Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2022, lãi suất tiền gửi đã tăng 4-5%, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng tăng 2,57%, trong khi tỷ suất sinh lời (ROI) của công ty bảo hiểm vẫn ở mức 5,8% - thậm chí thấp hơn mức 7,6% của năm 2021.
Điều này chủ yếu là do lãi suất huy động mới tăng mạnh vào cuối quý III, trong khi VN-Index sụt giảm trong năm.
Tính tới cuối quý III/2022, danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm chủ yếu phân bổ vào tiền gửi (chiếm 51-90% danh mục đầu tư) và trái phiếu chính phủ, một phần nhỏ vào cổ phiếu và các công cụ khác.
Năm 2023, SSI Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhóm này sẽ phản ánh hoàn toàn việc tăng lãi suất huy động đã diễn ra trong năm 2022. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn được hưởng lợi từ việc giảm áp lực dự phòng toán học khi lãi suất kỹ thuật tăng phù hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn trên 10 năm.
"Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023", nhóm phân tích dự báo.
Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến biến động khá mạnh giữa các quý. Tuy nhiên, với mức nền so sánh thấp trong quý II và quý III/2022, SSI cho rằng có thể tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao hơn.
Về hoạt động kinh doanh chính, nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng của hầu hết phân khúc bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào số lượng hợp đồng khai thác mới, thay vì khả năng tăng phí.
Với Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hơn nữa hoạt động "bảo hiểm vi mô", phân khúc mà Bảo hiểm Quân Đội, Bảo Việt và Bảo hiểm Bưu điện đã tích cực triển khai trong năm 2022.
Với các nghiệp vụ bán buôn, động lực tăng trưởng phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công, việc tái khởi động các công trường xây dựng đang dang dở và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc.
Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ cũng được dự báo thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10-12%. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới.
Với bảo hiểm nhân thọ, SSI Research dự báo tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng 16-18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012-2021.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm có nội dung đề xuất các ngân hàng bán chéo bảo hiểm (bancassurance) phải ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn và lưu lại trong 5 năm.
"Thông tư này vẫn chưa được phê duyệt, nhưng hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm qua chi nhánh ngân hàng đang được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của thị trường", báo cáo đánh giá ngành bảo hiểm viết.
Minh Sơn