Xperia Z5 vẫn mang đặc phong cách thiết kế nguyên khối Omni Balanced quá quen thuộc của Sony từ gần 3 năm qua. Vẫn là một chiếc smartphone trông vuông vức, đẹp theo kiểu sang và đơn giản, mặt trước và sau phẳng lỳ, ít chi tiết, cùng bộ vỏ chống nước, chống bụi.
Thiết kế
So với Z3 và Z3+ (Xperia Z4), khung viền kim loại bao quanh thân Xperia Z5 được hoàn thiện liền lạc, chỉn chu hơn. Như phần khung kim loại được phủ lớp sơn mịn chống bám bẩn, có cùng tông màu với phần lưng và thêm logo Xperia được khắc chìm vào bên hông. Nhưng cảm giác cầm của Xperia Z5 thì chán và kém thoải mái hơn hai đời trước. Khi vuốt tay từ lưng ra tới viền, phần khung viền nhô lên khỏi mặt kính nên cấn tay.
Chi tiết mới lần đầu xuất hiện trên Xperia Z5 là cảm biến vân tay. Nó được đặt ở cạnh phải thay thế cho phím nguồn hình tròn đặc trưng trên nhiều mẫu Z đời trước. Nếu so với cách bố trí cảm biến vân tay thường thấy trên điện thoại, ở phím Home của iPhone hay Galaxy hay ở mặt lưng một số model của Huawei, Oppo, cách bố trí của Sony đem lại trải nghiệm khó chịu.
Xperia Z5 chỉ thuận tiện cho việc mở bằng ngón cái tay phải hay ngón trỏ tay trái. Cảm biến được đặt chìm nên việc mở sáng màn hình cũng cần nhiều lực mỗi khi cần dùng. Nếu đặt máy trên bàn, thường sẽ phải nhấc máy lên mới chạm được phím vân tay, bất tiện chả kém việc đặt ở lưng. Tốc độ đọc và nhận diện vân tay của Xperia Z5 khá nhạy, tương đương với Galaxy S6 hay iPhone 6 nhưng do cách bố trí ở viền nên thao tác dùng bị chậm, hay lỗi.
Phần khung viền kim loại trên chiếc Z mới "xịn" và được trau chuốt kỹ hơn Z3 hay Z3+ đời trước. Nhưng thực tế khi so sánh với những sản phẩm cao cấp khác, như iPhone 6s hay Galaxy Note 5, S6 edge, độ tinh xảo và liền lạc của Sony lại không bằng. Phần bọc bao quanh giắc tai nghe 3,5 mm hở khá rõ, dễ dính bụi bẩn nếu dùng lâu. Bốn đỉnh bọc nhựa ở khung viền khít hơn ở Z3 và Z3+, nhưng vẫn còn độ hở.
Điểm thích thú nhất ở thiết kế của Xperia Z5 là màu sắc. Mặt kính lưng máy không kiểu trong mà là loại kính mờ. Nhờ vậy, việc dễ bị bám bẩn vân tay đã được Sony giải quyết. Vàng và xanh là hai màu mới của mẫu Xperia này. Cả hai đều đẹp và cuốn hút hơn những màu đen, trắng vốn đã quá quen thuộc trên smartphone hiện giờ. Vẫn có bản màu đen, nhưng mặt lưng của Z5 không còn là đen bóng như Z3, mà có màu ghi xám như than chì, khá giống màu ghi xám trên vỏ nhôm iPhone 6 và 6s.
Camera
Cùng với ngoại hình, camera trên Xperia Z5 được Sony làm mới và thay đổi rõ so với những chiếc Z cũ. Ba khác biệt chính là camera 23 megapixel, thay vì 20,7 megapixel như từ thời Xperia Z1, công nghệ lấy nét lai cho tốc độ bắt nét và chụp rất nhanh cùng phần mềm camera mới.
Theo đánh giá từ DxoMark, hãng chuyên đánh giá và thử nghiệm cảm biến máy, Xperia Z5 là điện thoại chụp hình tốt nhất hiện nay với 87 điểm, nhỉnh hơn Galaxy S6 edge (86 điểm) và tốt hơn nhiều so với iPhone 6 và 6s hay Xperia Z3+ tiền nhiệm (cùng 82 điểm).
