Trong quý kết thúc vào ngày 30/6, lợi nhuận hoạt động của Sony đã tăng lên 280,1 tỷ yen (2,57 tỷ USD), so với mức 221,7 tỷ yen đạt được cùng kỳ năm ngoái. Con số này tốt hơn so với dự đoán trung bình 207,96 tỷ yên từ 10 nhà phân tích do Refinitiv khảo sát.
Nhờ đại dịch, nhu cầu mua sắm máy chơi game PlayStation 5 (PS5), TV, máy ảnh, và tiêu thụ các nội dung nhạc và phim gia tăng, Sony quyết định nâng dự báo lợi nhuận cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 lên 980 tỷ yen, từ 930 tỷ yen đưa ra trước đó.
Sony đã hưởng lợi mạnh mẽ từ nhu cầu sắm máy chơi game PlayStation 5 khi mọi người ở nhà, mặc dù sự thiếu hụt chất bán dẫn có nghĩa là hãng này không thể sản xuất đủ máy chơi game để đáp ứng nhu cầu.
Hồi tháng 5, Sony dự kiến bán được 14,8 triệu chiếc PS5 trong năm tài chính này. Ra mắt tại các thị trường trọng yếu vào tháng 11/2020, máy chơi game này có giá bán lên tới 500 USD và nhanh chóng "cháy hàng".
Sony coi PS5 là một cách để kết nối mảng thiết bị điện tử tiêu dùng truyền thống của mình với hoạt động kinh doanh nội dung, bằng cách khuyến khích thuê bao tải xuống các trò chơi trực tuyến và đăng ký các dịch vụ giải trí.
Sau khi hợp lý hóa mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng, Sony đang đẩy mạnh mảng kinh doanh phân phối và nội dung giải trí. Vào tháng 12, công ty đã đồng ý mua công ty kinh doanh hoạt hình Crunchyroll của AT&T với 3 triệu người đăng ký trên toàn thế giới. Sony cũng cung cấp các bộ phim do hãng sản xuất trên dịch vụ phát trực tuyến của Walt Disney và trên Netflix.
Vào tháng 5, công ty cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh nội dung thông qua việc thâu tóm. Sony định chi 2.000 tỷ yen trong 3 năm tới cho các khoản đầu tư chiến lược, nhằm gia tăng lượng thuê bao cho các dịch vụ trò chơi và giải trí.
Phiên An (theo CNBC)