-
12h45
Triển khai hoạt động Speed Dating
Hoạt động kết nối một - một Speed Dating là một trong những điểm nhấn của Startup Việt. Mỗi startup tham dự sự kiện có thời gian gặp gỡ và trao đổi riêng với các nhà đầu tư cũng như cố vấn khởi nghiệp, từ đó tìm kiếm hướng đi, tham vấn chiến lược phát triển và khai thác cơ hội huy động vốn đầu tư.
Dự kiến tham dự Speed Dating là các cố vấn khởi nghiệp từ Think Zone, Infinity Blockchain, Endeavor, Nextrans, Teko, Genesia... cùng các nhà đầu tư: ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch tập đoàn Winsan, ông Võ Trần Đình Hiếu - CFO tại Quỹ tăng tốc khởi nghiệp VIISA, ông Bùi Ngọc Đức - Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, ông Bùi Thành Đô - Nhà sáng lập và CEO của ThinkZone Ventures...
-
11h57
Tiếp tục phần câu hỏi, một khán giả mong muốn nhận được dự đoán tương lai của ông Phạm Duy Hiếu - Phó chủ tịch Quỹ SVF về niềm tin.
Trả lời vấn đề này, đại diện SVF cho rằng trong niềm tin, không có sự hoài nghi. Có những người đặt niềm tin vào vấn đề tiêu cực, có người đặt niềm tin vào điều tích cực. Mỗi niềm tin đều chứng tỏ startup đang chơi trò chơi dự đoán. Một số người chủ doanh nghiệp đã thành công, tuy nhiên khi bàn giao cho thế hệ tiếp theo, công ty này đã thất bại.
Nếu muốn làm thế nào để dự đoán, startup hãy tìm hiểu về thực trạng của hiện tại, xử lý vấn đề hiện tại thay vì cứ mãi dự đoán về tương lai. Ông Hiếu cho biết đã từng giúp nhiều công ty tạm dừng suy đoán về tương lai, thay vào đó chỉ tập trung vào hiện tại. Vì nếu dự đoán tích cực, bạn sẽ ảo tưởng sức mạnh. Nếu dự đoán tiêu cực, bạn sẽ mất năng lượng.
-
11h50
Khách mời đặt câu hỏi cho chuyên gia
Ông Huỳnh Lai đặt câu hỏi, trong thời đại bình thường mới, làm thế nào để một mô hình kinh doanh từ startup trở nên linh hoạt để thích ứng. Ví dụ tại doanh nghiệp của ông Lai, anh quan tâm đến cơ chế khoán về nhân sự, đối tác, hoặc giải pháp thuê ngoài... và đề nghị ông Phạm Duy Hiếu cho lời khuyên.
Chủ tịch Quỹ SVF cho rằng cơ chế khoán là giải pháp doanh nghiệp có thể nghĩ đến đầu tiên để giải quyết bài toán chi phí và là một điều chỉnh mà doanh nghiệp của ông Hiếu từng làm. Tuy nhiên đây không phải chiến lược, mà chỉ là một giải pháp tình thế doanh nghiệp phải làm. Với kinh nghiệm của anh Hiếu, tỷ lệ khoán bao nhiêu, mức sàn thế nào... tùy ngành nghề, ví dụ nếu bán hàng thì khoán theo doanh thu, không đạt thì thiết lập mức 0 như một đơn vị đối tác truyền thông.
Với doanh nghiệp tư vấn tài chính, cần đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhân viên. Quan trọng, doanh nghiệp cần phải nói chuyện chân thành với đội ngũ, thái độ của mình với tổ chức. Vấn đề không nằm ở chính sách mà nằm ở thái độ, năng lượng của mình với họ như thế nào. Có những giai đoạn ông Hiếu phải đứng trước toàn thể nhân viên và nói lời xin lỗi, sau nhiều năm, đến nay chúng ta vẫn phải đối mặt câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đó là một lời xin lỗi chân thành chứ không phải chiêu trò để cắt giảm quỹ lương của anh em.
Trong khó khăn, ông Hiếu chia sẻ bản thân không nhận lương hay một đồng thu nhập nào để dành toàn bộ quỹ lương cho anh em, giúp nhân viên phần nào vượt qua khó khăn và chọn gắn bó với doanh nghiệp. Có những nhân viên chọn dừng lại, ngay cả thế, doanh nghiệp vẫn tổ chức tri ân và duy trì sự gắn kết.
