Thế nhưng, sau tám vòng đấu đầu tiên, thầy trò Ronald Koeman đang ung dung xếp thứ ba với 16 điểm - chỉ ít hơn một điểm so với đương kim vô địch Man City và đứng trên đầu một loạt ông lớn như Liverpool, Man Utd, Arsenal... Cuối tuần qua, đội bóng này gây tiếng vang bằng chiến thắng 8-0 trước Sunderland.
Thành công trước mắt của Southampton một phần đến từ chính sách chuyển nhượng khôn ngoan ở mùa hè khi mang về những cầu thủ phù hợp như Dusan Tadic, Graziano Pelle hay Shane Long, bên cạnh việc mượn được hai cái tên sáng giá là Ryan Bertrand và Toby Alderweireld. Tuy nhiên, sức mạnh lớn nhất của họ chắc chắn nằm ở những cầu thủ do chính CLB đào tạo.
Những viên ngọc thô sinh lời. Southampton là một trong những học viện đào tạo bóng đá trẻ uy tín tại Anh. Gần đây nhất, họ đã bán Luke Shaw (51 triệu đôla ) cho Man Utd, bán Calum Chambers (30 triệu đôla) cho Arsenal và Adam Lallana (45,5 triệu đôla) cho Liverpool.
Trong quá khứ, lò đào tạo Southampton cũng là nơi sản sinh ra những cầu thủ trẻ xuất sắc của Ngoại hạng Anh. Trong đó phải kể đến Alex Oxlade-Chamberlain- người được bán cho Arsenal năm 17 tuổi với giá 20 triệu đôla, Theo Walcott - cũng bán cho Arsenal với giá 20 triệu đôla vào năm 16 tuổi. Năm 2007, Southampton đẩy Gareth Bale cho Tottenham với giá 16 triệu đôla. Cầu thủ này sau đó được Real Madrid mua về với giá kỷ lục 138 triệu đôla.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao các đội bóng khác không học theo cách đào tạo của Southampton? Matt Crocker - Giám đốc của Học viện bóng đá Southampton từ 2005 đến 2013 cho biết: “Tôi nghĩ nhiều đội bóng muốn học hỏi Southampton ở cách đào tạo cầu thủ trẻ. Đó là ví dụ tốt về một đội bóng ở Ngoại hạng Anh có thể kiếm nhiều tiền từ việc bán cầu thủ đồng thời chi ít tiền để có trong đội hình những người xuất sắc. Theo cách này, họ có thể là một hình mẫu cho các đội khác”.
Khi Luật công bằng tài chính được áp dụng, chỉ những đội bóng lớn với doanh thu khổng lồ mới có thể bạo chi để đưa về những ngôi sao. Việc này khiến công tác đào tạo trẻ trở nên rất quan trọng. Và đối với nhiều CLB ở châu Âu, Southampton là tấm gương để học tập.
Crocker lý giải tại sao đào tạo trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu của The Saints: “Southampton có triết lý luôn tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ. Cánh cửa lúc nào cũng rộng mở với họ. Khi CLB gặp khó khăn về tài chính, học viện không bao giờ bị cắt giảm ngân sách - điều thường diễn ra ở các đội bóng khác”.
Koeman như “cá gặp nước”. Trước khi đến Southampton, Ronald Koeman làm việc ở Feyenoord Rotterdam, một CLB cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo trẻ. Koeman từng trao cơ hội cho không ít người ra mắt đội một. Kết quả thu được khá thành công khi Feyenoord về nhì tại giải vô địch Hà Lan hai trong ba mùa giải mà Koeman làm thuyền trưởng bất chấp tình hình tài chính eo hẹp.
