Hiện còn 88 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Các khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Hà Đông 180 ca, Đống Đa 70, Thanh Oai 161, Phú Xuyên 134, Hoàng Mai 109.
Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 4 ca tử vong, giảm 17 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy chỉ số BI (điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) đã giảm dưới ngưỡng quy định.
Từ kết quả trên, CDC đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, vì thời tiết lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Dịch cũng qua thời điểm bùng phát (tháng 7-11 hàng năm).
Dù vậy, số ca bệnh giảm nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Các địa phương tiếp tục xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch diễn biến kéo dài.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh. Khi thời tiết chuyển lạnh hơn, số ca mắc mới giảm mạnh.
Về mặt bệnh lý, sốt xuất huyết diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, người bệnh bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.
Hiện chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu: Xuất huyết niêm mạc, ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít; tràn dịch màng phổi, bụng.
Lê Nga