SN20, nguyên mẫu mới nhất của tàu vũ trụ Starship, đồng thời là tầng trên, được ghép với nguyên mẫu Booster 4 của tên lửa đẩy Super Heavy, đồng thời là tầng đẩy bên dưới, hôm 6/8. Các kỹ sư thực hiện thao tác lắp thử tại cơ sở Starbase của SpaceX ở Nam Texas. Theo Elon Musk, SpaceX ban đầu định lắp thử ngay hôm 5/8, vài giờ sau khi đưa SN20 tới bãi phóng, nhưng phải hoãn lại vì gió mạnh.
SN20 và Booster 4 được ghép nối khoảng một tiếng để kiếm tra độ vừa vặn. SN20 cao 50m, trong khi Booster 4 cao 70 m. Sự kết hợp này tạo thành phương tiện phóng cao 120 m, lập kỷ lục cao nhất thế giới, vượt Saturn V - tên lửa khổng lồ bay tới Mặt Trăng của NASA với chiều cao 110 m.
"Ước mơ đã thành hiện thực", Musk chia sẻ về thử nghiệm lắp ghép trên Twitter.
Thời điểm SN20 và Booster 4 bay thử chưa được xác định. Booster 4 sẽ phải vượt qua một số cuộc kiểm tra động cơ và điều áp trước khi cất cánh. SpaceX cũng đang chờ đánh giá môi trường về các hoạt động phóng của Starship do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) tiến hành, chưa rõ khi nào việc đánh giá này hoàn tất.
Musk cũng cho biết, SN20 và Booster 4 cần thêm ít nhất 4 yếu tố quan trọng trước khi sẵn sàng bay, gồm các tấm chắn nhiệt cuối cùng cho SN20, bộ bảo vệ nhiệt cho các động cơ của Booster 4, thêm các bể chứa nhiên liệu dưới mặt đất và "cánh tay" ngắt ghép nối nhanh cho SN20, có thể gắn vào tháp phóng.
Nhiều khả năng cả SN20 lẫn Booster 4 sẽ thử đốt động cơ trong các thử nghiệm khai hỏa tại chỗ riêng rẽ. SpaceX thường xuyên thực hiện những thử nghiệm như vậy trước khi phóng tên lửa. Booster 3, một nguyên mẫu khác của Super Heavy, cũng khai hỏa động cơ tại chỗ vào tháng trước.
Theo kế hoạch, Booster 4 sẽ đưa SN20 lên không trung rồi hạ cánh ở vịnh Mexico, cách bờ biển khoảng 32 km. Trong khi đó, SN20 sẽ lần đầu tiên tự lên tới quỹ đạo, bay quanh Trái Đất một vòng rồi đáp xuống Thái Bình Dương, gần đảo Kauai, Hawaii, khoảng 90 phút sau khi phóng.
Thu Thảo (Theo Space)