Tập 3 Shark Tank - Thương vụ Bạc tỷ mùa bốn diễn ra hôm 16/5 thu hút người xem với những màn giằng co startup từ dàn "cá mập". Một trong những cuộc thương thuyết thu hút sự quan tâm của khán giả là Robert Thorwath, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Lock Cuff với sản phẩm khóa chống trộm cho xe máy.
Trong phần trình bày ý tưởng, Robert cho biết Việt Nam là thị trường tiêu thụ xe máy nhiều. Tuy nhiên, các loại khóa chống trộm hiện chưa tiện dụng, đặc biệt với phụ nữ. Do đó, Robert đã kết hợp chiếc còng tay với một cái khóa để tạo ra một loại khóa mới, giúp khóa chặt dây phanh và tay ga với nhau. Theo vị CEO này, cho dù có bị cắt dây phanh, xe cũng không chạy được vì không thể vặn tay ga.
Robert chia sẻ, tuy là người Mỹ nhưng ông có tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam. Khi bắt đầu hình thành ý tưởng và tìm nhà sản xuất để tạo khuôn mẫu và sản phẩm, có một công ty New Zealand đã tiếp cận, đề nghị ông hợp tác. Robert đã từ chối lời mời này với lý do "Lock Cuff được sinh ra ở Hà Nội nên nó sẽ ở Việt Nam thôi, tôi sẽ không sản xuất nó ở một quốc gia nào khác Việt Nam".
Từ đó, toàn bộ nguyên liệu tạo ra chiếc khóa đều sản xuất tại Hà Nội. Quy trình sản xuất không dùng nhựa, thân thiện với môi trường. Hiện Lock Cuff bán một chiếc khóa chống trộm với giá 275.000 đồng. Robert cho biết đã sản xuất đợt đầu 500 chiếc từ ngày 3/3 và bán hết sạch hàng ngay khi sản phẩm vừa ra thị trường.
Nhận thấy tiềm năng, chất lượng và giá cả phù hợp của sản phẩm Lock Cuff tại thị trường Việt Nam, Shark Phú đã lên tiếng, dùng hệ sinh thái Sunhouse của mình để thu hút startup này. "Tôi có nhà xưởng với mọi loại máy móc có thể làm mẫu cho anh. Tôi có hệ thống bán hàng. Tất cả đều đã sẵn sàng", Shark Phú nói.
Robert còn nhận thêm nhiều câu hỏi về mô hình, hướng đi trong tương lai. Robert đã trình bày kế hoạch cải tiến sản phẩm nếu tương lai xe máy bị thay thế bởi các loại xe mới thân thiện môi trường. CEO Lock Cuff khẳng định, điều ông cần nhất hiện nay là người sản xuất sản phẩm.
Shark Phú đưa ra con số hai tỷ cho 30% kèm theo những lợi thế như có toàn bộ nhà máy sản xuất, hệ thống bán hàng, nhân lực quản lý. "Nếu chúng ta hợp tác, anh không cần đầu tư gì cả", Shark Phú nói. Tuy nhiên, CEO startup chỉ đồng ý với con số hai tỷ đồng cho 10%, vì ông tự tin vào sáng chế của mình.
Ngoài Shark Phú, cả Shark Bình và Shark Liên cũng đưa ra đề nghị đầu tư kèm cam kết hấp dẫn cho startup này. Trong chương trình, Shark Bình tuyên bố sẽ "đặt cọc" luôn nếu startup chọn mình. Shark Liên cũng dành lời khen cho "ông Tây" CEO khi đã tinh tế chú ý đến vấn đề nhiều phụ nữ đang gặp phải khi đi xe máy.
Để chiêu mộ startup về đội, Shark Phú đồng ý con số CEO Lock Cuff đưa ra. Ông tiếp tục dùng hệ sinh thái, nhà máy, hệ thống phân phối để thuyết phục startup này: "Hãy chú ý, sau lưng chúng ta có một hệ thống rất lớn từ xưởng tới 2.000 nhân công, máy móc và thiết bị. Mọi máy móc, mẫu, phương pháp có thể phát triển sản phẩm cho anh dễ dàng".
Với nhu cầu cần hệ thống sản xuất của Sunhouse, đồng thời xác định tiền không phải tất cả, CEO Lock Cuff đã lựa chọn lời mời đầu tư của Shark Phú, giúp Shark bổ sung thêm một startup vào hệ sinh thái đầu tư của mình.
Chia sẻ lý do đầu tư cho Lock Cuff, Shark Phú cho biết, ông nhìn thấy tiềm năng thị trường sản phẩm lớn của Lock Cuff với sản phẩm khóa ngay trên tay ga, thuận tiện và nhỏ gọn cho người dùng. Mức giá của sản phẩm phù hợp với người dùng Việt, tương đồng với nhóm khách hàng chủ lực hệ sinh thái sản xuất Sunhouse đang nhắm đến.
Hà Thanh (Ảnh: Shark Tank)