![Tàu ngầm đang trở thành công cụ độc đáo để nghiên cứu khả năng thích nghi của con người với môi trường khắc nghiệt. Ảnh: Hải quân Bồ Đào Nha](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/06/tau-ngam-bai-1738835076-3737-1738835513.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rh3B-Cc66ril1VdnfdG8Ag)
Tàu ngầm đang trở thành công cụ độc đáo để nghiên cứu khả năng thích nghi của con người với môi trường khắc nghiệt. Ảnh: Hải quân Bồ Đào Nha
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Bồ Đào Nha (PSA), và Hải quân Bồ Đào Nha đang sử dụng tàu ngầm như một công cụ quý giá để nghiên cứu cách con người thích nghi với môi trường khắc nghiệt và cô lập như dưới biển sâu hay ngoài vũ trụ. Mới đây, nhóm đầu tiên của dự án SubSea gồm 25 tình nguyện viên đã hoàn thành chuyến thám hiểm dưới nước kéo dài 60 ngày và trở về bờ, SciTechDaily hôm 5/2 đưa tin.
Tàu ngầm tái tạo sự cô lập, hạn chế và những thách thức vận hành của nhiệm vụ không gian. Do đó, đây là công cụ lý tưởng để nghiên cứu xem những điều kiện trên ảnh hưởng thế nào đến con người và phát triển các chiến lược ứng phó.
Để hiểu cách cơ thể và tâm trí thích nghi trong suốt nhiệm vụ, các nhà khoa học đã sử dụng bảng câu hỏi, thu thập mẫu tóc và nước bọt. Kết quả sẽ giúp họ phát hiện những dấu hiệu căng thẳng như cortisol, đồng thời theo dõi sự thay đổi trong sức khỏe miễn dịch của nhóm tình nguyện viên.
Hiện tại, nhóm chuyên gia từ các trường đại học ở Đức, Italy, Bồ Đào Nha đang phân tích quá trình sự căng thẳng, tâm trạng và tinh thần đồng đội của nhóm tình nguyện viên thay đổi trong không gian chật hẹp - tương tự điều kiện mà phi hành gia trải qua trong nhiệm vụ vũ trụ dài ngày.
![Nhóm tình nguyện viên của dự án SubSea dùng bữa trong tàu ngầm. Ảnh: ESA/Cơ quan Vũ trụ Bồ Đào Nha/Hải quân Bồ Đào Nha](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/06/Tau-ngam-hai-quan-set-17388350-7540-8457-1738835513.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FfhBmhzkYj56mo36KGmWjg)
Nhóm tình nguyện viên của dự án SubSea dùng bữa trong tàu ngầm. Ảnh: ESA/Cơ quan Vũ trụ Bồ Đào Nha/Hải quân Bồ Đào Nha
Phi hành gia ESA Andreas Mogensen, người trải qua nhiệm vụ kéo dài 6 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) năm ngoái, tin rằng các dự án như SubSea giúp họ chuẩn bị cho nhiều thách thức về sinh lý và tâm lý ngoài vũ trụ.
"SubSea là một sáng kiến thiết yếu giúp tìm hiểu sức bền của con người trong môi trường khắc nghiệt. Nghiên cứu về cuộc sống và công việc trong môi trường giới hạn, dù dưới biển, ngoài vũ trụ hay ở những nơi xa xôi trên Trái Đất, cũng đều cung cấp những thông tin vô giá về cách con người thích nghi với sự cô lập và căng thẳng về cả thể chất lẫn tinh thần", Andreas cho biết.
"Những nỗ lực này làm sâu sắc thêm hiểu biết của chúng ta về môi trường khắc nghiệt, đóng vai trò quan trọng giúp cộng đồng chuẩn bị cho những thách thức của các nhiệm vụ tương lai hướng tới Mặt Trăng, sao Hỏa và xa hơn", Daniel Neuenschwander, giám đốc bộ phận Khám phá Con người và Robot tại ESA, cho biết.
Tổng hợp kiến thức từ những nghiên cứu tàu ngầm và phi hành gia có thể giúp thúc đẩy đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe tại các trạm vùng cực, triển khai quân đội, leo núi thám hiểm, trong các cộng đồng sống trong bóng tối kéo dài, thậm chí cả hoạt động khai thác mỏ. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giải quyết một số rối loạn lâm sàng như rối loạn cảm xúc theo mùa, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.
Thu Thảo (Theo SciTechDaily)