Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM thông báo trong 23 tuần đầu năm, toàn thành phố có gần 7.300 ca sốt xuất huyết, giảm 70% so cùng kỳ năm 2019, không ghi nhận ca tử vong.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, bắt đầu mùa mưa từ tháng 5 đến nay, trung bình mỗi tuần có 100-200 bệnh nhân sốt xuất huyết tới viện thăm khám và điều trị nội, ngoại trú. Thành phố xuất hiện các ổ dịch nhỏ rải rác nhưng đã được khống chế kịp thời. Ngành y tế phun hóa chất tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ trên cả 24 quận, huyện.
Tới ngày 12/6, Hà Nội có 247 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 56%.
"Số ca sốt xuất huyết đang được duy trì ở mức dưới 300 ca, giảm mạnh so với năm trước. Hà Nội cũng chưa xuất hiện điểm nóng về sốt xuất huyết", ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết.
Mùa mưa ở Nam bộ, nhiệt độ trung bình còn 32-34 độ C, độ ẩm không khí cao, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho muỗi vằn Aedes egypti sinh trưởng. Do đó, nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát ở TP HCM cao hơn so với Hà Nội.
Các chuyên gia y tế đánh giá năm 2020 không nằm trong chu kỳ dịch. Các ca chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới nhưng ít khả năng bùng phát thành dịch. Nguyên nhân là việc giãn cách xã hội do nCoV đã được thực hiện rất tốt, người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe. Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết và các bệnh theo mùa ít hẳn.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 12/6, số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết là 20 ca, tăng 30% so với tháng trước. Trong đó không có trường hợp nào diễn tiến nặng, có biến chứng. Các bệnh nhi đều được điều trị ngoại trú trong tình trạng ổn định.
Hiện tại, sốt xuất huyết không có thuốc đặc trị và vaccine phòng tránh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt gây tử vong.
Đề phòng sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, khuyến cáo biện pháp hiệu quả nhất là chặn đường lây nhiễm, tức là không làm phát sinh ca mắc, tiêu diệt sớm các ổ loăng quăng, bọ gậy.
Người dân cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, nuôi cá diệt trong thùng chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa và thường xuyên phun hóa chất, phát quang bụi rậm. Các vật liệu phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ... cần loại bỏ để muỗi không trú ngụ, đẻ trứng.
Nên ngủ màn và mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt vào ban ngày. Đồng thời sử dụng thêm các loại thuốc bôi trên da để phòng tránh muỗi đốt, nhất là với trẻ em. Khi nhân viên y tế tới phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, người dân cần chủ động phối hợp để hiệu quả diệt muỗi và bọ gậy tốt nhất.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, dù tình hình đang khả quan và ngành y tế đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng người dân cũng không nên chủ quan. Các thói quen tốt hàng ngày như rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người... cần chủ động tiếp tục thực hiện.
Chi Lê - Thư Anh