Ba màu đỏ, bạc, đen. Ảnh: Cnet. |
Gần đây, Sony hình như đặc biệt chú trọng dòng máy ảnh thời trang T, nên không ngừng mở rộng bằng những phiên bản mới. Thành viên mới nhất của serie này chính là chiếc Cybershot DSC-T50. Như phiên bản tiền bối T30, T50 đến với cảm biến ảnh CCD 7,2 triệu điểm ảnh, hệ thống ổn định ảnh quang học; ống kính zoom quang 3x F3.5-to-F4.3, 38 - 114 mm (tương đương trên máy ảnh 35 mm), và mức nhạy sáng lên tới ISO 1,000.
Tuy nhiên, nét mới ở T50 là màn hình cảm ứng 3", trong khi ở phiên bản trước T30 chỉ có màn hình LCD 2,5 inch. Màn hình cảm ứng cũng chính là sai khác lớn nhất giữa hai model này, do đó đứng trước chúng người dùng chỉ phải quyết định một phân vân duy nhất, có thích màn hình cảm ứng hay không.
Thiết kế
Giá cả của T30 và T50 gần như tương đương nhau là điều đáng khâm phục nhất ở Sony. Chúng ta thường gặp khá nhiều màn hình cảm ứng trong các máy quay của Sony nhưng hầu như không ai thích giao diện này. Nhìn chung, thường xảy ra hiện tượng nhầm lệnh do giao diện chật hẹp tù túng, đặc biệt với các màn hình dưới 3". Điều tồi tệ nhất ở các màn hình cảm ứng này là chúng không thật nhạy bởi các nút khá cứng nhắc. Với mỗi nút ảo trên màn hình cảm ứng có khi phải nhấn nhiều lần nó mới nhận lệnh.
Sony cũng trang bị cho máy một bút stylus, giúp đỡ khá nhiều nhưng không có khe để cắm vào thân máy. Thay vào đó, người dùng sẽ phải cột nó vào thân máy bằng dây đeo. Bên cạnh stylus, lời khuyên cho người dùng là nên để móng tay dài, bởi việc dùng móng tay điều khiển máy sẽ nhận lệnh tốt hơn là dùng các đầu ngón tay mềm mại. (Nhưng những móng tay sắc nhọn cũng dễ gây tổn thương bề mặt màn hình).
*Sony T10 - tài sắc vẹn toàn |
*Năng động Sony Cybershot T30 |
*Các máy ảnh Sony |
Trong hệ thống menu, có một số chi tiết được thiết kế lại. Chẳng hạn, màn hình đầu tiên bạn sẽ gặp ngay 7 lựa chọn: chế độ chụp, chế độ flash, lấy nét, độ phân giải, bù phơi sáng, hẹn giờ bật/tắt, và bật/tắt gương hỗ trợ chụp macro/phóng đại cũng như một nút menu. Nút menu dẫn bạn tới mức menu thứ hai, để điều chỉnh các cài đặt khác, như ISO, cân bằng trắng, chế độ màu, đo sáng, chất lượng ảnh JPEG... và có một nút dẫn tới menu cài đặt (Setup menu), để bạn có thể điều chỉnh các cài đặt khác nữa. Điều này có nghĩa là, bạn sẽ phải chạy qua hai trang rồi mới đến phần điều chỉnh định dạng thẻ nhớ hay bật chức năng chụp liên tiếp giảm lỗi mắt đỏ với flash mặc định trước.
Tính năng
Ngoài những vấn đề nhắc đi nhắc lại liên quan đến màn hình cảm ứng, không có nhiều vấn đề cần nhấn mạnh với các tính năng khác ở T50. Đơn giản là vì các tính năng cài đặt còn lại hầu như không đổi. Nếu bạn chỉ thích sử dụng máy ảnh này để chụp ngay lập tức, bạn chỉ cần nhìn vào màn hình để ngắm, bấm nút chụp, hoặc chỉnh zoom xa gần với nút chuyên dụng phía sau. Tức là tổng cộng không có quá hai nút để bạn sử dụng.
Sony dành ra khá nhiều khoảng trống, nhưng cũng hỗ trợ tăng độ linh hoạt, hỗ trợ màn hình LCD bằng một số nút bấm cạnh màn hình để đơn giản hoá hệ thống menu. Tuy nhiên số lượng nút bấm kiểu này không nhiều. Cụ thể là chỉ có một vài nút bấm chuyên dụng, cho phép truy cập trực tiếp vào ba mức menu bên trong màn hình để camera thêm tiện dụng.
