Sóng điện từ wifi được cho là an toàn với con người. Tuy nhiên, công trình mới của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Sinh sản Bệnh viện Yamashita Shonan Yume cùng Khoa Khoa học Đời sống và Môi trường Đại học Yamanashi (Nhật Bản), cho thấy nam giới tiếp xúc lâu với sóng wifi làm giảm khả năng sinh sản.
Từ tháng 8 đến tháng 11/2018, nhóm tác giả nghiên cứu tác hại của sóng điện từ trong các thiết bị sử dụng wifi như điện thoại di động, đến chuyển động và sức khỏe tinh trùng của 51 người đàn ông. Các tình nguyện viên tuổi trung bình 38,4 và đều từng thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Yamashita Shonan Yume.
Mẫu tinh trùng của 51 người này được chia làm ba nhóm. Nhóm đầu không tiếp xúc với sóng wifi, nhóm thứ hai tiếp xúc với sóng wifi nhưng có một lớp bảo vệ; nhóm thứ ba tiếp xúc hoàn toàn với sóng wifi.
Các mẫu tinh trùng được đặt gần thiết bị phát wifi, tương tự cách nam giới để điện thoại trong túi quần. Nhóm nghiên cứu cho tinh trùng tiếp xúc với sóng wifi lần lượt 30 phút, 60 phút, hai tiếng, 24 tiếng, sau đó kiểm tra lại.
Kết quả cho thấy nếu chỉ tiếp xúc với sóng wifi trong 30 và 60 phút, chuyển động của tinh trùng hầu như không thay đổi. Thời gian tiếp xúc càng dài, tinh trùng càng ít di chuyển và chết nhiều hơn.
"Sau 24 giờ, tỷ lệ tinh trùng chết ở nhóm không tiếp xúc với wifi là 8,4%; nhóm tiếp xúc với wifi có bảo vệ 18,2% và nhóm tiếp xúc hoàn toàn với wifi là 23,3%", bà Nakata cho biết.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy trong 40 năm qua số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng giảm mạnh. Nguyên nhân có thể do tiếp xúc với chất hóa học, ô nhiễm môi trường, stress, chế độ ăn không lành mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán trong thế kỷ 21, vô sinh ở cả nam lẫn nữ sẽ trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thứ ba sau ung thư và bệnh tim mạch. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chiếm 60% dân số trái đất, tình trạng này càng đáng lo ngại.
"Môi trường chúng ta sống và làm việc đầy sóng điện từ. Cho đến khi có các nghiên cứu sâu hơn, người dân nên cẩn trọng về mối nguy hại tiềm ẩn từ những nơi sóng điện từ hiện diện", bà Nakata khuyến cáo.
Minh Nguyên (Theo Straits Times)