Báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết các ca sốt xuất huyết mới từ ngày 2/12 đến 8/12 giảm 9% so với tuần trước đó. Một số quận, huyện vẫn có số ca cao là Hà Đông 186, Đống Đa 114, Thường Tín 104, Hoàng Mai 98... Trong tuần ghi nhận hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Cộng dồn năm 2022, thủ đô ghi nhận hơn 17.600 ca, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; 23 người tử vong trong khi năm ngoái không ghi nhận trường hợp nào.
Tại một số bệnh viện, số điều trị đã giảm một nửa, nhưng theo các bác sĩ "vẫn có nhiều trường hợp trở nặng do đến khám muộn, tự chữa tại nhà".
Như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị khoảng 100 bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm 50% so với cao điểm. Tương tự, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khoảng 100 người nằm nội trú, mỗi ngày tiếp nhận 5-6 ca nặng, giảm 30% so với cùng kỳ tháng trước.
So với tháng 10-11, CDC Hà Nội đánh giá số mắc mới đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. "Dự báo số ca mắc mới có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhiều ca nặng và tử vong", đại diện CDC nói.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh. Hà Nội đang trải qua hơn 10 ngày rét đầu tiên của mùa đông, ít mưa, độ ẩm cao song số ca sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đại diện CDC Hà Nội nhận định thực tế này không bất thường, lý do sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh khoảng một tuần đến 10 ngày, nhiều người đã nhiễm virus Dengue trước đó nhưng chưa phát bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết trở lạnh song nhiệt độ chỉ giảm về đêm và sáng sớm, trời vẫn nắng ấm từ sáng đến chiều. Do đó, muỗi truyền bệnh vẫn có thể sinh sôi, hoạt động.
CDC cho rằng cần thêm thời gian để sốt xuất huyết hạ nhiệt, số ca có thể giảm mạnh trong tuần tới khi thời tiết trở nên rét đậm, rét hại.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cũng cho biết sốt xuất huyết tại Hà Nội có chu kỳ 5 năm một lần, do đó số ca nhiễm ở mức cao không phải là bất thường. Bác sĩ cũng cho rằng số ca mắc mới đang trên đà giảm khi thời tiết rét lạnh hơn.
Để hạn chế số ca mắc mới, CDC Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống, phát triển.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không chủ quan với sốt xuất huyết. Khi có triệu chứng sốt cao, thuốc hạ sốt không có tác dụng, hoặc ho, đau mỏi cơ thể, nên đến cơ sở y tế khám ngay.
Về mặt bệnh lý, sốt xuất huyết diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, người bệnh có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu: Xuất huyết niêm mạc, ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít; tràn dịch màng phổi, bụng.
Chi Lê