Singapore là một trong những nước có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất thế giới, với hàng loạt tòa nhà chọc trời và các khu căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, điều này lại khác xa với những gì mà Oh Go Seng, 79 tuổi, trải nghiệm suốt 30 năm qua.
Câu chuyện về cuộc sống trong rừng của ông đã thu hút sự chú ý khắp Singapore, khiến nhiều người dân nước này ngỡ ngàng. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông không được trợ giúp, trong khi số khác tò mò với cách ông sinh hoạt trong rừng suốt hàng chục năm mà không ai biết.
Mọi chuyện bắt đầu vào Giáng sinh năm ngoái, khi ông Oh bị giới chức phát hiện buôn bán mà không có giấy phép. Khi đó, người đàn ông 79 tuổi đang bán rau quả tự trồng, sau khi đại dịch Covid-19 khiến ông mất công việc bán hoa ở chợ.
Oh tin rằng một khách hàng bất mãn đã tố giác ông do bất đồng với khoản tiền hàng trị giá 0,74 USD. Vivian Pan, một nhân viên xã hội, phát hiện Oh bị tịch thu hàng hóa và cảm thấy bức xúc, sau đó quay video và đăng lên mạng xã hội. Hình ảnh nhanh chóng lan truyền và thu hút sự chú ý của nghị viên địa phương Liang Eng Hwa.
Nghị viên này phát hiện ra rằng câu chuyện của Oh còn ly kỳ hơn, khi ông đã sống trong rừng nhiều năm qua.
Oh Go Seng sinh ra và lớn lên ở làng Sungei Tengah. Trong thập niên 1980, các ngôi làng như làng của ông bị giải tỏa để lấy đất xây dựng nhà chọc trời. Phần lớn cư dân được chính phủ Singapore di dời đến khu tái định cư, nhưng Oh Go Seng không thể tìm được nơi ở cho mình.
Ông được mời đến ở cùng gia đình em trai, nhưng sớm rời đi vì không muốn làm phiền họ. Oh trở về khu rừng gần ngôi nhà cũ và bắt đầu sống trong căn lều tạm bợ làm từ các mảnh gỗ, tre và phông bạt. Ông nấu nướng trên đống lửa trước nhà, trong khi đồ đạc dồn đống giữa túp lều.
Rau củ được Oh Go Seng trồng ở khu vườn gần đó. Ông nói rằng cây mít to lớn bên cạnh lều cung cấp bóng râm mát, giúp ông cảm thấy thoải mái bất chấp khí hậu nóng ẩm của Singapore. Oh không cảm thấy cô đơn vì ông luôn bận rộn với công việc chăm sóc vườn. Điều tồi tệ nhất khi sống trong rừng là chuột, khi chúng luôn mò vào lều và cắn hỏng quần áo của ông.
Oh Go Seng thường xuyên kiếm công việc đơn giản để có tiền trang trải. Ông thường dùng số tiền này để đi phà đến đảo Batam ở Indonesia, gặp gỡ bạn đời là bà Tacih. Họ có một cô con gái, nhưng ông luôn trở về túp lều ở Singapore, thay vì ở lại Indonesia.
Người thân hoàn toàn không biết về cuộc sống trong rừng của ông. Một người họ hàng tiết lộ ông luôn nói rằng "đang sống trong một khu vườn" khi được hỏi về nơi sinh sống.
Những chuyến đi Batam phải chấm dứt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Singapore đóng cửa phần lớn biên giới, chỉ cho phép đi lại giới hạn với những người có điều kiện chi trả tiền xét nghiệm và cách ly. Dù vậy, Oh Go Seng vẫn cố gắng hỗ trợ vợ con bằng cách gửi cho họ khoảng 370-450 USD mỗi tháng.
Vô gia cư là tình trạng tương đối hiếm gặp ở Singapore. Đây là một trong những quốc gia có thu nhập trung bình cao nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người khoảng 60.000 USD. Singapore cũng có mạng lưới nhà ở công cộng dày đặc, với 80% dân số sống trong những ngôi nhà được trợ giá, xây dựng và quản lý bởi Ủy ban Phát triển Nhà ở.
Dù vậy, giới chức ước tính có khoảng 1.000 người Singapore đang trong tình trạng vô gia cư.
Ông Oh được chuyển đến nhà mới vào ngày đầu năm mới Nhâm Dần với sự hỗ trợ của nghị viên Liang Eng Hwa. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ông Oh, bao gồm tìm kiếm trợ cấp xã hội và giúp ông đoàn tụ với vợ con ở Indonesia", Liang cho hay.
Ông sống chung với một người đàn ông khác trong căn hộ một phòng ngủ, với tủ lạnh, TV, ấm đun nước và bình nóng lạnh được các mạnh thường quân đóng góp. Oh cho biết ông thích bình nóng lạnh, nhất là sau nhiều năm tắm rửa ở ao nước gần túp lều và thấy rằng nước máy quá lạnh.
Giờ đây Oh làm tài xế đưa đón lao động nước ngoài và đôi khi làm công việc chăm sóc vườn cây. Ngày chuyển đến nhà mới cũng là lần đầu tiên ông đón Tết Nguyên đán với gia đình ở Singapore trong hơn 30 năm. Oh vẫn nhớ sự tự do trong rừng, dù thừa nhận ông thích sống trong căn hộ hiện tại hơn.
"Tôi đã sống ở đó suốt nhiều năm nên tất nhiên sẽ thấy nhớ nó. Tôi vẫn trở về khu rừng mỗi ngày. Tôi dậy lúc 3h, mặc đồ và đến đó kiểm tra vườn rau, trước khi ngày làm việc bắt đầu", người đàn ông 79 tuổi cho hay.
Vũ Anh (Theo BBC)