Trong các thử nghiệm thực tế, Xperia Z5 cho thấy khả năng lấy nét tự động tốt và nhanh trong tất cả các điều kiện, cân bằng trắng chính xác, ánh sáng từ đèn flash tốt và độ nhiễu ảnh được kiểm soát. Khả năng ổn định hình ảnh được đánh giá là vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, máy cũng có một số nhược điểm như bầu trời xanh được tái tạo chưa thật và một số vùng có thiên hướng hơi quá sáng khi chụp cảnh ngoài trời. Giống như Xperia M5, Z5 gặp hiện tượng mất nét ở rìa ảnh so với trung tâm và camera chụp selfie khiến da bị ám vàng.
Ảnh chụp thử từ Z5:
Sau nhiều chê trách về phần mềm, cuối cùng Sony đã chịu cải tiến giao diện của ứng dụng camera mặc định trên Xperia Z5. Nếu vẫn đang dùng giao diện cũ, người dùng chỉ cần vào ứng dụng What's New và chọn cập nhật.
So với phần mềm camera trên Xperia Z3 hay Z3+, giao diện của Xperia Z5 thoáng và dễ tuỳ chỉnh hơn. Người dùng chỉ cần vuốt tay để chuyển sang chế độ chụp Manual (thủ công) hay quay video, sử dụng các hiệu ứng, giảm bớt một thao tác như trước.
Chế độ tự động (Super Autorior), đã có thể thay đổi độ phân giải, để tối đa 23 "chấm" với tỷ lệ 4:3 hay dùng tỷ lệ 16:9 với độ phân giải 20 "chấm" thấp hơn, thay vì bị giới hạn ở 8 megapixel. Với chế độ thủ công Manual, thanh thay đổi cân bằng trắng, bù trừ sáng cũng chỉ mất một lần bấm để hiển thị ra.
Tuy nhiên, nếu so với những mẫu smartphone chụp tốt như iPhone 6, 6s hay Galaxy Note 5, LG G4, giao diện chụp hình trên Xperia Z5 vẫn khó quen với người dùng thông thường, đơn giản như chế độ HDR vẫn bị giấu kỹ trong phần cài đặt của chế độ Manual. Trong khi với người thích chụp ảnh và cần sự chuyên nghiệp hơn, chế độ Manual lại bị hạn chế khi không có chế độ lấy nét tay, không cho phép thiết lập tốc độ chụp để có thể phơi sáng hay lưu ảnh dưới định dạng RAW...
Camera phẳng, không bị lồi do không có ống kính chống rung quang học OIS. Tuy nhiên, khả năng chống rung điện tử khi quay video trên Xperia Z5 khá ổn, ổn định hình ảnh hơn so với iPhone 6 và 6s và không thua nhiều những model có chống rung OIS.
Ở chế độ quay video 4K, Xperia Z5 vẫn cho thấy bị nóng lên nhanh sau khoảng 30 giây hoạt động nhưng không bị nóng bằng Z3 và Z3+. Cảnh báo nhiệt bắt đầu xuất hiện khi quay video 4K liên tục lâu hơn, tới khoảng 9 đến 10 phút. Sau đó camera tự động ngắt để nguội bớt. Đây là điểm cải thiện tốt hơn ở Z5 so với hai đời trước.
Hiệu năng và pin
Nóng cũng là vấn đề đáng chú ý tới trên Xperia Z5. Chung cấu hình với Xperia Z3+, đều dùng chip Snapdragon 810, nhưng Xperia Z5 hoạt động ổn định hơn Z3+. Nhiệt độ vẫn tăng lên khá rõ khi người dùng chơi game, sử dụng camera liên tục, nhưng nó không gây ra cảm giác khó chịu rõ rệt khi cầm như Z3+. Sony đã có cải tiến vào chính thiết kế phần cứng khi bổ sung thêm ống tản nhiệt giúp cho chip bớt nóng. Điều này khiến cho Z5 dày hơn Z3+ tới 0,4 mm trong khi dung lượng pin còn giảm.
Hiệu năng trên Xperia Z5 là điểm khó thể chê trách ngoại trừ việc nóng do chip Snapdragon 810 của Qualcomm gây ra. Với RAM 3GB cùng hệ điều hành Android 5.1 Lollipop và giao diện Xperia được tinh giản, dùng chủ yếu hiệu ứng đồ hoạ từ giao diện gốc của Google nên máy cho trải nghiệm mượt mà và nhanh nhạy. So với Samsung hay LG, giao diện của Sony mượt và cũng đẹp hơn, có thể đổi Theme nếu thích
Khả năng quản lý RAM và chạy đa nhiệm trên Z5 ấn tượng. Người dùng không cần quan tâm đến bao nhiêu ứng dụng đang chạy nền, mà vẫn có thể mở nhiều cửa sổ ứng dụng mini chạy đồng thời được hãng gọi là Mini Apps. Dù vậy, trừ việc bớt nóng thì trải nghiệm phần mềm lẫn hiệu năng của Xperia Z5 chưa đem lại khác biệt rõ rệt so với Xperia Z3 và Z3+. Nếu quan tâm đến cấu hình, việc nâng cấp lên Z5 không cần thiết.
