Thứ hai, 14/10/2024, 19:00 (GMT+7)

Là một trong những thí sinh góp mặt tại chung kết cuộc thi STEAM For Girls - STEAM Xanh cho nữ sinh 2024, Phạm Thủy Linh, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Giang), có cơ hội được cùng nữ sinh nước khác đề xuất ý tưởng khoa học, công nghệ, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Việc được các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong nghiên cứu giáo dục, năng lượng, môi trường trực tiếp tư vấn, góp ý, giúp em tiếp cận những kiến thức mới, học hỏi thêm từ đội đối thủ...

Hành trình của Thủy Linh và 68 thí sinh nữ tại STEAM For Girls diễn ra từ 30/9 đến 4/10. Xuyên suốt cuộc thi, các em được trải nghiệm, khám phá nhiều hoạt động liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật.

Đích đến cuối cùng nhằm tiếp thêm đam mê, động lực theo đuổi lĩnh vực này cho các học sinh nữ. Sau 5 ngày cùng tranh tài, sinh hoạt, giao lưu, tất cả thí sinh trở nên tự tin hơn, không ngại vượt qua giới hạn bản thân, hiến kế giúp xã hội, đất nước phát triển bền vững.

Dự án "Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và giải pháp giúp khắc phục" của nhóm Thủy Linh là một trong 23 giải pháp được trình bày trước ban giám khảo tại vòng chung kết. Trong đó, ba giải cao nhất thuộc về các dự án: Năng lượng sinh khối - Biến thách thức thành cơ hội; Green living locally - Xây dựng không gian sống xanh địa phương; và Laugh and learn, climate change, funny course.

Nhóm I7 của Thủy Linh cùng hai nữ sinh nước ngoài, Thanyaporn Penkaew (Thái Lan) và Sengthip Nouanpaseuth (Lào), đề xuất giải pháp tìm về nguồn cội của biến đổi khí hậu. Theo nhóm, việc biết rõ nguyên nhân giúp việc nghiên cứu, khảo sát và đưa ra giải pháp diễn ra hiệu quả, nhanh chóng. Phần trình bày cung cấp số liệu chi tiết, giải pháp thiết thực giúp các em lọt top dự án.

Với dự án "Năng lượng sinh khối - Biến thách thức thành cơ hội", nhóm J3 với ba nữ sinh Việt Nam đề xuất tận dụng rác thải sinh khối ở địa phương miền núi để biến chúng thành năng lượng. Phương án được các em gợi ý là áp dụng quy trình ủ rác thải sinh khối để tạo ra khí biogas. Đây là loại khí không gây nguy hại cho sức khỏe con người, có thể làm nhiên liệu đốt thay nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than, củi, rơm rạ...), hoặc sản xuất điện năng.

Hai nhóm đạt giải xuất sắc còn lại cũng có những ý kiến sáng tạo, độc đáo, được ban giám khảo đánh giá có tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng trong tương lai nếu được nghiên cứu sâu về quy trình và tính hiệu quả.

Đơn cử như dự án "Laugh and learn - Climate change, Funny course" của nhóm I6. Các em đề xuất Bộ Giáo dục xây dựng khóa học gồm video, sách pop-up (sách hình 3D), cùng một bài kiểm tra nhỏ. Nội dung nói về các cơn bão lịch sử và giải pháp phòng chống bão hiệu quả từ xưa đến nay.

"Green living locally - Xây dựng không gian sống xanh địa phương" của nhóm ba nữ sinh Việt, Malaysia, Thái Lan đề xuất hai sản phẩm là thùng rác tự phân loại và chậu cây sáng tạo. Các em cho rằng xử lý rác tự động và tái sử dụng trong nông nghiệp là cách hiệu quả nhất để loại bỏ chúng mà vẫn mang lại lợi ích nhất định.

Với những sáng kiến trên, các thí sinh STEAM For Girls góp phần chứng minh năng lực và óc sáng tạo không giới hạn dù chỉ đang ở bậc Trung học cơ sở. Đây cũng là nhận xét của bà Lê Anh Lan, Chuyên gia giáo dục UNICEF, thành viên ban giám khảo cuộc thi.

