Kết quả giải trình tự virus 6 mẫu bệnh phẩm tay chân miệng tại TP HCM cho thấy đều mắc chủng EV71 kiểu gene B5. Đây là type virus trong nhóm độc lực cao, gây bệnh nặng và lây nhiễm nhanh. Sở Y tế đánh giá việc xuất hiện chủng virus này khiến "tình hình thực sự lo ngại". Số ca tay chân miệng trong đầu tháng 6 cao hơn hai lần so với hai tuần trước đó, trong đó một bé trai 5 tuổi tử vong.
Các bệnh viện nhi tại thành phố đang điều trị 20-25 ca tay chân miệng nội trú (mỗi viện) một ngày, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Trong khi các tháng trước đó, chỉ trung bình 5-6 bệnh nhi nằm viện hoặc không có ca nào.
Cùng với tay chân miệng, TP HCM chuẩn bị vào mùa cao điểm bệnh sốt xuất huyết, dự báo khoảng 2-3 tuần tới và kéo dài đến hết tháng 10. Giám sát của CDC về hoạt động phòng chống dịch tại các phường xã cho thấy 20 điểm nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết, trong tổng số 39 điểm, tỷ lệ trên 50%.
"Tỷ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn nữa khi thành phố bước vào mùa mưa nếu không quyết liệt diệt muỗi, diệt lăng quăng để kiểm soát dịch", đại diện HCDC cho hay, thêm rằng số ca mắc sốt xuất huyết tại các bệnh viện bắt đầu tăng nhẹ, số trường hợp nặng chiếm khoảng 10%.
HCDC nhận định TP HCM đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch rất lớn (tay chân miệng - sốt xuất huyết). Hậu quả của việc này là dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, từ đó có thể gây sai sót, vấn đề nhiễm trùng bệnh viện và lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhi.
Chiều 6/6, UBND TP HCM ra văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị phòng chống bệnh tay chân miệng, nhấn mạnh khu vực nguy cơ cao như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Người dân được khuyến cáo vệ sinh môi trường sống, theo dõi các triệu chứng bệnh và vào viện kịp thời, tránh chủ quan. Sở Y tế cũng cho hay đã xây dựng các kịch bản thu dung, điều trị nếu số ca mắc tăng; đảm bảo thuốc và nhân lực.
Mỹ Ý