Người nhà không rõ chiếc kim nằm trong cơ thể bé từ lúc nào. Người bố cho biết ngày 10/10 bé sốt 39 độ không rõ nguyên nhân. Trước đó, cứ hai đến ba ngày, bé lại sốt. Kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện cây kim cắm vào phần mềm vùng cơ lưng trái của bé, ở đốt sống 11.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng phẫu thuật cho bệnh nhi, sau khi chụp CT dựng hình 3D lồng ngực và siêu âm thành ngực. Để xác định chính xác vị trí cây kim, các bác sĩ lại tiếp tục tiến hành siêu âm ngay trong lúc mổ.
Các bác sĩ cuối cùng đã lấy ra thành công chiếc kim khâu dài 17mm đã bị gỉ đen. Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bé đã ổn định trở lại.
Bác sĩ Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh Hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ kim khâu là vật nhọn nhỏ nên có thể dễ dàng xuyên qua da vào cơ thể mà không gây đau đớn nhiều. Khi vào trong cơ thể, tùy theo sự vận động của người bệnh, kim có thể di chuyển tới nhiều bộ phận khác nhau, việc phẫu thuật lấy kim trở nên rất khó khăn.
Để phòng tránh tai nạn từ kim khâu, cần cẩn thận trong khi sử dụng, tránh để rơi rớt kim ra sàn, chăn, chiếu.