Không chỉ mất hàng giờ tìm kiếm và xâu chuỗi thông tin rải rác khắp ngõ ngách trên Internet, ngày nào tôi cũng phải quay lại từng ấy nơi cập nhật xem liệu có gì thay đổi. Để hoàn thành tất cả thủ tục giấy tờ và được cấp các mã QR cần thiết lại là một trận đau đầu khác. Sau nhiều lần đi lại và "làm phiền" hết nhân viên IT, cán bộ y tế đến cơ quan lãnh sự hai quốc gia, cuối cùng tôi cũng có được giấy miễn cách ly của Hàn Quốc và chứng nhận vaccine cho người nước ngoài của Thụy Sĩ (cả trên giấy lẫn trên ứng dụng điện thoại).
Tôi cảm tưởng đây là thành tựu lớn nhất của mình trong năm.
Sau đó tôi đặt mua vé máy bay và hớn hở lên kế hoạch với các đồng nghiệp ở Geneva. Bố mẹ và bạn bè bắt đầu đếm từng ngày chờ tôi trở về. Nếu chú chó cưng của tôi biết, chắc hẳn nó sẽ nằm đợi sẵn bên thềm cửa.
Thế rồi Omicron xuất hiện.
Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, một loạt quy định mới được ban hành. Tôi đành hủy mọi lịch trình. Đống "thành tựu" của tôi giờ nằm chỏng chơ một góc bàn. Bao nhiêu thời gian và công sức đều vô ích.
Khó khăn lớn nhất của tôi trong thời kỳ Covid là chung sống hòa bình với sự bất định. Chính các chính phủ cũng đang chật vật thích ứng với điều đó.
Từ khi đại dịch bùng phát, đã có hơn 111.000 biện pháp kiểm soát đi lại được áp dụng trên toàn cầu. Không thể phủ nhận nỗ lực của các chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng khi đám mây bất định vẫn phủ kín mọi nẻo đường, thì hàng trăm nghìn biện pháp vừa liên hệ mật thiết, vừa tách rời nhau đó, kèm theo tất cả những thay đổi đến chóng mặt, những thủ tục giấy tờ phức tạp và đôi khi tốn kém, phần nào làm gia tăng sự bất ổn và trầm trọng hoá bất bình đẳng trong đi lại và tính dễ bị tổn thương của nhiều người.
Việc phải chứng minh đã tiêm chủng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính đã trở thành điều hiển nhiên khi di chuyển quốc tế lẫn nội địa. Đây là những việc làm cần thiết, song, chúng ta không nên bình thường hóa việc thực hiện những quy định này theo hướng có thể khiến những người đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn, yếu thế lại càng yếu thế hơn.
Chỉ khoảng một nửa số quốc gia trên thế giới cho phép người nhập cư hợp pháp tiếp cận tiêm chủng. Và tình hình chắc chắn là không mấy khả quan với những người di cư trong tình trạng bất hợp pháp.
Những quy định rời rạc về việc phải tiêm loại vaccine nào, tiêm ở đâu mới được chấp nhận, xin loại giấy nào mới được qua "chốt", sự thiếu tương thích giữa các ứng dụng và mã QR là một bài toán khó ngay cả với bản thân tôi, một người làm việc cho cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc. Hãy thử tưởng tượng một cô gái trẻ sống ở vùng núi xa xôi tại Nghệ An chỉ biết nói tiếng bản địa, hay một lao động phổ thông đến từ Cà Mau chưa học hết cấp ba, sẽ bối rối thế nào trước ma trận thông tin này. Biết đâu trước bờ vực nghèo đói, mong muốn di cư của họ là niềm hy vọng duy nhất của cả gia đình.
Hãy đặt câu chuyện của chúng ta trong bối cảnh tương tác kéo-đẩy của di cư đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vì Covid-19 mà các chính phủ, cộng đồng và khối tư nhân cuối cùng cũng nhận ra những giá trị và đóng góp to lớn của lực lượng lao động di cư. Sự thiếu hụt lao động khiến nhiều nơi loay hoay lấp đầy các dây chuyền để thúc đẩy sản xuất ngay khi dịch bệnh lắng xuống. Đồng thời, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và mất thu nhập ở các địa phương cũng thôi thúc người ta ra đi để kiếm cái ăn.
Tuy vậy, việc di cư an toàn, trật tự và hợp pháp ngày càng trở nên khó khăn với lực lượng lao động thiết yếu này. Số người di cư mất tích hay bỏ mạng trên toàn cầu không thay đổi nhiều ngay cả trong đại dịch.
Lịch sử đã chứng minh "cơn bão hoàn hảo" này sẽ tạo điều kiện cho những kẻ buôn người và đưa người di cư trái phép hoạt động ngày một phức tạp hơn. Chúng thậm chí có thêm nhiều cơ hội để cung cấp tin giả, tin sai lệch và mời chào các dịch vụ tốn kém, đẩy người di cư tới các kênh trái phép đầy rẫy hiểm nguy.
Dù biến chủng Omicron xuất hiện, phổ cập vaccine đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế rồi sẽ được nới lỏng và thế giới nhích dần tới trạng thái bình thường tương đối. Chúng ta luôn nói rằng không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn và hứa hẹn với nhau sẽ xây dựng một thế giới hậu Covid tốt đẹp hơn. Nhưng trừ phi chúng ta xem xét và giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận tiêm chủng, xét nghiệm, thủ tục giấy tờ hay hạ tầng kỹ thuật số, những điều kiện đi lại mới này sẽ không chỉ gây khó khăn cho nhiều người mà còn tạo ra môi trường lý tưởng cho tội phạm hoành hành, bóc lột và lợi dụng những nhóm yếu thế.
Do đó, tôi cho rằng cần suy nghĩ xa hơn ranh giới những đường biên và nhìn từ góc độ của những người thiệt thòi nhất để đảm bảo khả năng dễ dự đoán và tính dễ tiếp cận sẽ là then chốt trong chính sách về đi lại. Việc dự báo và tạo điều kiện thuận lợi cho một số luồng di chuyển nhất định với chi phí hợp lý và các tiêu chí nhập cảnh dễ áp dụng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bao gồm người di cư. Điều đó nghĩa là các quy định đi lại phải bám sát thực tế và dựa trên hiểu biết rõ ràng về việc chúng sẽ đóng góp ra sao, đến mức nào và khi nào cho việc ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Ngoài ra, cần đánh giá được tương quan giữa giá trị và rủi ro của các biện pháp hạn chế khác nhau trong tiến trình một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Trên hết, các quy tắc đi lại phải được ban hành một cách rõ ràng, đơn giản, dễ tiếp cận, và các rào cản phải được thừa nhận và giải quyết.
18/12 tới là Ngày Quốc tế Người di cư. Tôi và khẩn thiết hơn hết, là những người di cư, vẫn chờ đợi một bình thường mới cho câu chuyện xê dịch.
Park Mi Hyung