Từ kinh nghiệm này, Chủ tịch Quỹ SVF nhấn mạnh giải pháp không nằm ở chính sách ăn chia bao nhiêu phần trăm, tất cả chỉ là con số, quan trọng là chiến lược và thái độ. Chính sách cần linh hoạt, ứng biến; thái độ cần duy trì sự chân thành và gắn kết trong lúc khó khăn.
-
11h28
Ông Phạm Duy Hiếu tiếp tục, có rất nhiều người dự đoán về tương lai song lại cả tin vào những dự đoán đó. Tuy nhiên, chính họ lại không biết họ đang chơi trò chơi dự đoán và bị dẫn dắt bởi những dự đoán đó. Theo ông Hiếu, trong trò chơi này, mỗi thành viên nên có những "chú thích", để không tạo nên những tổn thương khi bị thất bại trong tương lai. Khi không quá tin vào một kết quả của tương lai, startup sẽ chấp nhận, lắng nghe nhiều hơn những tư vấn của các chuyên gia. Startup không nên dự đoán về tương lai, không đổ lỗi, chỉ trích cho đồng đội khi gặp biến cố, vấn đề.
Đồng thời, bảo toàn năng lượng tích cực, tỉnh táo luôn là yếu tố giúp doanh nghiệp đứng vững trong mọi biến động. "Đón bình minh", "khát vọng" là tinh thần mà nhà lãnh đạo startup nên có khi quản trị năng lượng. Người lãnh đạo xuất sắc là người quản trị năng lượng tốt, tích cực. Khi có năng lượng tích cực, startup sẽ tránh được bi quan yếu thế. Đại diện Quỹ SVF khuyên startup hãy chăm sóc năng lượng của bản thân.
Thứ ba, ông Phạm Duy Hiếu cho rằng startup nên làm người thực tế. Thực tế của doanh nghiệp thể hiện trong việc điều chỉnh tương tác với khách hàng, điều chỉnh nguồn lực của doanh nghiệp. Ông Hiếu dẫn chứng, trong 3 tháng sau Covid-19, ông đã mang văn hóa điều chỉnh vào công ty.
Mỗi tháng, mỗi kỳ, công ty của ông đều rút ra những điều chỉnh và đưa vào thực tế hành đông. Đó là cách SVF đã đi. Chính sự điều chỉnh đã dẫn đến thành công của SVF trong các đợt covid-19 vừa qua. Nếu bạn nhìn thấy nội dung biên bản các cuộc họp không thay đổi, bạn sẽ biết được kết quả điều chỉnh có hiệu quả hay không.
"Giá trị của một công ty không phải là sản phẩm, tờ giấy phép kinh doanh, con người... mà là 'lý tưởng', là ngọn cờ mà người founder đã dựng lên. Khi ngọn cờ vẫn còn được phất, công ty vẫn còn. Bản chất của thành công của một công ty nằm ở cái tâm bình an, liều lĩnh, kiên trì và không bỏ cuộc của người lãnh đạo", ông Phạm Duy Hiếu - Phó chủ tịch Quỹ SVF khẳng định.
-
11h24
Khó khăn liệu có đến hoàn toàn từ Covid-19?
Ông Phạm Duy Hiếu - Phó chủ tịch Quỹ SVF trình bày một chủ đề khá thú vị "Đừng đổ lỗi cho Covid-19". Ông bắt đầu phần trình bày bằng một chia sẻ "đau đớn", bởi trước đây ông đã từng cổ vũ mạnh mẽ cho một ý tưởng giàu tiềm năng, khiến startup dốc hết tiền bạc để đầu tư, cuối cùng thất bại. Đây là một bài học xương máu cho việc cần nhìn nhận một cách thực dụng, thực tế về năng lực và tiềm năng của startup.
"Tôi đã từng trả lời 'được' và 'không được', đều không đúng. Đến một lần tôi bèn trả lời 'tôi không biết'. Cái duy nhất tôi biết là khi em hành động, sẽ có trải nghiệm, từ đó có bài học, trưởng thành, tiến bộ và thành công", ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ.
-
11h20
Để có thể sống sót qua khủng hoảng này với chi phí hạn chế, CEO Infinity Blockchain Ventures đề xuất giải pháp truy xuất nguồn gốc để khiến khách hàng tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Với động tác truy xuất nguồn gốc, các công ty sử dụng dịch vụ này sẽ biết được thông tin về nguồn gốc, dữ liệu khách hàng để nắm bắt thị trường. Theo ông Cris D. Trần, nông dân thông thường không tiếp xúc nhiều công nghệ, nhưng chính Covid-19 đã thúc đẩy họ phải thay đổi. Ban đầu chỉ là tạo ra một sản phẩm, nhưng sau đó đã có những chuyển biến để thay đổi cho phù hợp.