Màn hình cảm ứng giúp tối giản các nút bấm của máy. Ảnh: Cnet. |
Còn lại các tính năng và chức năng chủ yếu khác đều tương tự như ở T30, sản phẩm đang chiếm được cảm tình của người dùng. Hiển nhiên, bạn sẽ không thể tìm thấy các chức năng điều chỉnh phơi sáng bằng tay, nhưng cũng là tính năng hiếm gặp ở các máy ảnh bỏ túi như thế này. Nếu Sony thêm vào các chế độ mở và tốc độ mở cửa trập ưu tiên thì sẽ được nhiều người hoan nghênh hơn là một màn hình cảm ứng.
Một lời phàn nàn khác là ống kính zoom quang 3x chỉ xuất phát ở mốc 38 mm, trong khi nhiều máy hỗ trợ ở mức 28 mm. Góc xem rộng nhất của máy của T50 là ở khẩu độ mở F3.5, trong khi nếu là ống kính F2.8 sẽ tốt hơn, vì thích hợp chụp trong các điều kiện sáng thấp như bảo tàng, các câu lạc bộ đêm hoặc các bữa tiệc diễn ra trong nhà.
Khả năng thực thi
Khả năng thực thi của T50 thuộc loại nhanh. Nó chỉ cần 1,5 giây để khởi động, và chụp các bức ảnh với tần suất cũng 1,5 giây/bức khi không có flash, và kể cả khi có flash cũng nhanh nhẹn, 2,1 giây/bức. Trễ mở cửa trập là 0,5 giây với các bức hình tương phản cao và 1,5 giây với các điều kiện tương phản thấp. Máy ảnh này còn hỗ trợ chụp liên tiếp với tốc độ 1,3 bức/giây với các bức hình JPEG kích thước VGA, và 1,4 hình/giây khi chụp ảnh JPEG có độ phân giải tối đa 7,2 Megapixel.
Chất lượng hình ảnh
Trong các điều kiện sáng yếu, DSC-T50 tỏ ra rất cừ khôi khi ghim nhiễu ở mức chất nhận được thậm chí ở độ nhạy sáng cao nhất ISO 1.000. ISO 80 và ISO 100, nhiễu hoàn toàn không tồn tại. Còn tại mốc ISO 200, nhiễu có mặt những không ảnh hưởng gì nhiều đến tính chi tiết. Còn với ISO 400, nhiễu đáng kể và cho phần nào ảnh hưởng đến tính chi tiết, nhưng không hề gì nếu xem hình ở tỷ lệ 100%. Tại mốc ISO 800, đã có một vài điểm rối và nhiễu có thể nhìn thấy được và nặng hơn ở mức ISO 1.000. Tuy nhiên, nhìn chúng, kể cả với ISO cao nhất, hình ảnh thu được vẫn cho phép in ra các bức ảnh kích thước 10 x 15 sắc nét hoặc xem trên monitor với đúng kích thước (full-size).
Nắp đậy ống kính được thiết kế độc đáo. Ảnh: Cnet. |
Nói cách khác, bất chấp thiết kế cách tân lạ lẫm và chưa hoàn hảo với màn hình cảm ứng 3", chất lượng hình ảnh mà Sony Cyber-shot DSC-T50 đem lại đã khiến người ta hài lòng. Màu sắc thu được bão hoà, chính xác và chi tiết ở các mức ISO nhỏ. Chế độ cân bằng trắng tự động cho hình ảnh ngả sang gam ấm áp dưới ánh đèn dây tóc, nhưng khi cài đặt chế độ chụp "tungsten", cho hiệu quả là màu trung tính hơn. Dưới ánh sáng ban ngày, chế độ cân bằng trắng quả nhiên cho tác dụng rõ rệt, giúp màu tươi sáng, tự nhiên.
Tóm lại, nếu bạn thích giao diện màn hình cảm ứng, Sony Cyber-shot DSC-T50 là lựa chọn tốt nhất trong nhánh các máy ảnh bỏ túi. Nếu bạn thích kiểu điều khiển truyền thống, Sony DSC-T30 có đủ những thứ mà T50 được trang bị trong một kiểu dáng thời trang và tính năng y hệt. Về chất lượng, cả hai cũng tương đương, và cho hình ảnh sáng đẹp, rực rỡ, đặc biệt trong những điều kiện thiết sáng.
T.B. (theo Cnet)