Sony Alpha A330 là một trong những mẫu máy mới nhất thuộc dòng DSLR khởi điểm của Sony. Máy được công bố vào tháng 5 và là bản kế vị của mẫu Alpha A300 với các tính năng gần như giống hệt: Cảm biến CCD 10,2 Megapixel, chống rung trong thân máy hoạt động tốt với mọi ống kính, hệ thống Live View nhanh nhạy và màn hình xoay được theo chiều dọc. Thay đổi lớn ở A330 là hình thức bên ngoài nhỏ và nhẹ hơn tiền bối, kết hợp với hệ thống nút bấm đơn giản hơn cho người mới chuyển từ máy compact lên DSLR.
Sony Alpha A330. Ảnh: Digicamereview. |
Sony đã thiết kế lại hoàn toàn vỏ ngoài cho Alpha A330, tạo một dáng vẻ khác hẳn so với các đối thủ. Đặc biệt, phần tay nắm khá bất thường - nó ngắn hơn những mẫu khác và thiếu phần lồi ra ở phía trên, giúp ngón giữa khỏi bị trượt. Những người quen cầm máy DSLR sẽ cảm thấy không hợp lắm với A330, nhưng dĩ nhiên, cảm giác trên tay là rất chủ quan và có thể thuận tiện hơn cho người mới chơi. Với thiết kế lược giản so với tiền nhiệm, A330 với trọng lượng 539 gram (đã giảm được121 gram), so với Canon 1000D và Olympus E520 thì nó vẫn còn cồng kềnh và nặng hơn vài chục gram.
Ngoài sự thay đổi bề ngoài, Sony còn sắp xếp lại vị trí của hàng loạt nút điều khiển, dựa trên phản hồi của khách hàng. Đèn flash được thiết kế bật cao hơn trước, nhưng đáng tiếc, cường độ sáng (GN) lại hơi yếu hơn so với đối thủ như Canon 1000D.
Sony đã xắp xếp lại vị trí hàng loạt nút điều khiển. Ảnh: Letsgodigital. |
Ống ngắm của Alpha 330 sử dụng kính penta-mirror (không phải lăng kính năm mặt), cho độ bao phủ 95% và độ phóng đại 0,74. So với đối thủ cạnh tranh là Canon 1000D và Nikon D3000, độ bao phủ tương tự, nhưng độ phóng đại lại nhỏ hơn khiến việc bố cục khung hình cũng như lấy nét tay không được thoải mái như đối thủ. Ngoài ra, để thấy được hết thông số trong ống ngắm, bạn phải ép sát mắt vào viewfinder, vì vậy những người đang đeo kính cần lưu ý đến khía cạnh này.
Lý do ống ngắm của A330 tương đối nhỏ là do Sony còn đưa thêm một cảm quang phụ vào, chuyên về live-view, giúp cho việc lấy nét trực tiếp qua màn hình trở nên nhanh và chính xác hơn. Thiết kế này chỉ cho phép nhìn thấy được 90% khung hình định chụp, tuy nhiên, lại nhanh và chính xác hơn là live-view trực tiếp trên cảm quang chính, bởi nó sử dụng hệ thống lấy nét chính mà không cần phải bật gương lật lên vừa chậm chạp vừa gây tiếng ồn. Nhưng cũng vì là cảm quang phụ nên máy không cho phép zoom lớn trên màn hình để lấy nét tay. Mẫu tầm trung, A500-550, có cả 2 hệ thống live-view để người dùng lựa chọn.
Màn hình lật được theo chiều dọc 2,7 inch, độ phân giải 230K pixel giúp chụp tốt ở tư thế nâng qua đầu và ngang thắt lưng. Giống như hầu hết mẫu DSLR hiện nay, Sony Alpha dùng màn hình chính để hiển thị thông số chụp và tự xoay 90 độ khi dựng dọc thân máy.
Màn hình lật được theo chiều dọc, kích thước 2,7 inch. Ảnh: Dentonima. |
Sony đã thay pin dùng chung từ A200 tới A900 bằng một mẫu pin mới để giảm trọng lượng và kích thước máy. Cái giá phải trả là dung lượng pin bị mất phân nửa. Sony cho rằng pin vẫn hỗ trợ chụp được 500 kiểu so với 730 của A300, tuy nhiên, điều đáng tiếc là giờ đây, máy đã không hiển thị chính xác phần trăm năng lượng còn lại nữa mà thay vào đó là biểu tượng vạch pin.
