Alpha A550 là phiên bản ống kính rời tầm trung mới nhất của Sony nhằm hướng đến những người đam mê nhiếp ảnh hoặc muốn nâng cấp từ dòng DSLR bình dân. Song hành cạnh "đàn em" A500 ra mắt cùng thời điểm, A550 thể hiện tham vọng của hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản trong việc cạnh tranh thị phần với hai "ông lớn" Nikon D90 và Canon EOS 50D. Chất lượng ảnh RAW tốt, tốc độ chụp liên tiếp nhanh và hệ thống điều khiển tiện lợi là những "điểm cộng" rất đáng hoan nghênh ở dòng máy mới này.
Sony Alpha A550 đang là đối thủ đáng gờm của Nikon D90 và Canon EOS 50D. Ảnh: Cameralabs. |
Kiểu dáng của A550 khá giống phiên bản bình dân A380 nhưng thân máy lớn hơn và hệ thống phím phức tạp hơn một chút. Máy có kích thước ba chiều là 137 x 104 x 84 mm và khối lượng chưa kể pin là 600 gram, ngang ngửa model Nikon D90 và hơi nhỏ so với Canon 50D. A550 cầm chắc chắn và đầm tay hơn hẳn so với những "đàn em" thuộc dòng tầm thấp như A230, A330 và A380. Hệ thống nút bố trí khá hợp lý trên mặt máy giúp người dùng điều khiển nhanh các thông số cả khi nhìn qua kính ngắm hay sử dụng chức năng Live View.
Giao diện A550 được thiết kế rất đơn giản với hai tùy chọn: hiển thị các thông số cơ bản với hình vẽ minh họa (trên) hoặc hiển thị toàn bộ các thiết lập với biểu tượng nhỏ hơn (dưới). Ảnh: Dpreview. |
Màn hình của A550 có độ lớn 3 inch, độ phân giải 920.000 điểm ảnh. Màn hình này còn có thể lật 90 độ dọc theo hai trục, rất hữu dụng khi sử dụng tính năng ngắm ảnh sống trong các góc chụp khó như cao quá đỉnh đầu hay đặt sát mặt đất. LCD này sử dụng công nghệ Xtra Fine giúp chống lóa và hạn chế các sai lệch màu sắc. Ngoài ra, tính năng Auto Brightness Control còn giúp tự động điều chỉnh độ sáng và tương phản màn hình tùy theo môi trường. Hơi đáng tiếc khi Sony không trang bị cho A550 màn hình phụ thứ hai trên mặt máy như các model tầm trung của Canon và Nikon. Bù lại, giao diện máy được thiết kế rất đơn giản với hai tùy chọn: hiển thị các thông số cơ bản với hình vẽ minh họa hoặc hiển thị toàn bộ các thiết lập với biểu tượng nhỏ hơn.
Chế độ Live View thông dụng sử dụng cảm biến nhỏ đặt gần ống ngắm quang. Ảnh: Dpreview. |
Sony cung cấp cho A550 hai chế độ Live View rất thú vị. Với kiểu ngắm sống thông thường, ánh sáng từ ống kính sẽ được dẫn tới một cảm biến nhỏ đặt gần ống ngắm quang. Cảm biến này sẽ thu nhận và truyền tải hình ảnh xuống LCD. Tuy nhiên, theo Cameralabs, phương pháp này khá tệ khi chỉ cho phép hiển thị 90% khung hình, nhỏ hơn cả độ phủ của viewfinder. Tỷ lệ hiển thị cũng không đạt tới 1:1 nên hơi khó cho việc lấy nét tay và điều chỉnh các sai lệch về trường nhìn và góc ngắm. Ngoài ra, việc lắp đặt thêm một cảm biến trong buồng lăng kính năm mặt cũng ảnh hưởng tiêu cực tới độ phóng đại của kính ngắm quang học. Viewfinder trên A550 có độ phủ khoảng 95% và hệ số phóng đại đạt 0,8x, thua xa tỷ lệ 0,94x trên Nikon D90 và 0,95x trên Canon 50D. Khi chuyển sang chế độ ngắm sống thứ hai (MF Check Live view), gương phản xạ sẽ bật lên và ánh sáng truyền thẳng tới cảm biến chính của máy. Màn hình hiển thị 100% khung hình và cho phép phóng đại vùng lấy nét lên tới 14 lần để kiểm tra độ chính xác của việc lấy nét bằng tay.
