"Tôi đã có một cuộc điện đàm hiệu quả với ông Putin, trong đó đề nghị Nga hỗ trợ tín dụng để nhập khẩu nhiên liệu", Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa thông báo trên mạng xã hội Twitter. "Chúng tôi nhất trí rằng củng cố quan hệ song phương trong các lĩnh vực như du lịch, thương mại và văn hóa là điều tối quan trọng, nhằm cũng cố tình hữu nghị giữa hai nước".
Trước tình hình thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, Sri Lanka đã tìm cách mua dầu giá rẻ của Nga để vượt qua khủng hoảng. Nước này ngày 26/6 thông báo cử hai bộ trưởng đến Nga để thảo luận mua thêm dầu với điều khoản ưu đãi, sau khi nhập khoảng 90.000 tấn dầu thô nhẹ khai thác ở Siberia, Nga cuối tháng 5.
Ngày 5/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesing tuyên bố đất nước "phá sản" khi đối mặt khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất suốt 7 thập kỷ.
Khủng hoảng tại Sri Lanka khả năng cao còn kéo dài. "Chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023", ông Wickremesing cảnh báo. "Đó là sự thật. Đó là thực tế".
Sri Lanka từng là quốc gia thu nhập trung bình, với GDP trên đầu người xấp xỉ Philippines. Nhưng với những sai lầm trong quản lý kinh tế và ngành du lịch bị ảnh hưởng vì Covid-19 đã khiến Sri Lanka nhanh chóng cạn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khó khăn do thiếu hụt thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu trầm trọng.
Lạm phát tại Sri Lanka hiện chỉ đứng sau Zimbabwe và có thể lên tới 60% vào cuối năm. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 80% người dân quốc đảo phải bỏ bữa vì không thể mua thực phẩm.
Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.
Đức Trung (Theo Reuters, CNN)