Điểm đáng khen trên Xperia Z5 nằm ở pin, dù không được như Xperia Z3 khi đã giảm dung lượng đi kha khá. Ngay cả khi sử dụng 2 sim, máy vẫn cho thời gian hoạt động được hơn một ngày. So với đối thủ 2 sim cùng phân khúc cao cấp, LG G4, pin của Z5 tốt hơn nhiều. Nó cũng khá hơn iPhone 6s và Galaxy S6 khi thời lượng dùng cùng mức độ nhiều hơn khoảng 25%. Trong thử nghiệm pin, khi xem video, duyệt web liên tục băng công cụ PC Mark, Z5 đạt được 6 giờ 22 phút.
Âm thanh và màn hình
Chất lượng âm thanh trên Xperia Z5 có sự tương đồng với Xperia Z3+ và cả Z3. Sở hữu cặp loa kép hướng về mặt trước như Z3 nhưng của Xperia Z5 được đặt gọn và kín vào gần mép viền như trên Z3+. Cặp loa này cho hiệu ứng tốt khi chơi game, xem phim khi hướng ra phía trước. Âm thanh sắc sảo và hay nhưng âm lượng không to, sống động như HTC BoomSound.
Bù lại, khả năng chơi nhạc và phối ghép với tai nghe mới là ưu điểm thực sự của Xperia Z5 và dòng Xperia cao cấp nói chung. Sản phẩm hỗ trợ tiêu chuẩn âm thanh chất lượng cao Hi-res Audio của Sony, tích hợp các công nghệ âm thanh DSEE HX như các dòng máy chuyên chơi nhạc Walkman.
Về cơ bản, nó giúp cho Xperia Z5 có thể xử lý và phát các bài nhạc ở chất lượng 24-bit/192kHz, cao hơn CD thông thường (16-bit/44.1kHz). Các bản nhạc chất lượng thấp hơn như MP3 cũng có thể được cải thiện, cho âm thanh hay và tốt hơn nhờ vào phần mềm. Điểm thích nhất ở Xperia Z5 nếu so với các smartphone Android của hãng khác là chế độ tối ưu âm thanh với từng loại tai nghe.
Màn hình không quá được chú trọng ở Z5 bởi nó vẫn đem lại chất lượng hiển thị xuất sắc giống như Z3 và Z4 trong khi độ phân giải vẫn chỉ ở mức Full HD. Không cần đến độ phân giải 2K pixel như S6 hay G4, Xperia Z5 cho hình ảnh trong và màu sắc rất trung thực nhờ hàng loạt công nghệ khá nổi tiếng của Sony, như tấm nền Triluminous hay bộ xử lý X-Reality, Mobile Bravia Engine.
Khi đặt iPhone 6s và 6s Plus, những model cũng dùng tấm nền IPS LCD và độ phân giải tương đương, bên cạnh Xperia Z5, bạn sẽ có cảm giác không muốn dùng iPhone nữa. Màn hình từ smartphone của Sony thực sự đẹp và cuốn hút hơn nhiều, màu sắc sống động, độ tương phản cao và rất trong, tông màu trắng cũng thể hiện chính xác hơn.
Video đánh giá Sony Xperia Z5
Với mức giá chính hãng lên tới 17 triệu đồng, Xperia Z5 lại chưa phải là một model cao cấp đáng tiền và thực sự hấp dẫn trong nửa cuối 2015. Camera tốt nhưng chưa đem lại trải nghiệm sử dụng dễ dàng với người dùng thông thường, thiếu những tính năng cho người chụp chuyên nghiệp hơn. Galaxy S6, Note 5 hay LG G4 có thể làm hay hơn. Những cải tiến của Sony, ở thiết kế lẫn tính năng, dù ổn và cần thiết nhưng chưa đáng để người dùng Xperia Z3 hay Z4 bỏ tiền lên đời.
Z5 là chiếc Xperia cao cấp đầu tiên được Sony bán chính hãng ở Việt Nam với phiên bản 2 sim. So với G4, tính năng 2 sim trên Sony tốt hơn nhiều khi không cần chuyển sim chính và phụ thủ công. Tuy nhiên, khi một sim hoạt động (nhận hay thực hiện cuộc gọi) thì sim kia sẽ ngắt.
Tuấn Anh