Sony A550 có ngàm tương thích cả với các ống dòng A của Minolta. Cảm biến CMOS sử dụng công nghệ Exmor R tiến tiến hơn phiên bản CCD trên A350 và A380. Ảnh: Dpreview. |
Cảm quang CMOS Exmor của A550 có kích cỡ 23,4 x 15,6 mm và độ phân giải 14,2 Megapixel. Công nghệ chống rung thân máy SteadyShot làm việc với tất cả ống kính tương thích. Thử nghiệm cho thấy, cơ chế này làm việc rất hoàn hảo, giúp nâng thời gian phơi sáng lên tới 2,5 đến 4 stop mà không sợ bị nhòe hình. Theo Dpreview, ảnh thu được có độ chi tiết cao, tuy nhiên, chất lượng JPEG xuất ra vẫn chưa thật sự tương xứng với đẳng cấp cảm biến trang bị trên máy. Khi chuyển sang ảnh RAW, vấn đề này sẽ được giải quyết. Chất lượng ảnh thô thu được có thể ngang ngửa với các đối thủ cùng tầm và có thể sử dụng tốt tại thiết lập ISO lên tới 3.200. Tính năng tự động tối ưu hóa dải tương phản hoạt động rất tuyệt vời, giúp kiểm soát tốt chi tiết trên các vùng thiếu và thừa sáng. Tuy vậy, theo Dpreview, cân bằng trắng đôi khi hoạt động thiếu chính xác khiến ảnh có xu hướng bị ngả về gam lạnh hay đôi khi tương phản và màu bị đẩy cao quá mức.
Thử nghiệm tính năng khử nhiễu của Sony Alpha A550 và Nikon D90. Theo nhận định, ống kit 18-105 VR của D90 có chất lượng nhỉnh hơn kit 18-55 SAM của A550 một chút. Tại thiết lập ISO 3.200 và 6.400, Sony A550 có xu hướng khử nhiễu hơi mạnh khiến ảnh bị bết và mất khá nhiều chi tiết tại các vùng tối. Ảnh cho bởi Nikon D90 xuất hiện sạn nhỏ nhưng vẫn giữ được phần lớn chi tiết và không bị biến dạng màu. Ảnh: Cameralabs. |
Dải ISO của máy trong khoảng từ 200 đến 12.800, tăng từng nấc 1 EV. Tính năng khử nhiễu tại trên A550 được đánh giá tốt hơn model A500 và các phiên bản Alpha bình dân khác. Theo Cameralabs, tại thiết lập mặc định, máy có xu hướng khử nhiễu hơi mạnh khiến ảnh bị bết màu và mất nhiều chi tiết. Bù lại, ảnh trông sạch và mịn hơn. Sạn nhỏ có thể phát hiện thấy ở một số vùng tối trên ảnh ngay cả khi ISO được thiết lập ở mức thấp, đặc biệt khi tính năng tối ưu dải tương phản được bật.
Các thông số thử nghiệm của Dpreview cho thấy máy có tốc độ thực thi nhanh nhưng chưa thật sự ấn tượng. Thời gian khởi động mất khoảng 0,5 giây so với tốc độ dưới 0,1 giây trên D90 và 50D. Thời gian chờ giữa hai ảnh đơn là khoảng 0,9 giây, ngang ngửa 50D nhưng hơi kém hơn D90 (0,6 giây). Bù lại, tốc độ chụp liên tiếp của máy khá "khủng". A550 có thể chụp 5 ảnh RAW mỗi giây, nhỉnh hơn D90 với 4,5 hình/giây nhưng lại thua 50D với 6,3 hình/giây. Trong chế độ chụp ưu tiên tốc độ (Speed Priority), A550 có thể đạt tới 7,1 hình/giây, liên tục 13 ảnh RAW hoặc 7 ảnh RAW+JPEG.
Điểm đáng tiếc ở A550 là máy không được trang bị chức năng quay phim vốn rất được ưa chuộng trên các dòng DSLR mới ra hiện nay. Ngoài ra, máy cũng không có tính năng cho phép xem trước độ sâu trường ảnh (DOF) như các đối thủ tầm trung đến từ Canon và Nikon. Sản phẩm đang được bán với giá khoảng 950 USD cho thân máy hoặc 1.050 USD cho bộ kit gồm thân máy và ống kính 18-55mm DT.
|
Trần Hạ tổng hợp