Thạc sĩ, Bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP HCM cho biết virus gây sốt xuất huyết Dengue (viết tắt trong bài là sốt xuất huyết) có 4 type, góp phần thay đổi chu kỳ bệnh. Trước đây, dịch diễn ra theo chu kỳ: miền Bắc bùng phát 9-10 năm một lần, còn miền Trung và Nam khoảng 4 năm một lần, tùy type virus.
"Tuy nhiên, hiện chu kỳ này không còn duy trì, do cả bốn type virus tồn tại đồng thời, trong khi vector (trung gian truyền bệnh) lại xuất hiện quanh năm. Điều này khiến công tác phòng, chống sốt xuất huyết khó khăn hơn. Không chỉ tập trung vào mùa mưa, chúng ta phải chú ý cả năm", bác sĩ Lương Chấn Quang nói.

Nước đọng trong các vật chứa tạo điều kiện cho muỗi vằn phát triển. Ảnh: Takeda
Năm 2024, cả nước ghi nhận 141.000 ca mắc, số ca nặng gia tăng ở TP HCM, Đăk Lăk và các tỉnh ĐBSCL. Hà Nội cùng các tỉnh miền Bắc vốn ít bị ảnh hưởng, nay số ca mắc cũng cao hơn trước.
Khí hậu biến đổi không theo quy luật khiến dịch khó kiểm soát. Mùa mưa thất thường, nắng nóng kéo dài tăng khả năng sinh sản của muỗi. Ngoài ra, trước tình trạng ĐBSCL hạn hán và xâm nhập mặn, người dân buộc phải trữ nước, vô tình tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn phát triển.
GS.TS Vũ Sinh Nam, chuyên gia cao cấp tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng thư ký Hội Y học dự phòng Việt Nam, lý giải thêm muỗi vằn sống trong nhà, đẻ trứng vào các vật dụng chứa nước và chỉ thích hút máu người. Do đó, môi trường sống của chúng ta là nơi sinh sản, phát triển của muỗi truyền bệnh.

Người dân trữ nước do hạn hán, xâm nhập mặn, vô tình tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và tăng nguy cơ sốt xuất huyết. Ảnh: Takeda
Sốt xuất huyết lan rộng tạo áp lực lớn cho hệ thống y tế. Số ca nhập viện tăng đột biến trong mỗi đợt bùng phát dịch, nhất là TP HCM, Đăk Lăk và các tỉnh miền Tây, khiến một số bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Cụ thể ở TP HCM, thời gian qua, các bệnh viện Nhi đồng 1, 2 hay Nhi đồng thành phối liên tục ghi nhận trẻ em bị sốt xuất huyết. Không ít bé nhập viện trong tình trạng nặng, suy đa tạng, nguy kịch.
Chuyên gia nhận định bệnh có thể diễn tiến nhanh, gây sốc, suy tạng, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm, nhất là ở trẻ em, người lớn tuổi và nhóm có bệnh nền. Theo BS.CKI Trần Ngọc Lưu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), tỷ lệ bệnh nhân trở nặng đến 20-30%.
Trong bối cảnh trên, tiêm chủng vaccine là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu rủi ro. Tháng 5/2024, Bộ Y tế cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến lớn trong công tác phòng dịch. Bác sĩ Derek Wallace, Chủ tịch vaccine Takeda toàn cầu, cho biết đơn vị đặt kỳ vọng vaccine có thể giảm thiểu gánh nặng bệnh do muỗi vằn gây ra.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ công tác phòng sốt xuất huyết, kết hợp kiểm soát vector (trung gian truyền bệnh), ngừa muỗi đốt và tiêm chủng.
GS.TS Vũ Sinh Nam chỉ ra để giảm thiểu lây lan, mỗi cá nhân và cộng đồng cần chủ động dọn dẹp môi trường sống, loại bỏ vật dụng chứa nước đọng - nơi muỗi vằn sinh sản. Nhóm có nguy cơ cao như bể chứa nước, chậu cây cảnh, vỏ chai, lốp xe cũ... cần được kiểm tra, làm sạch thường xuyên.

Kết hợp kiểm soát vector, tránh muỗi đốt, tiêm chủng có thể hạn chế dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Takeda
Thực tế, việc duy trì các biện pháp phòng dịch vẫn còn nhiều thách thức. Dù được phun thuốc, một số khu vực tái phát dịch sau mỗi đợt mưa lớn, một phần do người dân chưa có thói quen thường xuyên kiểm tra, loại bỏ ổ lăng quăng quanh nơi sống.
Trong bối cảnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, Bộ Y tế kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội: nâng cao ý thức, chủ động tham gia loạt biện pháp phòng chống, dịch.
Đông Vệ
Nội dung do Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam cung cấp, được Hội Y học Dự phòng Việt Nam phê duyệt chuyên môn, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. |