Theo đó, ông Cris D. Trần đưa ra những vấn đề Startup gặp phải. Thứ nhất, đây là thời điểm doanh nghiệp cần nghĩ ra thêm những phương pháp marketing cộng hưởng bên cạnh các phương pháp truyền thống, để san sẻ rủi ro, chi phí và các tập khách hàng khác nhau. Thứ hai, Covid-19 là thời điểm để doanh nghiệp "cắt gọt" những điểm chưa phù hợp, "bồi bổ" những thế mạnh. Thứ ba, văn hóa truyền thông là vấn đề doanh nghiệp cần lưu tâm, nhà lãnh đạo cần minh bạch với đội ngũ về thể trạng và định hướng của công ty, xây dựng tinh thần đồng lòng, đồng cảm trong nhân viên để cùng đưa công ty đi lên.
"Trong covid, không có bất kỳ công thức thành công nào cho doanh nghiệp mà cần linh hoạt cũng như áp dụng tất cả các thế mạnh đang có để phát triển doanh nghiệp", ông Cris D. Trần nói.
-
11h11
Ông Cris D. Trần cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam rất may mắn khi Covid-19 được kiểm soát tốt, trong đó nền kinh tế Malaysia gần như đóng băng từ đầu năm, họ bước vào giai đoạn cách ly xã hội lần ba. Diễn giả này chia sẻ câu chuyện của một doanh nghiệp kinh doanh phân phối trái cây tại quốc gia Đông Nam Á này. Tương ứng với sự tự hào về những sản vật địa phương như xoài, sầu riêng... của Malaysia, họ cũng vấp phải sự cạnh tranh từ những thị trường khác, chẳng hạn Việt Nam. Một doanh nghiệp đã đến với Blockchain Infinity để tìm kiếm giải pháp truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu trái cây này.
Ngay khi doanh nghiệp đang phát triển giải pháp ứng dụng blockchain cho khách hàng này thì Covid-19 ập đến, do đó giải pháp vốn đã được coi là công nghệ cao vẫn phải thay đổi một lần nữa để thích ứng với giai đoạn cách ly xã hội khá cực đoan tại Malaysia.
"Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp không thể tiếp xúc với tiểu thương, nhà phân phối, bạn hàng, đối tác", ông Cris D. Trần nói.
Trong bối cảnh đó, đơn vị cung cấp giải pháp blockchain đề nghị khách hàng nhìn nhận lại bài toán "nỗi đau" thực sự đang xảy ra, bên cạnh câu chuyện truy xuất nguồn gốc. Theo đó, "nỗi đau" lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là tìm hiểu khách hàng đến từ đâu, làm sao biết được những khoản tiền họ chi ra trong thời điểm này hiệu quả hay không, để từ đó có đối sách tương ứng.
-
11h05
Lĩnh vực vận tải thay đổi ra sao từ Covid-19
Ông Cris D. Trần - CEO Infinity Blockchain Ventures tiếp nối phiên sáng tại Gala Startup Việt 2020 với chủ đề "Bài toán để ngành vận tải tối ưu hóa lợi nhuận mùa Covid-19". Covid-19 thay đổi toàn bộ cách tiếp cận của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ.
Trong khi cuối năm 2019 chúng ta đầy ắp hy vọng và đánh giá tích cực về triển vọng của năm 2020, với tất cả ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam đều dự đoán năm nay sẽ cực kỳ rực rỡ. Nhưng không ai đoán được Covid-19 xuất hiện, không ai mong đợi, nhưng tác động của nó đã quá hiển nhiên và doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.
Làm sao "điểm chạm" quan trọng là vận tải giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể được thay đổi và thích ứng với giai đoạn mới? Các doanh nghiệp mang tâm thái "thay đổi hay là chết" chứ không còn sự tồn tại, vì không thay đổi sẽ dẫn đến tụt hậu và bị xóa sổ chứ không thể tồn tại được giữa biến động không ngừng. Đơn cử các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng đang thay đổi rất nhanh để khách hàng ở nhà vẫn giao dịch được, đảm bảo bảo mật cao và thuận tiện tối đa. Các ngân hàng vốn dĩ là những doanh nghiệp khổng lồ, tương đối chậm thay đổi, nhưng đã có sự nhìn nhận lại và thay đổi rất nhanh.
