Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Sri Lanka, Tổng giám mục Colombo, Hồng Y Malcolm Ranjith hôm nay lên án những kẻ đánh bom hàng loạt nhà thờ và khách sạn của nước này hôm 21/4, đúng ngày lễ Phục sinh, là "nỗi xấu hổ đối với nhân loại". "Những gì xảy ra vào chủ nhật tuần trước là một thảm kịch", ông nhấn mạnh.
Bên ngoài Nhà thờ St. Anthony ở thủ đô Colombo, một trong các nhà thờ bị đánh bom hồi tuần trước, an ninh được thắt chặt với rất đông lính gác túc trực.
Quân đội Sri Lanka đang tiếp tục truy tìm những phần tử có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trên cả nước, mức độ cảnh giác được đẩy lên cao.
Đúng 8h45 sáng nay, tiếng hát thánh ca của đám đông bên ngoài nhà thờ St. Anthony dừng lại và tiếng chuông vang lên. Kim trên tháp đồng hồ chỉ đúng giờ vụ nổ xảy ra.
"Tôi đến nhà thờ này mọi chủ nhật, nơi đây như ngôi nhà thứ hai của tôi", Dharshika Fernando, 19 tuổi nói, cố giấu nước mắt. "Tôi có cảm giác như họ đã làm nổ tung ngôi nhà của chính tôi".
Hàng nghìn binh sĩ Sri Lanka vẫn cắm chốt trên các đường phố, bảo vệ các nhà thờ Công giáo và nhà thờ Hồi giáo. Lực lượng an ninh đã tiến hành một số vụ bắt giữ mới, 24 tiếng sau cuộc đột kích nơi ẩn náu của các phần tử cực đoan tại thị trấn Kalmunai khiến 15 người thiệt mạng.
Cảnh sát cho biết họ đã bắt hai nghi phạm Hồi giáo "bị truy nã gắt gao nhất" có liên quan tới các vụ đánh bom ngày lễ Phục sinh, nâng tổng số nghi phạm bị bắt lên 100 người.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena hôm 26/4 cho hay còn khoảng 140 kẻ ủng hộ IS trên khắp cả nước đang bị săn lùng. "Chúng ta có thể và sẽ sớm xóa sổ tất cả chúng", ông Sirisena tuyên bố.
Tổng thống Sirisena đã sử dụng quyền lực khẩn cấp để ban hành lệnh cấm các nhóm cực đoan hoạt động trên lãnh thổ Sri Lanka. Theo thông báo trước đó, trường học ở Sri Lanka sẽ mở cửa vào ngày mai song thời hạn bị lui lại một tuần vì những lo ngại về an ninh. Nhà chức trách cũng vẫn áp dụng lệnh giới nghiêm từ 22h đến 4h sáng trên toàn quốc.
Vũ Hoàng (Theo AFP)