Ra đời từ 2018, Vbee chuyên phát triển giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và trí tuệ nhân tạo đàm thoại. Trợ lý ảo AI của họ có khả năng nghe, hiểu và phản hồi bằng tiếng nói (callbot) hoặc văn bản (chatbot).
Nguyễn Thị Thu Trang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin (CTO) Vbee cho biết khi AI chưa phát triển thì chất lượng trợ lý ảo thấp và rất "máy". Tiến bộ công nghệ giờ giúp họ tạo ra tương tác tự nhiên hơn, hỗ trợ thực hiện những việc không quá phức tạp nhưng có thể nhàm chán và khó kiểm soát.
Startup này hiện có hơn 2 triệu người dùng cuối, trên 300 doanh nghiệp sử dụng sản phẩm và giải pháp nền tảng hội thoại AI, chủ yếu trên nền điện toán đám mây. Tại chung kết Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC 2024) vừa qua, Vbee là quán quân, nhận được giải 100.000 USD.
Cũng ứng dụng AI, Olli Technology gần đây phát triển "BuddyOS for AI Toys" - hệ điều hành dùng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) giúp các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm đồ chơi thông minh có khả năng tương tác với trẻ em.
Hải Tạ, đồng sáng lập kiêm CEO Olli nói ứng dụng AI là xu hướng, công cụ giúp dự án tạo khác biệt. "Sức mạnh của GenAI giúp phát triển ngôn ngữ, tương tác thông minh giữa trẻ em và đồ chơi", anh nói. Hệ điều hành của họ đang trong giai đoạn thương thảo với một số đối tác chiến lược để tích hợp vào sản phẩm.
Trí tuệ nhân tạo gây chú ý thời gian qua nhờ các tiến bộ trong công nghệ máy học (machine learning), học sâu (deep learning). Điều này giúp AI, đặc biệt là GenAI, đạt được các bước tiến trong nhiều lĩnh vực như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thu hút quan tâm của các tập đoàn công nghệ và giới đầu tư.
Tại Việt Nam, AI trở thành một trong các xu hướng ứng dụng của các startup gần đây. Chỉ riêng tại QVIC 2024, 70% các giải pháp tham dự ở nhiều lĩnh vực khác nhau như AI, IoT (Internet vạn vật), tự động hóa, công nghệ y tế, đô thị thông minh... đều ứng dụng AI. Hơn nửa dự án trong top 10 của cuộc thi này ứng dụng AI.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Qualcomm Việt Nam, thành viên Ban giám khảo QVIC 2024 cho biết các startup tận dụng AI nhằm tối ưu hóa giải pháp và tăng cạnh tranh cho sản phẩm. Điều đó cho thấy các công ty khởi nghiệp Việt đã bắt kịp xu thế và sẵn sàng cho đấu trường quốc tế, theo bà Thảo.
Các startup cho rằng họ ứng dụng AI không phải để "bắt trend" mà nhận ra nhu cầu ứng dụng của thị trường và hấp dẫn nhà đầu tư. Báo cáo của Hiệp hội kế toán CPA Australia cho biết, cứ 10 doanh nghiệp Việt được hỏi thì có 8 nói đã dùng AI trong 12 tháng qua, cao hơn trung bình khu vực là 69%.
Đa phần AI sử dụng vào một số thời điểm nhất định nhưng dự báo tăng trong 12 tháng tới, khi các doanh nghiệp tin tưởng hơn. "AI không chỉ là khẩu hiệu, xu thế mà dần đi vào đời sống và sản xuất trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng", bà Thu Trang - CTO Vbee nói.
Nền tảng dữ liệu và nghiên cứu thị trường Markets And Data (Singapore) cho biết thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam có quy mô 470 triệu USD năm 2022, dự kiến đạt 1,52 tỷ USD năm 2030, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn này là 15,8%.
Theo bà Thảo, AI là cộng hưởng của nhiều năm nghiên cứu và phát triển. Hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn hiện đều xác định AI là một định hướng chiến lược phát triển, cải tiến giải pháp và sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến các startup cũng không nằm ngoài định hướng này.