Theo bà, 23 dự án chung kết về chủ đề kỹ năng STEAM xanh, năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu đều đạt các tiêu chí đề bài đưa ra. Phần trình bày của các em không chỉ thể hiện kỹ năng thuyết trình, nói trước công chúng mà còn đạt tính sáng tạo, thực tiễn, lợi ích, hiệu quả và phù hợp với từng địa phương.

Trước vòng chung kết diễn ra tại trường Victoria School - Nam Sài Gòn, ban tổ chức STEAM For Girls tạo điều kiện để thí sinh thư giãn, tìm hiểu thêm về văn hóa, cảnh sắc TP HCM vào ngày 1/10. Các em được tham quan, trải nghiệm tại Học viện Hàng không Vietjet Trung tâm đổi mới sáng tạo GIHub và Triển lãm nghệ thuật tương tác Van Gogh và Monet.

Linh cho biết trải nghiệm này giúp ích rất nhiều cho dự án của các em. Chuyến tham quan giúp học sinh hình dung được những ý tưởng, dự án mình nghĩ ra sẽ được triển khai, ứng dụng thế nào. Ngoài ra, cơ sở vật chất cùng hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại tại các điểm đào tạo và trường học thông minh Victoria School - Nam Sài Gòn, khiến các em có thêm sự yêu thích, động lực theo đuổi ngành học này trong tương lai.

Đồng thời, việc tham gia cuộc thi giúp Thủy Linh cùng 68 thí sinh nữ khác có góc nhìn đa chiều và tự tin hơn về định hướng ngành học yêu thích. Những ý tưởng, sáng kiến của các em được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển.

Đây cũng là mục đích chính của ban tổ chức khi tổ chức cuộc thi STEAM For Girls tại Việt Nam. Cuộc thi do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức.

Hoạt động cuối cùng trong chuỗi hành trình tại cuộc thi là diễn đàn "Giáo dục về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu", diễn ra sáng 4/10. Sau 4 ngày thi, các học sinh nữ đã được trực tiếp đóng góp ý kiến, giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan chương trình học STEAM và giải pháp bền vững trong giáo dục. Những thông số, báo cáo được các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn giúp học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có thêm tư liệu cho những bài luận, kế hoạch giảng dạy tương lai.

Trình bày tại diễn đàn, bà Lê Anh Lan cho biết giáo dục STEAM, đặc biệt là STEAM xanh, có vai trò quan trọng trong việc trang bị kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên. Các số liệu thống kê từ tổ chức này cho thấy lượng nữ sinh chọn học ngành khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering), nghệ thuật (arts) và toán học (Mathematics) thấp hơn rất nhiều so với nam giới.

Càng lên cao trong học tập, tỷ lệ học sinh nữ theo đuổi các ngành này càng giảm. Điều này ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp. Từ đó, UNICEF mong muốn thay đổi nhận thức xã hội về năng lực của nữ giới, để họ tự do lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sở thích, khả năng, không bị giới hạn bởi định kiến giới.

Đó cũng là cam kết của GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng ban tổ chức cuộc thi. Ông cho biết STEAM For Girls không phải "đấu trường" mà là sân chơi để các em thỏa sức tận hưởng, học hỏi và sáng tạo.

"Đây sẽ là bước đệm quan trọng, giúp những sáng kiến mới lạ, hữu ích và có phần ngây ngô của các em được ươm mầm, tưới nước, từng bước trở thành hiện thực", Giáo sư Vinh nêu.

Đồng thời, ông kỳ vọng trong tương lai, các thí sinh STEAM ẽ có những đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội. Chính các em sẽ góp phần thay đổi cách nhìn nhận vai trò nữ giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật nói chung.

Nội dung: Thy An - Thiết kế: Ngân Hà - Ảnh: Thanh Tùng - Quỳnh Trần