Đây là vòng gọi vốn Pre-Series C do BAce Capital và Sun Hung Kai đồng dẫn dắt. Loship là khoản đầu tư đầu tiên của hai đơn vị này vào thị trường Việt Nam. BAce Capital được biết đến như quỹ đầu tư hậu thuẫn bởi Alibaba và Ant Financial của tỷ phú Jack Ma. Trong khi đó, Sun Hung Kai là công ty hàng đầu về đầu tư thay thế của Hong Kong.
Nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để tăng cường sự hiện diện và hoạt động của Loship tại 5 thị trường chính gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Biên Hòa. Đồng thời, startup có kế hoạch mở rộng đến nhiều địa phương khác, đầu tư nâng cấp công nghệ, mở rộng hệ thống đối tác và thúc đẩy tăng trưởng mảng dịch vụ B2B.
Đây là khoản đầu tư thứ hai trong năm nay mà startup giao đồ ăn và thương mại điện tử này nhận được. Hồi tháng 2, nhà đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings, cũng đã rót tiền.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship cho biết, đích đến của doanh nghiệp là trở thành công ty thương mại điện tử giao hàng trong một giờ hàng đầu cả nước.
Tại Việt Nam, khái niệm khách mua hàng trực tiếp trên ứng dụng và được giao trong một giờ còn chưa được biết đến rộng rãi, tuy nhiên mô hình này đã rất phổ biến trên thế giới. Có nhiều công ty cùng lĩnh vực tại Mỹ như DoorDash, Gopuff hoặc tại châu Âu là Getir và Trung Quốc đại lục có Meituan Dianping, DingDong. Mục tiêu của Loship là khách hàng không chỉ ngồi tại nhà mua đồ ăn được giao liền, mà còn cả bó rau, con cá, mỹ phẩm hay sạc pin điện thoại...
"Chúng tôi đã là công ty tiên phong tại Việt Nam trong ba năm nay và sẽ tiếp tục cố gắng để hiện thực hóa tham vọng này với mục tiêu mọi thứ đều có thể giao trong một giờ", ông Trung nhấn mạnh.
Theo đại diện Loship, khoản đầu tư mới sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ giao hàng và nắm bắt các cơ hội mở rộng thị trường. Doanh nghiệp này xác định, Covid-19 là cơ hội phát triển khi nhu cầu đi chợ và giao hàng tăng vọt. Loship đặt mục tiêu từ đây đến cuối năm sẽ có mặt tại ít nhất 10 thành phố và muốn trong vòng hai năm tới, 10% dân số Việt Nam sẽ sử dụng ứng dụng này hằng tháng.
Mặt khác, ông Hoàng Trung thừa nhận có nhiều thách thức phía trước như chất lượng giao hàng, cải thiện cuộc sống của shipper và bổ sung nguồn lực quản trị. Trở ngại nhất vẫn là rào cản gia nhập thị trường không quá lớn, dẫn đến việc trong tương lai có thể xuất hiện nhiều công ty với tiềm lực lớn hơn gia nhập vào thị trường, nhất là các nền tảng thương mại điện tử. Điều này khiến Loship cần nhiều vốn hơn để bảo vệ thị phần và lôi kéo người dùng mới.
"Những chiến lược đều có thể dễ dàng sao chép và cách duy nhất để chúng tôi giải quyết vấn đề này là phải thực dụng, đi nhanh hơn đối thủ", ông Trung nói.
Loship khởi nguồn từ Lozi, ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm những địa điểm, nhà hàng ăn uống. Năm 2017, Lozi chuyển đổi mô hình thành startup giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng trong một giờ. Nền tảng Loship phục vụ mọi nhu cầu giao vận từ di chuyển đến giao nhận thức ăn, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vận chuyển hàng hóa... Đội ngũ hiện có hơn 70.000 tài xế và 200.000 đối tác cửa hàng phục vụ gần hai triệu khách tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Tất Đạt