SpaceX đạt bước tiến lớn trong việc biến mạng Internet phủ sóng toàn cầu thành hiện thực khi tên lửa Falcon 9 cất cánh vào tối hôm 24/5, đưa 60 vệ tinh phát sóng Internet vào không gian. Sau vụ phóng thành công, tầng đầu tiên của tên lửa nhẹ nhàng đáp xuống sà lan nổi trên biển, đánh dấu lần thu hồi tầng đẩy thứ 40 của công ty.
Tên lửa Falcon 9 khởi hành vào lúc 21h30 tối qua từ tổ hợp phóng vũ trụ 40 ở Trạm không quân Cape Canaveral sau nhiều lần trì hoãn. Nằm trong phần chóp hình nón của tên lửa là 60 vệ tinh, nhóm đầu tiên trong mạng lưới Starlink của SpaceX, giúp phủ sóng Internet toàn cầu với chi phí phải chăng.
Trước buổi phóng, Elon Musk, CEO của SpaceX chia sẻ trên mạng Twitter ảnh chụp nhóm tên lửa nằm gọn trong nắp bảo vệ khối hàng. Những tên lửa xếp chặt như bộ bài khổng lồ, lấp đầy gần như mọi khoảng trống bên trong nắp bảo vệ của Falcon 9. Mỗi vệ tinh Starlink nặng 227 kg. Nhóm 60 vệ tinh vừa phóng là khối lượng hàng lớn nhất mà Falcon 9 từng đưa lên quỹ đạo, theo đại diện của SpaceX.
Tổng cộng, SpaceX dự kiến phóng gần 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, chia thành hai chòm với số lượng 4.409 vệ tinh và 7.518 vệ tinh. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã đồng ý để SpaceX phóng một nửa số vệ tinh dự kiến trong vòng 6 năm tới. Tuy nhiên, 60 vệ tinh trong đợt phóng đầu tiên chỉ mang tính thử nghiệm. Nhóm vệ tinh này thiếu một số đặc điểm so với thiết kế cuối cùng. Ví dụ, các vệ tinh không thể liên lạc trực tiếp với nhau mà chỉ có thể liên lạc với mặt đất.
Nhóm 60 vệ tinh sẽ được dùng để thử cách an toàn nhất nhằm triển khai vệ tinh Starlink trên quỹ đạo. Thay vì sử dụng cơ cấu lò xo, các kỹ sư SpaceX quyết định dựa vào quán tính của chính vệ tinh. Tầng trên của Falcon 9 xoay tròn, phát tán vệ tinh trên mặt phẳng. Tất cả 60 vệ tinh trôi nổi tự do vào quỹ đạo sau khi phóng một giờ, và ở trạng thái trực tuyến sau nửa giờ, Musk cho biết.
An Khang (Theo Live Science)