Song song đó, ứng dụng AI cũng giúp startup thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Thống kê của tổ chức đầu tư mạo hiểm Innoma cho biết 2,5 tỷ USD đã rót vào các startup chuyên về AI tại Đông Nam Á trong hai năm qua. Một báo cáo bởi chuyên gia Albert J Rapha tại Safer Internet Lab, thuộc Đại học Katholieke Leuven (Bỉ) cho biết khoảng 95 triệu USD vốn mạo hiểm rót vào AI tại Việt Nam.
Theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức), tính đến tháng 5, OKXE, Mfast, Teky, Infoplus và Jobhopin là 5 startup AI nhận được nhiều vốn mạo hiểm nhất của Việt Nam, với quy mô gây quỹ 8-15 triệu USD mỗi dự án.
Tại GenAI Summit 2024 mới đây ở TP HCM, các chuyên gia tại Google cho rằng ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và hệ sinh thái startup AI của Việt Nam có thuận lợi về nhân lực và chính sách. TS Lương Minh Thắng đánh giá sinh viên Việt Nam có đam mê toán học, giúp họ có vị thế tốt để vượt trội trong kỷ nguyên mới của lý luận do AI thúc đẩy.
Tuy nhiên, cuộc chơi startup AI cũng không dễ dàng. "Nhà nhà làm AI" khiến mức độ cạnh tranh rất cao. Hải Tạ của Olli nói thách thức lớn nhất khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo là việc doanh nghiệp phải liên tục đổi mới và cải tiến công nghệ để luôn dẫn đầu thị trường.
Điều này đòi hỏi phải đầu tư không ngừng vào nghiên cứu và phát triển, cũng như xây dựng một đội ngũ chuyên gia giỏi về AI. "Tuy nhiên, chính thách thức này mang đến cho chúng tôi cơ hội phát triển mạnh mẽ, bởi trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết", Hải nói.
Bà Thu Trang cho rằng các doanh nghiệp phải tốn nhiều công sức để tạo thói quen người dùng chịu trả tiền cho các giải pháp AI ở Việt Nam. "Chúng tôi tốn khá nhiều chi phí để 'đào tạo' thị trường về việc sử dụng và trả phí cho các sản phẩm, giải pháp AI", chị cho biết.
Trong bức tranh lớn hơn, AI là cuộc chơi của những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Bà Thảo ví dụ với GenAI, các tập đoàn lớn đã bỏ hàng tỷ USD để có cơ sở dữ liệu khổng lồ, mô hình tối ưu trên nhiều thiết bị được phát triển bởi chuyên gia đầu ngành trong thời gian dài.
Do đó, các startup cần tầm nhìn xa, tìm hiểu thị trường sát hơn để định vị và tìm được lối đi riêng. "Với nguồn lực hữu hạn, startup cần thấy được thị trường ngách của mình, giải quyết những bài toán cụ thể và thiết thực mà có thể tận dụng được những nền tảng đã phát triển hiện có", bà Thảo khuyến nghị.
Theo bà, một trong những cách là "đứng lên vai người khổng lồ", tức tận dụng các nền tảng và phần cứng của các tập đoàn lớn, hợp tác chiến lược cùng phát triển.
Ngoài ra, để có hệ sinh thái AI mạnh mẽ, các chuyên gia tại GenAI Summit 24 đề xuất việc hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ. Họ dự kiến Việt Nam cần thêm 100.000 chuyên gia AI trong vòng 5 năm tới.
Tuy vậy, bà Thảo cho rằng cơ quan quản lý cần có chính sách cụ thể để tránh tác động tiêu cực từ AI, bên cạnh sự chủ động từ các startup. "Tôi khuyến nghị startup nên làm đúng từ đầu, chuẩn hóa quy trình, hành động rõ ràng, hướng đến phát triển bền vững và hợp tác lâu dài", bà nói.
Viễn Thông