Đồng Tháp ghi nhận 1.640 ca sốt xuất huyết tăng hơn 300% so với cùng kỳ, trong đó có 47 ca nặng, một trường hợp tử vong. Tất cả 12 địa phương của tỉnh đều ghi nhận ca bệnh, trong đó huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh có số ca nhiều nhất và chiếm gần 50% toàn tỉnh.
"Chúng ta tăng cường diệt lăng quăng, hạn chế dịch bùng phát mạnh nhưng chưa thể kéo giảm ca bệnh xuống ngay, khả năng dai dẳng đến hết mùa mưa", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu nói khi thị sát hai điểm nóng dịch ở huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự ngày 10/6. Ông nhận định nguyên nhân dịch bùng phát mạnh do mùa mưa đến sớm cộng thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, việc dọn dẹp vệ sinh, phát quang diệt loăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết chưa được người dân quan tâm đúng mức.
"Một trong những khó khăn Đồng Tháp đang đối mặt là dung dịch phun diệt muỗi sắp hết, thuốc đặc trị ca nặng khan hiếm do các gói thầu mua sắm đang chậm", ông Bửu cho biết thêm.
Số bệnh nhân điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ lên hàng trăm ca, viện phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm. Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao hơn mọi năm, hơn 1.000 ca tính từ đầu năm. Riêng tháng 5, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội và ngoại trú 388 ca, tăng gấp ba lần năm ngoái, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Bác sĩ Thanh dự báo số ca mắc mới còn tăng trong thời gian tới, tuy nhiên bệnh viện vẫn đủ khả năng tiếp nhận và điều trị. "Sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều quốc gia châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á. Số ca năm nay tăng cao theo chu kỳ, 3-4 năm lại có một năm bùng phát mạnh", bác sĩ Thanh nói.
Đang chăm sóc con gái bị sốt xuất huyết tại bệnh viện này, chị Trịnh Thị Vũ Hường cho biết trước đây không biết đến bệnh nguy hiểm như vậy. Khi con sốt liền mấy ngày không hết, chị chở đến bệnh viện quận khám, tình trạng nặng nên được chuyển đến đây.
Ở giường bên cạnh, chị NguyễnThị Duyên kể con trai gần một tuổi bỏ ăn, sốt, tưởng bị viêm amidan nhưng uống thuốc không hết. Chị đưa con đến bệnh viện thử máu mới biết bị sốt xuất huyết. Năm ngoái, con lớn của chị cũng mắc sốt xuất huyết, không triệu chứng, khi trên người nổi mẩn đỏ, đi khám và xét nghiệm máu mới biết.
Tại An Giang, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết đã dự báo được năm nay chu kỳ dịch tăng cao (4 năm một lần), nên áp dụng các biện pháp phòng dịch từ tháng 3. "Đỉnh dịch sẽ trong tháng 6, có khả năng lên 1.000 ca mỗi tuần. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cơ sở y tế, thuốc, tập huấn phác đồ điều trị", ông Hiền nói.
Tuy vậy, An Giang hiện là địa phương ghi nhận số ca sốt xuất huyết cao nhất miền Tây, hơn 3.900, tăng 365% so với cùng kỳ, số ca nặng chiếm 5-10%, không có ca tử vong. Số bệnh nhân trong tuần qua tăng từ 426 lên 526 ca.
Người đứng đầu ngành y tế của tỉnh cho biết thêm khả năng khu điều trị bệnh nhi sẽ quá tải, song "vẫn nằm trong sự chuẩn bị, kiểm soát của ngành". "Trước tiên cần truyền thông để người dân phòng bệnh, riêng ngành y tế khoanh vùng ổ dịch xử lý sớm không để ổ dịch lan rộng", ông Hiền nêu các giải pháp.
Tại Sóc Trăng, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Y tế ghi nhận 325 ca, tăng 116%, trong đó 25 trường nặng, hai ca tử vong.
Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng khuyến cáo người dân cẩn trọng, không nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết với triệu chứng Covid-19, sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế xét nghiệm, xác định chính xác bệnh. "Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, rất khác so với sốt do Covid-19 là sốt tới ngày thứ ba sẽ giảm", ông Dũng cho biết.
Ngọc Tài - Nguyên Việt