Giám đốc học việc đào tạo trẻ của Feyenoord Damien Hertog cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là mỗi mùa giải trình làng hai cầu thủ mới ở đội một”. Năm 2011, khi Koeman đến Feyenoord, ông trở thành người đầu tiên vừa thi đấu vừa huấn luyện cho cả ba đội bóng lớn của Hà Lan là Feyenoord, Ajax và PSV Eindhoven. Dù ngân sách hạn hẹp, Koeman đã hoàn thành một số bản hợp đồng được đánh giá cao và mượn được vài cầu thủ chất lượng.
Hertog cho biết Koeman luôn tạo được mối liên hệ với các cầu thủ trẻ: “Ông ấy thường xuyên dự khán các trận đấu của đội trẻ. Điều đó có nghĩa ông ấy có cái nhìn toàn diện về tất cả các cầu thủ mình có. Khi ông ấy đến chỗ tập luyện vào mùa đông, luôn có vài cầu thủ trẻ được đi theo. Điều đó mang tính xây dựng lớn”, Hertog nói.
Thế nên khi chuyển từ Feyenoord sang Southampton, một CLB cũng ưu tiên đào tạo trẻ và có học viện uy tín, Koeman như cá gặp nước. HLV người Hà Lan không phàn nàn về việc những cầu thủ chủ chốt lần lượt ra đi. Chiến lược gia này tập trung xây dựng một đội bóng mới. Southampton nên vui mừng về sự thành thạo của Koeman trong việc nuôi dưỡng các lứa cầu thủ trẻ. Những năm gần đây, họ là nguồn sống của CLB.
Đào tạo trẻ là cách phát triển đội bóng mẫu mực. “Nếu bạn nhìn vào Ngoại hạng Anh mùa trước, bạn sẽ thấy những cầu thủ từ học viện như Adam Lallana, Calum Chambers, Sam Gallagher, Luke Shaw, James Ward-Prowse và Harrison Reed chơi ở đội một. Tất cả đều rất xuất sắc. Nếu tính cả những Gareth Bale hay Theo Walcott ở các lứa trước, Southampton có quyền tự hào vì họ không những là một trong những lò đào tạo tốt nhất tại Anh mà có lẽ là cả châu Âu”, Matt Crocker phát biểu.
Giống như Crocker, Hertog cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ. “Ở Feyenoord, học viện được xem là một tài sản lớn”. Cũng như Southampton, đào tạo trẻ giúp Feyenoord đứng vững sau những biến cố về tài chính.
“Với hệ thống đào tạo trẻ của họ, tôi nghĩ Southampton rất đặc biệt ở Anh. Tôi thích theo dõi cách họ hoạt động, nó tương tự như ở Rotterdam. Khi các “gà nhà” thi đấu, bạn cảm thấy tự hào. Nó tạo ra sợi dây liên kết trong đội bóng, thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa cầu thủ. Ở Hà Lan, các học viện ngày một phát triển và tôi nghĩ chúng sẽ còn tốt hơn nữa trong tương lai”, Hertog nói.
Trong tương lai, nhiều khả năng sẽ có thêm các đội bóng Anh theo đuổi triết lý hoạt động của Southampton và Feyenoord. Matt Crocker- người hiện giữ chức Giám đốc huấn luyện và phát triển cầu thủ của FA tin tưởng rằng đây là con đường mẫu mực để xây dựng một đội bóng và bày tỏ tham vọng phổ biến nó trên khắp nước Anh.
Dù rất bận rộn với công việc, Crocker luôn quan tâm đến đội bóng cũ. Ông nói: “Họ đã có một mùa hè khó khăn nhưng đã mang về một số cái tên chất lượng. Koeman rất cừ khi giúp CLB vượt qua thời gian khó khăn. Dưới bàn tay của ông ấy, Southampton đang tiếp tục theo đuổi chính sách đào tạo trẻ. Koeman đã mượn Ryan Bertrand từ Chelsea và gọi Matt Targett từ đội trẻ”.
Điều đó có nghĩa là Southampton sẽ vẫn duy trì con đường kiểu mẫu của mình để xây dựng CLB và Crocker cảm thấy trân trọng điều đó hơn hết.
Di Khánh