![]() |
Game online đang là chủ đề thời sự. |
Trao đổi qua Yahoo Messenger với VnExpress, một game thủ 18 tuổi đang học tập tại Singapore, tín đồ của MUOnline, tâm sự: Em nghiện MU như thể người ta nghiện thuốc vậy.
Là một trong những thành viên đầu tiên, nhỏ tuổi nhất của một Guild tiếng tăm, gamer Nguyễn Thượng Hoàng Sơn với nickname son11b15 đến với game online từ rất sớm, ngay khi lục địa MU có mặt tại Việt Nam. Sơn hào hứng nói: Em chơi rất nhiều game online, nhưng bây giờ chỉ tập trung luyện MU. Ngoài thời gian học tiếng Anh, hầu như em online chơi game và chat suốt. Tuy thế, em vẫn luôn ý thức tận dụng thời gian học mọi lúc mọi nơi, ngay trên xe điện ngầm đến trường và cả khi online".
Không phải là "cao thủ" có thâm niên kỳ cựu như Sơn, ông Trần Quang Huy, giảng viên một trường đại học chỉ bắt đầu làm quen với game online khi Võ lâm truyền kỳ (VLTK) công bố thu phí. Có lẽ từ sự tò mò, muốn thử tìm hiểu lý do vì sao trò chơi trực tuyến lại có sức hút mạnh mẽ với game thủ, giới sinh viên học sinh. Sự đơn giản và gần gũi của game từ các bang phái như Thiếu Lâm, Nga Mi, Cái Bang cho đến những cái tên rất kêu như VoDanhKiemKhach, PhongLuuDaiHiep hay TieuLongNu đã khiến VLTK lên cơn sốt.
Bất cứ khi nào rảnh bạn bè lại rủ nhau online hành hiệp thay vì kéo đi ăn nhậu, cafe, bida... Lúc đầu tôi chỉ chơi game khi rỗi việc ở trường, nhưng bây giờ thì đăng ký luôn ADSL tại nhà tranh thủ 'cày' thêm buổi tối, ông Nguyễn Quang Huy, cho biết. Đó là trò giải trí đơn giản, vui vẻ, giảm stress hiệu quả và có lẽ ít tốn kém hơn các hình thức giải trí khác.
Gamer 20 tuổi có nickname ifritam, đã làm quen với đủ thể loại game với khoảng thời gian hơn15 năm, phân tích: Ý kiến phản ánh tiêu cực về người nghiện game hoàn toàn không sai, nhưng thông thường nó được phản ánh bằng lý trí của những người ngoài cuộc, thiếu đi cảm xúc cần thiết đối với loại hình giải trí này và vì thế tính thuyết phục cũng giảm nhiều.
Trò chơi trực tuyến hấp dẫn vì giúp cho trí tưởng tượng của người chơi có dịp thăng hoa, bay bổng, gạt đi những ưu tư, lo lắng thường nhật. Game thủ ifritam cho rằng: "Hầu hết người đến với game lần đầu là do cảm giác thích thú, lạ lẫm, sau đó họ tìm thấy sự thanh thản, an toàn và cuối cùng là 'nghiện'. Riêng với các gamer thật sự thì trò chơi online luôn tạo ra động lực khiến họ không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về nó".
Thực tế, game online còn là một thế giới riêng mà nơi đó thể hiện những suy nghĩ và hành động của con người bằng xương bằng thịt. Khá nhiều người chơi gặp nhau trong thế giới ảo và trong đời thực đã nhận xét rằng có sự tương đồng và giống nhau về tính cách giữa người chơi và nhân vật nhập vai. Với một số người, game online có thể biến họ thành những con người khác, tích cực hơn như dễ thích nghi môi trường, tự tin giao tiếp... Tuy nhiên, một số khác có thể suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Tôi khá quan tâm đến game online và đang muốn chơi để xem thế nào. Tuy nhiên, chơi game nhiều trên máy tính thì hoàn toàn không tốt cho sức khoẻ lẫn tinh thần. Việc chơi game quá độ đang là đáng báo động, ông Chu Dũng, chuyên viên tư vấn tâm lý xã hội, cho biết. Đối với những thanh thiếu niên nghiện game thì việc cấm cản không hẳn sẽ mang lại tác dụng, vấn đề chính yếu là làm sao tác động vào nhận thức của người chơi giúp họ thấy rõ tác hại của sự lạm dụng chơi game.
Nhiều phụ huynh và gamer đồng tình rằng: Game online là trò giải trí lành mạnh nếu người chơi biết điều tiết thời gian hợp lý, không quá sa đà đến bỏ ăn quên ngủ, chểnh mảng việc học việc làm. Gần đây, cơn sốt trò chơi trực tuyến vẫn tiếp tục cuốn hút cả những bậc "tiền bối", giới trí thức và doanh nhân nhập cuộc, mặc cho rất nhiều ý kiến phản ánh về các ảnh hưởng tiêu cực của nghiện game.
Các điểm dịch vụ Net đầy kín fan của trò chơi trực tuyến, số lượng người chơi tại nhà cũng ngày một gia tăng. Khi giá cả thuê bao ADSL ngày một giảm, những gamer hàng U30 trở lên có điều kiện thường sẽ chọn online tại nhà như một xu hướng mới tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí cá nhân. Một số phụ huynh cũng đã nghĩ đến việc dùng kết nối băng rộng tại nhà như một giải pháp giúp gia đình giám sát, hạn chế thời gian chơi game, đồng thời bảo vệ con em họ khỏi những tác động xấu từ môi trường xã hội phức tạp.
"Tôi nghĩ bất kỳ người chơi game nào cũng biết rõ những tác hại của việc nghiện game, và hiển nhiên game cũng mang lại một giá trị lợi ích nào đấy về mặt tinh thần đối với người chơi", bà Nguyễn Thị Thu Thảo, phụ huynh của 2 anh em game thủ đang là học sinh cấp 2 và cấp 3, nhận xét: "Đó cũng là một hình thức giải trí. Và thay vì cấm đoán các cháu nhỏ chơi game, phụ huynh nên quan tâm đến nội dung game cũng như giờ giấc chơi game. Nếu có điều kiện, online tại nhà vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo rằng các cháu đang giải trí lành mạnh và tích cực".
Ngọc Hằng