford theo học tại Đại học Điện ảnh Nam California (Mỹ). Mỹ Dung và Mạnh Tuân - hai sinh viên Khóa 3 - được theo học một khóa đào tại ngắn hạn về điện ảnh tại Hàn Quốc do LHP Quốc tế Pusan (Hàn Quốc) tổ chức. Nguyễn Thanh Bình, sinh viên khóa 5 đạt 3 giải thưởng, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc tại Dự án làm phim 48h - lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, tháng 10/2010.
Các học viên khác đã tốt nghiệp đều lựa chọn công việc viết kịch bản phim hoặc tham gia các đoàn làm phim điện ảnh lớn. Mỹ Trang - khóa 3 trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp. Hồng Tươi - khóa 4 từng làm Trợ lý phục trang trong Giao lộ định mệnh (Victor Vũ), trợ lý đạo diễn cho đạo diễn Charlie Nguyễn trong Long ruồi, Mạnh Tuân - khóa 3 - làm trợ lý đạo diễn cho đạo diễn Phan Đăng Di trong Bi, đừng sợ. Phương Thảo - khóa 5 - hiện là biên tập và biên kịch cho serie phim Những phóng viên vui nhộn...
Dự án điện ảnh do quỹ Ford tài trợ là một dự án phi lợi nhuận, giúp những người yêu điện ảnh tại Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật thứ 7 một cách bài bản và chuyên nghiệp. |
Khóa 3 và khóa 4 từng được làm phim ngắn với sự hướng dẫn của đạo diễn Charlie Nguyễn, khóa 5 là đạo diễn Lê Thanh Sơn và khóa 6 là đạo diễn Stephane Gauger. Anh sinh ra tại Việt Nam nhưng định cư tại tiểu bang Orange, bang California. Stephane tốt nghiệp ngành cử nhân nghệ thuật sân khấu và văn học Pháp tại Cal State Fullerton.
|
Phim đầu tay của anh là Cú và Se sẻ, thuộc dòng phim độc lập kinh phí thấp đã được trình chiếu tại Liên hoan phim Rotterdam 2007 và giành đến 15 giải thưởng quốc tế, đặc biệt hơn cả là giải thưởng do khán giả bình chọn tại LHP Los Angeles (Mỹ), giải thưởng dành cho nhà làm phim triển vọng tại LHP Denver (Mỹ), và giải thưởng phim tự sự hay nhất tại LHP San Francisco Intl. Asian American.
Năm 2009, Cú và Se sẻ đã nhận được một số giải thưởng quan trọng tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng như Phim do báo chí bình chọn, Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất. Tháng 4 vừa qua, Saigon Yo!, bộ phim truyện thứ hai của Stephane Gauger đã ra mắt khán giả Việt Nam. Phim cũng sẽ tham dự LHP quốc tế Seattle (Mỹ) vào cuối tháng này.
Nguyên Minh