Về chi tiết hình ảnh, A330 không thua kém đối thủ cạnh tranh cùng hạng. Ảnh: Digitalcameratracker. |
Giống như những máy DSLR Sony cùng loại, Alpha A330 khá bảo thủ trong vấn đề xử lý hình ảnh, màu ra hơi lỳ và thiếu sắc sảo khi so sánh với các đối thủ khác. Có thể cải thiện một cách đơn giản bằng cách chỉnh trong phần Standard Creative Style hoặc chuyển qua Vivid. Điều này có thể làm cho khách hàng tiềm năng của A330, những người thích thương hiệu Sony và muốn chuyển từ compact lên, hài lòng hơn.
Theo Cameralabs, về chi tiết của hình ảnh, A330 không hề thua kém đối thủ cạch tranh cùng hạng. Tuy nhiên, khi ISO lên tới 400, nhiễu màu (chroma artefact) bắt đầu thấy rõ hơn và giảm nhiễu không được mịn lắm. Ở ISO 800, A330 bị sụt giảm chất lượng đáng kể so với đối thủ, hình ảnh trở nên khá mềm mờ. Lên tới 1.600, tình hình còn xuống hơn nữa, bởi việc làm nhiễu hủy hoạt chi tiết và làm cho hình không sạch, nhất là khi so sánh với đối thủ khác như Canon 1000D, Nikon D90. Bởi A330 vẫn sử dụng cảm quang cũ nên kết quả này không có gì ngạc nhiên. Có thể mức nhiễu của nó thấp hơn A380, nhưng vẫn bị tụt hậu so với những model khác. Nếu bạn chụp ISO từ 400 trở xuống thì không thành vấn đề, nhưng nếu hay chụp từ 800 trở lên thì có thể lưu ý các model khác.
Trong dòng DSLR khởi điểm, Sony giữ nguyên linh kiện điện tử, nhưng thay vào một vỏ máy mới. |
Khi Sony tung ra Alpha A330, A230 và A380, cũng không khó nhận ra tại sao nhiều người đam mê nhiếp ảnh lại thất vọng do họ hầu hết đều đã quen với việc máy ảnh mới phải có các tính năng mạnh hơn, như độ phân giải cao hơn, chụp nhanh hơn, màn hình lớn và chi tiết hơn. Đó là chưa kể đến các tính năng tân thời như quay phim.
Sony hoàn toàn tránh xu thế đó với loạt máy khởi điểm mới bằng cách giữ nguyên các linh kiện điện tử như cũ và chỉ đơn giản là cho vào trong một vỏ máy được thiết kế mới với giao diện đã sửa đổi. Dĩ nhiên, có chuyển từ dùng CF sang SD/Memory Stick Duo và thêm cổng HDMI, nhưng không hề có tính năng mới.
Vì vậy, A330 không phải là model nâng cấp cho những người đang sử dụng dòng máy khởi điểm của Sony Alpha. Nếu muốn nâng cấp từ A200, A300, A350 thì đã có dòng trung cao series A500.
Những điểm nói trên không để nói A330 là một thất bại, bởi Sony đã nghiên cứu kỹ thị trường mà nhóm 3 chiếc máy mới nhắm tới, với giao diện ít khủng bố, thiết kế bề ngoài khác lạ. Người dùng mà Sony nhắm tới không bận tâm lắm về ISO trên 400, chụp liên tiếp chậm mà có thể họ sẽ phàn nàn về thiếu khả năng quay video. Tuy nhiên, A330 có thể chiếm cảm tình của họ bằng giao diện thân thiện, chế độ Live view không ồn ào, chống rung ngay trong thân máy.
Với giá cả hợp lý nằm ở khoảng giữa so với hai "chị em" A230 và A380, Sony Alpha A330 sẽ là một chiếc máy ảnh tốt cho những người mới bước vào sử dụng DSLR.
|
Nguyễn Nhật Thanh