Trong suốt 1,5 ngày của diễn đàn, tác giả của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung đứng ngồi không yên. Trong số 28 tham luận của các đại biểu, không ít người cho biết “cần có thời gian” để phân trần cho một số kết quả khá khiêm tốn của quá trình tái cơ cấu. Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương không thể kiềm chế thêm khi chính lãnh đạo của các bộ, ngành cũng nói điều này. “Câu này nếu nói vào 4 năm trước thì được, nhưng đến giờ mà vẫn nói vậy tức là dung túng cho cách tiếp tục dồn việc cho những năm sau, nhiệm kỳ sau", ông Cung sốt ruột.
Trong các bài tham luận dẫn đề cho diễn đàn, ba diễn giả chính đều phác họa một bức tranh đầy màu xám của nền kinh tế. TS Võ Trí Thành nhận định tham vọng của tái cơ cấu là quá lớn, bao gồm ổn định, cải cách và hội nhập, trong khi nguồn lực bỏ ra lại quá hạn chế. "Cho nên không quá bất ngờ khi kết quả chỉ đạt ở mức phục hồi vẫn là một chặng đường đầy gập ghềnh; cải cách đang là thách thức, và ổn định còn quá mỏng manh”, ông nói.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói rằng nền kinh tế đã thoát đáy từ cuối năm ngoái nhưng đang đi lên theo đường parabol một cách đầy vật vã, chậm chạp. “Tiến trình tái cơ cấu không tạo được chuẩn đo thì sẽ không quản lý được nó. Quá trình này đang ì ạch vì mô tả chương trình không đủ cụ thể”, ông nhận xét.
* Nền kinh tế đang vật vã đi lên
Trong khi đó TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn: "Chúng ta đã hì hục làm nhưng bước tiến chậm, chưa có thay đổi cấu trúc mang tính chiến lược còn kết quả ngắn hạn cũng chưa rõ". Nguy hiểm hơn, ông Thiên lo tiến trình này đang lệch so với nguyên tắc thị trường, làm nền kinh tế bị méo mó cả về cách phân bổ nguồn lực, thị trường giá và thiên lệch trong mô hình tăng trưởng khi xu hướng đầu cơ đang lấn át sản xuất, thiết kế mô hình thúc đẩy khuynh hướng nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước. Vì thế, tăng trưởng đang trông chờ vào vốn và phải đánh đổi bởi lạm phát. “Cơ cấu sẽ bị sai lệch càng nghiêm trọng, chủ yếu do tính chất phi thị trường tăng nặng sau khi nền kinh tế gia nhập WTO, do xu hướng kiềm chế các quá trình thị trường hóa”, ông Thiên cảnh báo đồng thời nhấn mạnh.
Ở từng trụ cột của tái cơ cấu, bức tranh cũng không mấy sáng sủa. Vấn đề đầu tiên là tái cơ cấu đầu tư công, TS Nguyễn Đình Cung dẫn chứng nguồn lực vẫn được ưu tiên phân bổ cho doanh nghiệp Nhà nước theo cách cấp “ngân sách mềm”. Chính phủ đi vay rồi cho các đơn vị này vay lại, tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực cho các doanh nghiệp khác.
“Thống kê của Bộ Tài chính nói nợ của doanh nghiệp Nhà nước là 1,6 triệu tỷ đồng, còn Tổng cục Thống kê nói khoản mà các khối này nợ chéo nhau đã lên đến 3,1 triệu tỷ. Nếu không giải quyết cục nợ này thì tái cơ cấu kiểu gì”, chuyên gia Lê Đăng Doanh băn khoăn.
Theo TS Cung, từ năm 2006 đến nay, phân bố nguồn lực sai lệch ngày càng rõ. Vì vậy, ông kiến nghị tái cơ cấu là phân bố lại nguồn lực. Để nâng cao hiệu quả phân bổ hãy bằng cách để thị trường điều chỉnh.
Tương tự, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước với trọng tâm cổ phần hóa, dù đang đi nhanh hơn nếu xét về số lượng, nhưng điều này cũng không làm TS Võ Trí Thành hài lòng. Ông nói rằng không quan tâm đến con số 432 doanh nghiệp phải cổ phần hóa xong đến cuối năm sau bằng việc ứng xử thế nào với 100 tập đoàn, tổng công ty 90, 91.
TS Trần Đình Thiên đồng ý rằng quan trọng nằm ở cách làm chứ không ở phải cổ phần hóa hết. Chuyên gia này lý giải, tư tưởng muốn Nhà nước vẫn giữ chi phối còn nặng nề. Mà một khi “ông Nhà nước” vẫn chiếm trên 65% thì tư nhân không mua làm gì khi họ bỏ tiền mà không có quyền quyết định.
Cách làm này được lãnh đạo Tập đoàn Than khoáng sản ví von bằng hình ảnh "cáo hợp tác với gà" để làm chuồng đẻ trứng – một cách làm mà chỉ có gà mất trứng chứ cáo chẳng mất gì, thì nếu như có hoàn thành mục tiêu con số doanh nghiệp cổ phần hóa cũng không giải quyết được vấn đề nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
TS Cung bình luận, cổ phần hóa bằng cách thoái vốn là cách kéo các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi khu vực phi thị trường, nhưng kết quả đạt được thấp xa kế hoạch nên chưa thay đổi thể chế với doanh nghiệp Nhà nước, chưa thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Hay nói cách khác, tái cơ cấu chưa đặt con tàu vào đúng đường ray để chạy đúng hướng.
Hệ thống ngân hàng được đánh giá là có nhiều kết quả nhất trong 3 trụ cột của tái cơ cấu, thế nhưng bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng, kết quả này mới chỉ dừng ở mức “thoát hiểm” để tránh hệ thống tín dụng đổ vỡ chứ chưa phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất. “Có quá ít sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Hằng nói.
Trong khi đó, nợ xấu vẫn còn là gánh nặng của các nhà băng khi tỷ lệ so với cuối năm 2013 vẫn tăng và công cuộc xử lý vẫn loay hoay khi các chuyên gia nhận định Công ty mua bán nợ xấu VAMC đang thiếu cả nguồn lực, trí lực lẫn pháp lực.
Chung quy lại, kết quả tái cơ cấu vẫn "mới ở mức giải quyết tình thế” như lời nhận xét của chuyên gia Cao Sỹ Kiêm khi mà những dấu hiệu đặt nền tảng cho sự hồi phục vững chắc vẫn còn ở phía trước.
Không ít đại biểu tại Diễn đàn kinh tế Mùa thu, nhất là đại diện từ các cơ quan Chính phủ đã trấn an rằng đây là công việc đòi hỏi cần cả nguồn lực và thời gian. Ngay chủ đề chính của diễn đàn cũng phần nào nói lên rằng việc thay đổi căn bản nền kinh tế sau 3 năm tái cơ cấu chỉ mới dừng lại ở kỳ vọng mà thôi. “Chúng ta kỳ vọng nhưng mong rằng sẽ không thất vọng”, ông Cung bình luận trong phần tham luận của mình. Dù vậy, ngay trước lời bế mạc của chủ tọa, tác giả của đề án đã phải một lần nữa đứng lên kêu gọi: “Tôi đề nghị nếu chúng ta không sốt ruột thì nền kinh tế còn trì trệ mãi”.
Chí Hiếu