Một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Sri Lanka hôm nay cho biết 85.000 cảnh sát "đã được lệnh kích hoạt tình huống chủ động tấn công" và được lệnh sử dụng đạn thật chống lại người gây bạo loạn.
Hàng nghìn người thuộc lượng an ninh được lệnh "nổ súng ngay lập tức" để ngăn chặn bất ổn lan rộng khi một khách sạn hạng sang được cho là thuộc sở hữu của họ hàng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị phóng hỏa tối 10/5.
"Đây không còn là tình huống giận dữ bộc phát mà là bạo lực có tổ chức", quan chức an ninh cấp cao giấu tên cho hay. "Nếu tình hình không được kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn hoàn toàn".
Ngoài vụ cháy khách sạn, cảnh sát Sri Lanka tối 10/5 cũng phải bắn chỉ thiên tại hai địa điểm nhằm giải tán đám đông cố gắng phóng hỏa xe cộ. Họ cũng tăng cường bảo vệ an ninh một số thẩm phán có khả năng trở thành mục tiêu công kích.
Ít nhất 8 người thiệt mạng và 200 người bị thương từ 9/5, khi bạo lực nổ ra giữa phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Chính quyền đã áp lệnh giới nghiêm nhưng người biểu tình vẫn tới cắm trại trước dinh tổng thống, yêu cầu Tổng thống và những người có liên quan tới gia tộc Rajapaksa từ chức.
Tổng thống Rajapaksa hôm nay kêu gọi "người dân Sri Lanka chung tay vượt qua thách thức kinh tế, xã hội và chính trị". Tuy nhiên, đảng đối lập chính SJB lặp lại sẽ không tham gia bất kỳ chính phủ nào mà ông Rajapaksa vẫn là Tổng thống, dù anh trai ông là Mahinda đã từ chức thủ tướng hôm 9/5.
Chính phủ Rajapaksa năm 2020 khôi phục quyền bổ nhiệm và sa thải các bộ trưởng, thẩm phán của tổng thống trong hiến pháp.
Sajith Premadasa, người đứng đầu SJB, cho rằng "bạo lực đang được kích động để chính quyền thiết lập chế độ quân sự dưới cái cớ là ngăn chặn đám đông giận dữ".
"Nhà nước pháp quyền cần phải duy trì thông qua hiến pháp chứ không phải súng đạn. Đã tới lúc trao quyền cho công dân chứ không phải là tước đi quyền công dân", Premadasa nói.
Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi độc lập năm 1948. Người dân sống trong cảnh thiếu hàng hóa thiết yếu, nhiên liệu, thuốc men suốt nhiều tháng còn chính phủ tuyên bố vỡ nợ.
Cuộc khủng hoảng leo thang thành bạo lực hồi đầu tuần khi những người ủng hộ chính quyền Rajapaksa cầm gậy tấn công người biểu tình ôn hòa cắm trại nhiều tuần trước dinh tổng thống. Phe phản đối chính phủ lập tức trả đũa, đốt phá hàng chục ngôi nhà của các chính trị gia đảng cầm quyền trong đêm.
Trước bình minh ngày 10/5, quân đội phải sơ tán ông Mahinda tới một bến tàu hải quân để đảm bảo an toàn sau khi người biểu tình cố xông vào nhà ông.
Một chính trị gia của đảng cầm quyền đã bắn hai người tối 9/5 khi xe bị bao vây. Một nghị sĩ khác bắn chết một thanh niên 27 tuổi trước khi tự tử.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/5 bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực ở Sri Lanka cũng như quyết định triển khai quân đội. Ông nhấn mạnh "không được phép sử dụng vũ lực hay đe dọa người biểu tình ôn hòa dù đó là lực lượng quân đội hay dân sự".
Chính quyền Ấn Độ phủ nhận tin đồn đang giúp gia đình Rajapaksa bỏ trốn, đồng thời bác bỏ thông tin Ấn Độ đang điều quân sang Sri Lanka.
Khủng hoảng ở Sri Lanka bộc lộ sau hai năm đại dịch, khi chính quyền thất thu nguồn ngoại tệ từ du lịch và kiều hối, phải cắt giảm nhập khẩu hàng hóa, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men nghiêm trọng. Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không còn khả năng thanh toán hơn 51 tỷ USD nợ nước ngoài, trong đó có nhiều dự án lớn mà Rajapaksa cho xây dựng từ vốn vay Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này sẽ bắt đầu hội thảo cấp chuyên viên qua video để bàn về gói cứu trợ Sri Lanka. Trưởng phái bộ IMF Masahiro Nozaki cho hay bên vay tiền phải "chuẩn bị đầy đủ các cuộc thảo luận chính sách sau khi chính phủ mới thành lập".
Hồng Hạnh (Theo AFP)