-
10h50
'Giải pháp số' của người Việt trong đại dịch
Tiếp nối chương trình, bà Lê Diệp Kiều Trang - Sáng lập Quỹ Alabaster cho rằng năm 2020 được gọi là năm chuyển đổi số. Với bà Trang, đây là một năm khó khăn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh offline, song lại là một năm tăng tốc cho các doanh nghiệp online. Câu hỏi được đặt ra, toàn cầu hóa sẽ mang màu sắc gì trong năm 2020?
Theo bà Trang, trong thế giới online, toàn cầu hóa vẫn còn đó và năm 2020 là một dấu mốc cho lĩnh vực này. Thực tế đã chứng minh, năm 2020 thị trường online đã đạt được doanh thu mà trước đó các nhà kinh tế dự đoán phải đến năm 2025 mới đạt tới. Ở thế giới này, mọi người mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Cụ thể, các bạn có thể hình dung, thế giới online là thế giới dẫn dắt tiêu dùng. Mạng xã hội và video dạng ngắn trở thành nền tảng tìm kiếm sản phẩm khi khách hàng có nhu cầu mua sắm. Điều nãy dẫn đến một sự thay đổi trong thế giới tài chính. Theo đó, lượng người tiêu dùng giảm mạnh, vấn đề trả tiền không tiếp xúc trở nên quan trọng. Năm 2020 còn là dấu mốc thay đổi của toàn cầu. Trước đây, online chưa phải là thiết yếu, nhưng trong 10 năm tới, thế giới online là lựa chọn bắt buộc phải có.
Trong phần trình bày, nhà sáng lập Quỹ Alabaster chia sẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp về câu chuyện chuyển mình của công ty Arevo (Mỹ), ứng dụng AI và Digital trong công nghệ in 3D sợi carbon vào tháng 7/2020. Với sự chuyển đổi này, khi cả thế giới gần như tê liệt vì Covid-19, công ty này đã gọi vốn được hơn 7 triệu USD để quảng cáo online, tiếp cận 29 triệu khách hàng, bán ra hơn 3.000 sản phẩm, tương đương với việc "bỏ ra một đồng, thu về 5,3 đồng". Đây là chương trình lớn nhất trong lịch sử của công ty này.
Đánh giá về thế giới online, bà Trang cho rằng chuyển đổi số mở ra sự công bằng cho tất cả doanh nghiệp và bình đẳng thị trường. Thế giới hôm nay chúng ta nói về "new normal", vậy thì sau Covid-19, thế giới sẽ như thế nào. Bà Trang cho rằng Covid rồi sẽ qua, ánh sáng cuối đường hầm sẽ tới. Và thế giới này sẽ không giống trước đây, mọi người sẽ kết nối với nhau, vẫn bền chặt, nhưng trên nền tảng online.
"Câu chuyện chuyển đổi số là câu chuyện bắt buộc phải có cho tất cả doanh nghiệp dù bắt đầu từ bây giờ, vẫn chưa phải là muộn", bà Lê Diệp Kiều Trang nhận định.
-
10h43
Ông Huỳnh Công Thắng chia sẻ, một startup FMCG doanh thu 6 tỷ trong năm 2019, rớt xuống 200 triệu trong Covid-19, gần bên bờ vực đóng cửa doanh nghiệp. Do đó một điều quan trọng điều phối viên nhấn mạnh, startup cần nhìn rõ được thực lực, giá trị đến từ đâu. Ví dụ khi tăng trưởng đến từ những liên minh bán lẻ, thì khi mô hình này không còn hiệu quả trong Covid-19, cần tìm cách thay đổi.
Điều phối viên cũng nhấn mạnh đến giá trị của sự chia sẻ, tính liên kết của các doanh nghiệp với nhau và doanh nghiệp với cộng đồng. Ông Nguyễn Thành Long cho rằng tinh thần của người Việt Nam là tương thân tương ái, do đó với doanh nghiệp cũng vậy, Tiki tin rằng giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình. Do đó Tiki luôn cố gắng kết nối, hỗ trợ các đối tác và người tiêu dùng.
Còn ông Phạm Văn Tam chia sẻ, từ tất cả những kinh nghiệm đã trải qua, sự liên kết của doanh nghiệp là điều động viên, khích lệ và bảo vệ nhau từ chính những doanh nghiệp, đối tác, bạn hàng. Khó khăn là cơ hội để các doanh nghiệp gần gũi hơn.