Sự bùng nổ các quán trà sữa trân châu Đài Loan đã vượt qua bất kỳ làn sóng kinh doanh đồ ăn thức uống nào trước đó tại Hong Kong.
“Có 30 thương hiệu tại các trung tâm mua sắm của chúng tôi ở Hong Kong và chúng tôi sẽ còn có nhiều hơn nữa”, Maureen Fung Sau-yim - Giám đốc điều hành Sun Hung Kai Properties (Trung Quốc) cho biết. Fung đang quản lý hơn 38 trung tâm mua sắm với tổng diện tích sàn gần 930.000 m2 ở Hong Kong và Trung Quốc.
Fung cho hay thậm chí một chủ cho thuê còn chia nhỏ mặt bằng rộng 280 m2 nằm cuối trung tâm mua sắm APM ở Kwun Tong, để đủ chỗ cho sáu cửa hàng nhỏ thuê. Trong đó, hai gian đã cho thuê bán trà sữa và một gian bán đồ ăn vặt.
Nữ giám đốc của Sun Hung Kai Properties nói rằng các cửa hàng trà sữa đã thuê tổng cộng 9.290 m2 ở Hong Kong để kinh doanh. Cùng với đó, các trung tâm thương mại rất háo hức muốn cho các cửa hàng trà sữa thuê bởi giá thuê sẽ cao hơn nhờ doanh thu "khủng" từ thức uống này.
Mỗi mét vuông của cửa hàng trà sữa có thể mang về 11.000 - 22.000 đôla Hong Kong (1.400 - 2.800 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, nhà hàng ẩm thực Trung Hoa chỉ mang về 4.400 - 5.500 đôla Hong Kong (560 - 700 USD) mỗi tháng.
“Các cửa hàng đạt doanh thu càng cao thì chi phí thuê mặt bằng mà họ phải trả càng cao. Mối quan hệ giữa chủ và người thuê trong trung tâm mua sắm cũng giống như của các đối tác kinh doanh, thay vì chỉ tăng giá thuê cơ bản,” chuyên gia thị trường cho biết.
Kevin Lam - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng phòng kinh doanh mảng dịch vụ bán lẻ và văn phòng của Cushman & Wakefield cho biết, hầu hết chủ kinh doanh trà sữa này yêu cầu kích thước cửa hàng khoảng 23 đến 28 m2, với giá 3.300 - 4.400 đôla Hong Kong (420 - 560 USD) cho mỗi mét vuông tại khu vực đông khách hàng.
“Nhiều thương hiệu trà sữa từ Đài Loan và đại lục vẫn chưa xuất hiện. Chúng tôi đang giúp hai thương hiệu mới tìm mặt bằng ở Hồng Kông. Khu vực này đang mở rộng với tốc độ cực nhanh,” ông nói và cho biết ngân sách thuê hàng tháng tối đa được đưa ra là 100.000 đôla Hong Kong (hơn 12.700 USD).
“Địa điểm phải gần trường học, văn phòng và khu vực có nhiều người trẻ thường đi chơi như Mong Kok, Jordan hay Central. Họ cũng thích thuê mặt bằng tại các trung tâm mua sắm vì cũng là nơi có nhiều người trẻ lui đến", ông nói và nhận định mô hình kinh doanh trà sữa đã thay đổi đáng kể trong 20 năm qua.
“Hai mươi năm trước, hầu hết chỉ bán trà sữa trân châu Đài Loan và sau đó phát triển thành các quán cà phê phục vụ đồ ăn nhẹ và đồ tráng miệng. Còn sự phát triển nhanh chóng như hiện nay chỉ bắt đầu cách đây 5 - 6 năm, với hình thức các cửa hàng tiện lợi nhỏ,” ông nói.
Helen Mak - Giám đốc cấp cao đồng thời là trưởng bộ phận các dịch vụ bán lẻ tại công ty tư vấn Knight Frank cho biết đã có 62 nhãn hiệu trà sữa trân châu khác nhau với 282 cửa hàng đang hoạt động ở Hong Kong, tính đến tháng 7.
“Sự thành công của Heytea ở Trung Quốc đã khuyến khích nhiều nhà kinh doanh tham gia vào thị trường hơn,” cô nói.
Tony Lo - Giám đốc Midland IC&I, nơi tập trung vào các cửa hàng kinh doanh và các lĩnh vực về văn phòng và công nghiệp, cho biết việc mở rộng nhanh chóng ở lĩnh vực này khởi đầu vào thời điểm thị trường bán lẻ giảm đi, điều này làm cho việc mở cửa hàng tại các địa điểm đông đúc nhất trở nên hợp lý hơn.
Ví dụ, thuê chỗ tại các cửa hàng riêng lẻ mặt tiền ở Mong Kok và Causeway Bay giảm khoảng 30% đến 40% so với mức cao nhất trong năm 2014.
“Các nhà kinh doanh trà sữa trân châu khó có thể kiếm được bất kỳ mặt bằng cửa hàng nào thế này ba hoặc bốn năm trước đây,” ông nói.
Phiên An (theo SCMP)