Mới ra mắt, nhưng Stellantis đã lập tức trở thành hãng xe lớn thứ 4 thế giới với hầu bao đủ lớn để chuyển hướng sang sản xuất xe điện cũng như đối đầu với những đối thủ sừng sỏ như Toyota và Volkswagen.
Mất hơn một năm để hãng xe Italy-Mỹ là Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và tập đoàn Pháp Peugeot S.A. (PSA) đạt thỏa thuận trị giá 52 tỷ USD, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chìm trong sắc màu ảm đạm do đại dịch Covid-19. Kế hoạch lần đầu được công bố vào tháng 10/2019 nhằm tạo ra một tập đoàn với doanh số hàng năm khoảng 8,1 triệu xe.
Trong thông báo chung, hai bên cho biết: "Sự sáp nhập giữa PSA và FCA dẫn tới việc tạo ra Stellantis N.V. trở thành hiện thực hôm nay". Ở Stellantis, mỗi đối tác nắm 50% cổ phần. Logo của tập đoàn gồm chữ "Stellantis" - nghĩa là "tỏa sáng cùng những vì sao" - với những chấm tròn vây quanh chữ A.
Stellantis cũng sẽ gồm tổng cộng 14 thương hiệu con. Dưới sự sở hữu hiện nay của FCA gồm Ram, Jeep, Dodge, Chrysler, Fiat, Alfa Romeo, Maserati, Abarth và Lancia. Còn PSA có trong tay các thương hiệu gồm Peugeot, Citroen, Opel, Vauxhall và DS.
Cổ phiếu của Stellantis sẽ lên sàn chứng khoán Milan (Italy) và Paris (Pháp) từ 18/1, và lên sàn chứng khoán New York (Mỹ) từ 19/1.
Giờ đây, các nhà phân tích và đầu tư đang hướng sự tập trung vào cách Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của PSA, lên kế hoạch trước những thách thức khổng lồ của tập đoàn. Tavares sẽ tổ chức buổi họp báo đầu tiên với tư cách giám đốc điều hành Stellantis vào 19/1, sau khi cùng Chủ tịch John Elkann rung hồi chuông báo hiệu phiên giao dịch bắt đầu ở sàn chứng khoán New York cùng ngày.
FCA và PSA từng nói rằng, Stellantis có thể giúp giảm chi phí hàng năm khoảng 6,1 tỷ USD mà không phải đóng cửa nhà máy.
Marco Santino, một đối tác tại hãng tư vấn luật Oliver Wyman, dự tính Tavares sẽ sớm tiết lộ kế hoạch hành động, nhưng ban đầu sẽ không nêu quá chi tiết.
Cũng giống mọi hãng xe trên toàn cầu, Stellantis cần đầu tư hàng tỷ USD trong vài năm tới nhằm chuyển hóa cấu trúc dòng sản phẩm sang lĩnh vực xe điện. Ngoài ra, những nhiệm vụ đầy áp lực mà Stellantis phải đối diện gồm việc hồi sinh cơ đồ tại thị trường Trung Quốc, hợp lý hóa đế chế khổng lồ trên toàn cầu và giải quyết việc sản xuất dư thừa.
Mỹ Anh (theo Reuters)