Phát động "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết" sáng 11/5, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, năm 2018 thành phố có khoảng 28 nghìn người nhập viện và 10 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Năm 2017, hơn 19 nghìn trường hợp mắc bệnh.
Theo ông Hưng, các giám sát dịch tễ ghi nhận số ca bệnh sốt xuất huyết có khuynh hướng tăng dần qua các năm. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn, loại muỗi lưu hành tại vùng nhiệt đới và gắn liền với đời sống dân cư đô thị.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng ảnh hưởng biến đổi khí hậu càng làm cho bệnh trở thành gánh nặng sức khỏe, kinh tế với các quốc gia vùng nhiệt đới.
Cuộc họp lần thứ 10 Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN năm 2010 đã đồng thuận lấy ngày 15/6 hàng năm là "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết". Mỗi năm TP HCM đều phát động chiến dịch, tuyên truyền người dân loại bỏ, xử lý các vật chứa có thể chứa nước làm nguồn sinh sản cho muỗi khi mùa mưa đến.
Hiện vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết chỉ mới được thử nghiệm tại một số ít quốc gia. Việt Nam vẫn chưa có vắcxin này. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là chủ động diệt loăng quăng ngay tại nơi ở, nơi làm việc.
Tăng cường diệt muỗi, diệt loăng quăng, đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp dụng cụ chứa nước khi không dùng đến...
Khi nghi ngờ và phát hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế điều trị. Người bệnh thường sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban.
Nặng hơn, người bệnh xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng... Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.