Cuộc đột kích rạng sáng nay, với hàng trăm quân nhân và cảnh sát được trang bị dụng cụ chống bạo động, ở khu trại của người biểu tình trước phủ Tổng thống Sri Lanka diễn ra vài tiếng trước hạn chót giải tán mà chính phủ ấn định. Chiến dịch được tổ chức một ngày sau khi ông Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Lực lượng an ninh dọn dẹp chướng ngại vật do người biểu tình dựng lên trước cổng chính tòa nhà. Một xe vận tải thiết giáp được điều động đến khu vực.
Người biểu tình trước đó cam kết trả lại phủ tổng thống cho chính phủ trong chiều nay, hơn một tuần từ khi xông vào kiểm soát tòa nhà và yêu cầu cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Họ muốn chờ nội các mới của ông Wickremesinghe chính thức bắt đầu nhiệm kỳ.
Theo các nhân chứng, quân đội và cảnh sát Sri Lanka ban đầu phát loa phóng thanh yêu cầu người biểu tình rút đi và tập trung tại khu vực quy định gần tòa nhà dành cho người biểu tình.
Lực lượng an ninh sau đó tiến vào dỡ bỏ lều trại dọc tuyến đường chính dẫn vào phủ Tổng thống. Một số nhà hoạt động bị bắt. Cảnh sát phong tỏa một số tuyến đường chính dẫn đến khu vực biểu tình, chặn người dân tiếp tục kéo đến.
Trước khi nhậm chức, tân Tổng thống Wickremesinghe tuyên bố mạnh tay trấn áp biểu tình nhằm tái lập trật tự ở Sri Lanka. Tình hình trên đảo quốc Ấn Độ Dương với 22 triệu dân chìm sâu trong bất ổn vì khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng.
Nội các của ông Wickremesinghe dự kiến bao gồm các thành viên từ nhiều đảng. Chính phủ mới cần tìm hướng ra nhanh nhất cho nền kinh tế đang thiếu hụt trầm trọng nhiên liệu, thuốc và nhu yếu phẩm vì không đủ ngoại tệ nhập khẩu.
Một tòa án Sri Lanka hôm 20/7 đã yêu cầu người biểu tình giải tán một phần và chỉ được tập trung trong khu vực quy định.
Ông Wickremesinghe cho rằng người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà chính phủ là hành động trái pháp luật. Chính quyền sẵn sàng dùng mọi biện pháp để trục xuất người biểu tình khỏi khu vực nếu họ kiên quyết không tự giác rời đi.
"Nếu những người này muốn lật đổ chính phủ, chiếm phủ Tổng thống và văn phòng thủ tướng, thì họ đang hành động phi dân chủ và trái pháp luật", ông nói.
Tổng thống Wickremesinghe nhận định người biểu tình ôn hòa đang bị kích động bởi "những phần tử gây rối" và vi phạm pháp luật. Ông ban bố tình trạng khẩn cấp, trao thêm quyền cho cảnh sát và lực lượng vũ trang, cho phép bắt và tạm giữ nghi phạm có hành vi trái pháp luật trong thời gian dài mà không cần truy tố.
Người biểu tình chống chính phủ tiếp tục cáo buộc ông Wickremesinghe là đồng minh gia tộc của cựu tổng thống Rajapaksa và không chấp nhận kết quả bỏ phiếu hôm 20/7 tại quốc hội nước này.
Tân Tổng tống bác nghi vấn ông bao che và hỗ trợ người tiền nhiệm. Trả lời báo chí tại đền Gangaramaya, ông tái khẳng định "không phải bạn của gia tộc Rajapaksa" và sẽ trung thành với nhân dân.
Thanh Danh (Theo AFP)